Gặp 'ông đỡ' ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam

Như Lịch
Như Lịch
29/09/2019 08:48 GMT+7

Sáu năm trước, ở tuổi 33, bác sĩ Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) là người đã điều trị hiếm muộn và đỡ đẻ thành công cho ca sinh năm duy nhất ở VN. Đến nay, ngoài chuyên môn sản phụ khoa, bác sĩ Thịnh còn được xem “mát tay” trong điều trị hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo và phẫu thuật thẩm mỹ .

“Đạo diễn” từ đầu đến cuối ca sinh năm
Bác sĩ đóng vai trò gì trong ca sinh năm đầu tiên và cũng là duy nhất tính đến nay ở VN?
Tôi là “đạo diễn” từ đầu đến cuối ca sinh năm đó. Hồi ấy, chị Lê Huỳnh Anh Thư (sản phụ sinh năm) tới phòng khám của tôi điều trị hiếm muộn. Chị bị buồng trứng đa nang, gây rối loạn phóng noãn, trứng không rụng dẫn đến không có thai. Tôi can thiệp bằng cách kích trứng và hướng dẫn vợ chồng quan hệ tự nhiên. Siêu âm thấy chị Thư đa thai, tôi tư vấn các rủi ro và khuyên giảm thai, nhưng gia đình nhất quyết không chịu. Mình đâu thể ép người ta được, nên chỉ biết “đu theo” để cùng dưỡng thai.
Trong thời gian chị Thư mang thai, anh lo lắng nhiều không?
Thông thường chỉ ba thai thôi, khả năng sinh non không nuôi được đã chiếm tỷ lệ 40 - 50%, huống hồ đây là năm thai, khả năng sinh non lên đến 80 - 90%. Vì vậy, dưỡng thai cho chị Thư, tôi hồi hộp từng phút một. Từ 28 tuần, tôi thấy yên tâm hơn. Tới 33 tuần rưỡi, tôi còn nhớ rõ lúc đó là chiều tối chủ nhật 17.3.2013, tôi đang đánh cầu lông thì nghe chị Thư gọi điện: “Em vỡ ối rồi, đau bụng quá bác ơi!”. Dặn chị Thư vô cấp cứu ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, tôi vội chạy về mổ cho chị. Xong xuôi, tôi nghỉ phép “trốn” luôn mấy ngày, bởi người ta hỏi quá chừng.
Điều khiến anh lo nhất ở ca sinh năm là gì?
Ca đó khó vì tử cung lớn quá. Trung bình mỗi bé cân nặng 1,7 - 1,8 kg, tổng cộng năm bé khoảng 8 kg. Chưa kể, mỗi đứa có một “phòng”, với bánh nhau, túi ối riêng…, càng làm nặng thêm cho tử cung. Điều tôi lo sợ nhất khi mổ bắt con ra là sự băng huyết không kiểm soát được. Tử cung bình thường nhỏ, mang 5 đứa nó giãn kinh khủng. Khi lấy 5 đứa bé, nhau bong ra, tử cung không co lại được gây chảy máu ồ ạt, dễ có nguy cơ tử vong. Mình phải tiên lượng những chuyện như vậy để có biện pháp xử lý. Ca tuy khó nhưng nhờ kinh nghiệm nên tôi mổ rất nhanh. Lúc đó cũng nhờ có tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương vào cùng ê kíp mổ nên “mẹ tròn con vuông”.
Gặp 'ông đỡ' ca sinh 5 duy nhất ở Việt Nam1

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh (bìa phải) trong một ca đỡ đẻ

Ảnh: NVCC

Đã 6 năm trôi qua từ ca mổ “lịch sử” đó, bác sĩ và gia đình các bé có giữ mối liên lạc?
Có chứ, chúng tôi rất thân nhau. Bà nội và má mấy đứa nhỏ hay bảo tụi nó gọi tôi là “ba nuôi”. Còn mấy đứa nhỏ gặp tôi rất mừng, đeo dữ lắm. Đứa nhảy lên đầu, đứa ôm ngang, đứa ôm chân… Tết năm nào tôi cũng đến thăm gia đình và lì xì cho tụi nhỏ.

Điều trị người bệnh, không phải “nhào vô” trị cái bệnh

Vì sao anh cất công đi học phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng về nước hành nghề sản phụ khoa?
Lúc tôi học lớp 10, mẹ tôi bị ung thư cổ tử cung. Trước khi mất, mẹ nhắn nhủ tôi nên theo ngành y để chữa bệnh cứu người. Tôi đậu một lúc ba trường đại học: Bách khoa, Luật, Y Dược TP.HCM và quyết định chọn ngành y. Học y xong, tôi thực tập ở khoa sản. Thấy tôi mổ xẻ khéo, Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc BV Từ Dũ) tạo điều kiện cho tôi sang Pháp học 2 năm về phẫu thuật thẩm mỹ. Trở về VN, tôi được một BV nhận vô làm chuyên về thẩm mỹ. Khi đó, tôi đắn đo dữ lắm vì không muốn bỏ luôn mảng sản. Cuối cùng, tôi xin vô BV Từ Dũ làm về sản khoa cho đến bây giờ.

