Đà Nẵng giám sát chặt giấy đi đường ngày đầu tiên 'giãn cách xã hội tăng cường'

01/08/2021 21:15 GMT+7

Trong ngày đầu “ giãn cách xã hội tăng cường” (1.8), có một số vấn đề nảy sinh ở TP. Đà Nẵng nhưng nhìn chung chính quyền thành phố đã linh hoạt xử lý, nhất là kiểm tra và cấp giấy đi đường…

Trong ngày đầu “giãn cách xã hội tăng cường” theo Chỉ thị 05 của UBND TP.Đà Nẵng, hôm nay 1.8 theo ghi nhận của PV Thanh Niên, người dân các địa phương trong địa bàn thành phố đã chấp hành nghiêm túc.
Riêng tại P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), nơi phong tỏa cứng với khoảng 30.000 nhân khẩu từ 22 giờ tối qua 31.7, người dân hầu hết đều ở trong nhà, chỉ số ít ra ngoài để đi xét nghiệm Covid-19 hoặc đi mua lương thực, thực phẩm...

Từ ngày mai (2.8), Đà Nẵng sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ người ra đường thông qua giấy đi đường

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Do tạm dừng hoạt động kinh doanh buôn bán nên UBND phường đã thông báo người dân đặt hàng mua lương thực, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu tại một siêu thị được chỉ định và sẽ sớm thông báo cụ thể phương án nguồn hàng liên quan.

Lúng túng vì thiếu “giấy thông hành” trong đêm đầu Đà Nẵng thực hiện 16+ chống Covid-19

Công an TP.Đà Nẵng cho biết từ tối 31.7 lực lượng chức năng đã triển khai 384 chốt phong tỏa (trong đó có 153 chốt nội thành), lập 128 tổ tuần tra. Theo đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.Đà Nẵng, lượng người dân ra đường giảm rõ rệt.

Tại khu phong tỏa cứng P.Nại Hiên Đông, các chốt kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân

Ảnh: S.X

Trong ngày đầu thực hiện chốt phong tỏa, đã có một số bất cập như cần bổ sung đèn cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông; phương tiện không thể quay đầu theo yêu cầu của chốt kiểm soát trên đường 1 chiều; lực lượng kiểm soát lúng túng khi người dân lấy lý do đi siêu thị…

Linh hoạt kiểm tra, xử lý

Theo Chỉ thị 05, việc kiểm soát người ra đường chủ yếu dựa vào phiếu đi chợ hoặc giấy đi đường được ban hành mẫu chung. Tuy nhiên, vì Chỉ thị 05 được ban hành vào ngày cuối tuần (thứ bảy 31.7) nên nhiều cơ quan, công ty, đơn vị chưa kịp cấp giấy đi đường. Các chốt kiểm soát cũng tạm thời nhắc nhở, chưa xử lý vi phạm…
Để tạo điều kiện cho người dân, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo các chốt linh hoạt kiểm tra thông qua ảnh chụp giấy đi đường trên điện thoại kèm giấy CMND. Các trường hợp mang theo phiếu đi chợ (không đúng ngày) hoặc không có CMND đều bị buộc quay đầu.

Đà Nẵng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm khi triển khai Chỉ thị 05 của UBND TP

ẢNH: NGUYỄN TÚ

UBND phường, xã được giao chịu trách nhiệm cấp giấy đi đường cho người dân thông qua tổ dân phố, thôn và giám sát việc cấp giấy đảm bảo đúng đối tượng, thực sự cần thiết, tránh cấp tràn lan.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Q.Thanh Khê, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo cần lắp đặt các phương tiện, thiết bị nhằm bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ lâu dài cho các lực lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm chốt… Theo ông Quảng, địa phương cần chủ động nắm tình hình các hộ dân trong khu vực giãn cách, phong tỏa, nhất là các hộ khó khăn để kịp thời hỗ trợ, không để người dân bị thiếu lương thực, thực phẩm.

SARS-CoV-2 dính lên tiền thì sống bao lâu, mang khẩu trang có ngừa được bệnh Covid-19 | BÁC SĨ ƠI số 1

Tiếp tế lương thực vào khu phong tỏa cứng

Trước đó vào tối 31.7, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu UBND Q.Sơn Trà thực hiện phong tỏa cứng 4 phường gồm An Hải Bắc, Mân Thái, Thọ Quang và Nại Hiên Đông. Đặc biệt, tại P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) phải thực hiện "đóng cứng" do liên quan đến chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại cảng cá Thọ Quang.

Lực lượng chức năng lập hàng rào kẽm gai để "phong tỏa cứng" P.Nại Hiên Đông - nơi được đánh giá có nguy cơ dịch bệnh cao nhất Đà Nẵng hiện nay

ẢNH: HUY ĐẠT

Ghi nhận của PV Thanh Niên vào chiều nay tại khu phong tỏa cứng P.Nại Hiên Đông, lực lượng chức năng chốt trực 24/24, toàn bộ khu vực phường được khoanh vùng bằng hàng rào thép. Người dân nhận lương thực tiếp tế từ bên ngoài được lực lượng hỗ trợ hết sức.
Bà Nguyễn Thị Vân (40 tuổi, trú P.Nại Hiên Đông) cho biết trước khi thực hiện phong tỏa cứng, gia đình bà Vân được thông báo và có thời gian chuẩn bị lương thực, thực phẩm cần thiết. Tuy nhiên, do gia đình có cháu nhỏ nên sau 3 ngày cần được người thân ở bên ngoài tiếp tế thực phẩm riêng. Khi ra nhận thức ăn trẻ em tại chốt kiểm soát, bà được lực lượng chức năng ở chốt kiểm soát dịch hỗ trợ rất nhiệt tình.

Lực lượng chức năng tại các chốt ở P.Nại Hiên Đông (Sơn Trà) hỗ trợ người dân tiếp nhận thực phẩm vào bên trong khu phong tỏa

ẢNH: HUY ĐẠT

Trung tâm Ứng cứu sự cố hoá học, sinh học, hạt nhân miền Trung (thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng) và Tiểu đoàn Phòng hóa 78 - QK5 đã triển khai phương tiện, lực lượng phun khử khuẩn các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông.

Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với khoảng 30.000 dân tại khu phong tỏa cứng Nại Hiên Đông dự kiến được thực hiện trong 3 ngày

ẢNH: HUY ĐẠT

Đặc biệt, trên cơ sở đánh giá là địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhất tại Đà Nẵng,  Tiểu đoàn Phòng hóa 78 sử dụng 3 xe chuyên dùng và nhiều trang thiết bị đặc chủng tổ chức phun khử khuẩn với lượng hóa chất lớn toàn bộ ngõ ngách tại P.Nại Hiên Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.