Dạy trẻ biết cơ thể là riêng tư

20/03/2017 09:02 GMT+7

Những ngày gần đây, dư luận hoang mang và xót xa trước thông tin các vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng.

Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy (ảnh), chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, xung quanh vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục.
Thưa bà, trước thông tin nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, bà cảm thấy thế nào?
Bản thân tôi làm công tác tham vấn tâm lý gần 20 năm nay, những thông tin về số lượng trẻ em bị xâm hại luôn là thông tin rất nhức nhối. Số lượng trẻ bị xâm hại mỗi năm ở nước ta rất đáng để quan tâm và giải quyết.
Nạn nhân các vụ xâm hại tình dục ngày càng nhỏ tuổi, bà nhìn nhận gì về thực tế này?
Thứ nhất, trẻ em là một trong những đối tượng yếu đuối, dễ bị tấn công và không có khả năng chống lại. Thứ hai là yếu tố bệnh lý mà trong trường hợp này gọi là ấu dâm, liên quan đến thú tính trong con người. Một nhóm đối tượng chỉ có sở thích với trẻ em và nó nằm ở bệnh lý của mỗi người.
Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy
Trước thực tế đang diễn ra ngày càng phức tạp, theo bà, phụ huynh có thể làm gì để bảo vệ con mình?
Phải dạy cho con những kỹ năng tự phòng vệ, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ phòng chống xâm hại và phải dạy ngay từ khi còn nhỏ, càng sớm càng tốt. Dạy con biết cơ thể của trẻ là riêng tư và không ai có quyền đụng vào hoặc có những biểu hiện làm cho trẻ khó chịu. Trẻ phải biết bảo vệ từ khi còn rất nhỏ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được chủ quan với những người rất quen thuộc. Có rất nhiều trường hợp là anh em ruột, anh em họ trong nhà rồi bạn của bố mẹ, tất cả những người đó rất gần gũi và dễ có cơ hội đến gần tấn công trẻ hơn. Vì thế, chúng ta cần giúp trẻ hiểu được đâu là đụng chạm an toàn của người lớn và đâu là đụng chạm không an toàn.
Cần dạy trẻ nhớ tên, địa chỉ, số điện thoại của người thân trong gia đình ngay từ khi trẻ còn bé. Cũng nên để trong túi đi học của trẻ những thông tin của gia đình để phòng hờ trường hợp xấu. Dạy cho trẻ bình tĩnh và dũng cảm khi gặp trường hợp xâm hại. Bình tĩnh giúp trẻ nhận diện được các nguy cơ. Ví dụ, khi trẻ gặp người có hành vi xấu, nếu bình tĩnh trẻ có thể biết quan sát, nhận diện xung quanh có người thì trẻ sẽ la lên và kêu cứu.
Còn trong trường hợp trẻ cô độc với kẻ xấu thì trẻ phải biết bình tĩnh và giả vờ đồng ý với những đề nghị của người xấu. Đợi cơ hội người xấu không đề phòng, không chú ý, trẻ có thể bỏ chạy và la lớn để trì hoãn được thời gian và kịp có người khác đến giúp. Còn những đứa trẻ quá sợ hãi, hay có những hành vi vội vã thì thông thường trẻ sẽ bị tổn thương đến thân thể.'

tin liên quan

Báo động xâm hại tình dục trẻ em
Cần bổ sung tội danh “quấy rối tình dục” 
Bà Đào Thị Xuân Lan, thẩm phán TAND tối cao cho biết, tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) phụ nữ và trẻ em gái những năm gần đây đã xảy ra nhiều, đáng báo động. 
Với một đứa bé còn quá nhỏ thì những kiến thức này liệu có quá khó để trẻ nhớ và áp dụng?
Rất khó. Dạy điều này cần cả một quá trình rất dài. Trong những tình huống hằng ngày cũng nên động viên trẻ tự tin và dũng cảm hơn. Từ những chuyện nhỏ như thế đến những chuyện lớn hơn, trẻ mới bình tĩnh để giải quyết được. Những điều này không thể dạy trong một hoặc hai bữa mà phải được rèn luyện qua thời gian.
Dạy cho các em quá nhiều thì có khi nào các em dè chừng với tất cả mọi mối quan hệ hoặc thậm chí thu mình lại?
Tất cả phụ thuộc vào cách dạy của mỗi phụ huynh, phải dạy như thế nào để trẻ có thể tiếp nhận như những kiến thức thường ngày. Chẳng hạn như khi tắm mình nói với con về những chỗ kín đáo, nhạy cảm của cơ thể. Nói một cách hết sức vui vẻ, nhẹ nhàng trong những sinh hoạt hằng ngày của con.
Đặc biệt, cha mẹ trong chuyện này đừng quá trầm trọng hóa vấn đề. Tôi sợ rằng các bậc cha mẹ đang có tâm lý thái quá, nên cứ lôi chuyện này ra nói với con khiến cho đứa trẻ trở nên đề phòng với tất cả mọi đối tượng xung quanh và dần thu mình lại. Vô tình lại gieo một nỗi lo lắng không đáng có cho con mình. Hãy dạy con như những kiến thức phổ thông bình thường giống như dạy con ăn sao cho khỏe, giữ vệ sinh sao cho sạch rồi bảo vệ thân thể sao cho an toàn. Chứ đừng gieo cho con sự lo lắng, sợ hãi, nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Hiện tượng này đang rất phổ biến làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ nhỏ.
Thưa bà, vậy phụ huynh nên làm gì để trấn an con?
Đừng bắt đứa trẻ phải nhớ lại sự kiện đó quá nhiều lần hay bắt đứa trẻ phải kể đi kể lại sự việc đó. Chính phụ huynh nên giữ cho con mình an toàn, giữ khoảng cách với bất cứ ai quá tò mò về chuyện này. Sự động viên, khích lệ là rất quan trọng, hãy nói với con là con không có lỗi trong chuyện này, kẻ đó là kẻ xấu.
Khi mà giá trị con người bị xâ hại sẽ bị tổn thương rất lớn, cảm thấy mình không còn là con người trong sạch nữa dẫn đến mặc cảm tự ti. Nếu cha mẹ không nâng đỡ, không đứng bên con, không bảo vệ con trước những ánh mắt tò mò của người khác thì sẽ rất nguy hiểm cho tâm lý của đứa bé.
Giải pháp tối ưu nhất mà tôi tha thiết mong các bậc phụ huynh hãy giúp con phòng tránh, phải “chọn mặt gửi vàng” khi chọn nơi gửi con. Tất cả mọi thứ, cha mẹ phải tạo ra môi trường an toàn cho con và dạy con kỹ năng phòng vệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.