Tôi luôn nhớ lời mẹ tôi dặn học y để giúp bệnh nhân. Làm thẩm mỹ có nhiều tiền, cũng vui nhưng chỉ làm đẹp thôi, chứ không trị bệnh, không giúp được gì nhiều. Còn làm sản giúp được nhiều người, nên tôi không bao giờ bỏ sản 

Khi làm sản, tôi phát hiện thêm mảng liên quan là hiếm muộn, nên đi học bổ sung. Mà lạ lắm, thấy mình hên lắm! Có những ca khó, nghĩ làm không được nhưng tới mình làm là đậu (thụ thai - PV), đậu quá trời đậu.
Nguyên tắc điều trị của anh là gì?
Tôi điều trị người bệnh, chứ không phải nhào vô điều trị cái bệnh. Đặc biệt, những người bị hiếm muộn lâu năm thường chất chứa nhiều tâm sự, không thể thổ lộ cùng ai. Thấy tôi luôn thân thiện, các chị em kể đủ thứ chuyện cho mình nghe. Từ đó, mình nắm hoàn cảnh, cách ăn uống, sinh hoạt vợ chồng… từng trường hợp để có phương pháp điều trị phù hợp.

Những đứa bé giờ đã lớn vào lớp 1

Ảnh: Vũ Phượng

Nhờ nhỏ to tâm sự, anh phát hiện trường hợp nào “dở khóc, dở cười” cần cảnh báo trong điều trị hiếm muộn?
Khi đến khám và điều trị hiếm muộn, có nhiều người cho biết họ… rất lười (hoặc sợ) quan hệ tình dục vợ chồng, mấy tháng mới quan hệ một lần. Như vậy làm sao có thai tự nhiên cho được? Bên cạnh đó là những ca khó như mắc hội chứng co thắt âm đạo ở nữ giới. Do tình trạng đau đớn khi có bất kỳ vật nào xâm nhập âm đạo nên họ không thể quan hệ vợ chồng và không thể tiếp nhận các dụng cụ khám phụ khoa. Tôi phải dành thời gian trò chuyện, giúp họ cảm thấy thật thoải mái mới tiến hành điều trị. Đến lúc có con, mấy chị này mừng khóc như mưa. Những ca như vậy mình phải gỡ dần dần, bệnh không phải đến từ thực thể mà từ tâm lý.
Điều gì khiến anh nặng lòng khi cảm thán rằng: Có lẽ mình thấu hiểu hơn ai hết sự tan vỡ một gia đình hạnh phúc đi sau hai chữ vô sinh, hiếm muộn?
Rất nhiều chị em tâm sự với tôi: Bác ơi, kỳ này bác ráng làm cho em có thai, chứ không là em không giữ được gia đình nữa. Chồng và gia đình chồng áp lực quá, em đã bán hết đồ đạc, vay mượn để làm thụ tinh ống nghiệm. Em khổ quá bác ơi!…
Trên thực tế, 50% vô sinh, hiếm muộn là do nam giới. Hiếm muộn chiếm 20% các cặp vợ chồng, nên nếu ai bị thì hãy mạnh dạn đi khám và điều trị. Y học đã tiến bộ nhiều, tôi thấy khoảng 60% ca hiếm muộn can thiệp nhẹ là đã có thai. Trường hợp không sinh con được thì đừng đổ hết lỗi cho phụ nữ, tội lắm! Đáng lẽ mấy bà mẹ chồng cũng là phụ nữ, nên thấu hiểu và thông cảm điều này hơn ai cả.

 

Mong BHYT chi trả cho điều trị hiếm muộn

Có những người không kham nổi chi phí điều trị hiếm muộn, nhất là chi phí thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ nhận xét gì về thực tế này?
Chi phí điều trị hiếm muộn, vô sinh khá cao so với mặt bằng thu nhập của người Việt mình hiện nay. Một ca thụ tinh ống nghiệm ở VN dao động từ 60 - 100 triệu đồng.
Trong khi đó, BHYT vẫn chưa chi trả cho việc điều trị hiếm muộn như các nước phát triển. Vì vậy, vấn đề này vẫn là cái khổ, cái khó của nhiều cặp vợ chồng. Ngay cả bác sĩ điều trị cũng nhức đầu đau tim do phải cân nhắc, tính toán sao cho tiết kiệm tối đa chi phí mà tỷ lệ có thai cao nhất. Tôi mong ước có ngày VN sẽ chi trả BHYT cho việc điều trị hiếm muộn như các nước phát triển.
Anh nhận xét gì khi nam giới làm mảng sản?
Thường nam giới làm nghề sản hay bị chọc nhiều nhất. Người ta hay bảo tôi: “Mày khám, coi riết “mấy cái đó”, chắc mày chán phụ nữ hả?”. Thử tưởng tượng, chỉ riêng phòng mạch tôi thôi, mỗi ngày từ 16 giờ 30 - 20 giờ tôi khám cho khoảng 70 phụ nữ. Một người là một hoàn cảnh, một bệnh sử... mà mình phải nắm. Tức là khi bệnh nhân nằm xuống khám, mình nhìn mặt họ một cái là trong đầu mình chạy bao nhiêu dữ liệu về người đó. Công việc nhiều lắm, đâu phải chỉ khám không thôi. Chưa tính lúc mình khám, mười mấy bà ngồi hối. Như vậy, đầu óc đâu nghĩ cái này cái kia? Cùng nhìn cái ly nhưng thời điểm khác nhau, sẽ ra tư tưởng khác nhau.
Trên trang Facebook của anh, một số bệnh nhân xót xa khi anh không có ngày nghỉ. Họ cũng “lo” rằng anh làm nhiều như vậy sẽ bị “tiền đè”…
Thực sự tôi không có ngày nào rảnh. Đẻ thì không có ngày giờ, mắc đẻ lúc nào thì người ta đi lúc đó thôi. Có khi 1 - 2 giờ khuya, người ta báo đẻ thì mình cũng phải chạy vô BV. Nói không ngoa, bác sĩ sản khoa nào cũng biết… đua xe.
Với những ca có chỉ định mổ, bệnh nhân có khuynh hướng mổ chủ động, chọn mấy ngày lễ cho “đẹp”. Cho nên, những ngày lễ tôi nhiều việc hơn, mệt hơn ngày thường nữa.
Còn vụ tiền đè (cười to), tôi làm tiền nhiều lắm nhưng tôi đâu nghĩ nhiều tới tiền. Lắm khi tôi đỡ đẻ xong, người nhà sản phụ chặn đường chặn ngõ kiếm để... tặng tiền, tôi nói: “Thôi, khỏe thì về giùm tui cái đi”.
Tôi đang thuê phòng khám, chủ nhà sang tên hoài nên không ổn định. Vì vậy, tôi muốn mua một cái nhà để làm phòng khám. Mình đi lên từ hai bàn tay trắng, nên phải tích lũy dần. Khi đã có phòng khám ổn định, cuối tuần nếu rảnh mình có thể khám từ thiện cho người nghèo.
Có bao giờ anh dự định bỏ sản cho đỡ cực, chuyển hẳn sang phẫu thuật thẩm mỹ?
Tôi luôn nhớ lời mẹ tôi dặn học y để giúp bệnh nhân. Làm thẩm mỹ có nhiều tiền, cũng vui nhưng chỉ làm đẹp thôi, chứ không trị bệnh, không giúp được gì nhiều. Còn làm sản giúp được nhiều người, nên tôi không bao giờ bỏ sản. Vả lại, sản là kết thúc một vòng liên hoàn của bệnh nhân, từ hiếm muộn - có thai - dưỡng thai - sinh con, ai cũng bảo mình “ráng giúp luôn khúc cuối”, nên mình đâu bỏ khâu sản được.
Công việc chính của tôi ở BV là sản phụ khoa, còn hiếm muộn và phẫu thuật thẩm mỹ làm thêm bên ngoài. Tuy vậy, nhờ biết phẫu thuật thẩm mỹ nên tôi mổ sinh cho người bệnh cũng khéo, gọn.
Cười xỉu luôn !
Niềm vui trong công việc của anh?
Nhiều cái làm mình cười xỉu luôn! Có những chị bệnh nhân nói với tôi: “Chồng em hết tinh trùng rồi. Kỳ này em không đậu là em lấy tinh trùng bác đó”. Đến khi đẻ con, chị nào cũng kêu: “Ô, con em giống bác ghê!”. Một số chị còn “xin phép” lấy tên tôi (Thịnh) đặt tên cho con họ. Có hôm tôi trực về mệt, ngủ thiu thiu nhưng điện thoại reo hoài. Tôi bắt máy thì nghe: “Bác ơi bác, em có bầu, em ăn ghẹ được không bác?”…
Thạc sĩ - bác sĩ Cao Hữu Thịnh chuyên về sản phụ khoa - hiếm muộn, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Sinh năm 1980, quê H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ
Sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM (1998 - 2004)
Học khóa thụ tinh ống nghiệm tại Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM (2013)
Học khóa Định hướng chuyên khoa sản phụ khoa (2005 - 2006) tại Bệnh viện Từ Dũ
Tu nghiệp chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại Pháp (2007 - 2009)
Cao học ngành sản phụ khoa tại Trường đại học Y Dược TP.HCM (2015 - 2017)
Từ 2010 đến nay: Bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Từ Dũ.
“Fan cuồng” của bác sĩ Thịnh
Chị Lê Huỳnh Anh Thư, người mẹ ca sinh năm duy nhất ở VN (ngụ P.4, Q.5, TP.HCM)

Ảnh: NVCC

       
Từ đầu đến cuối, bác sĩ Thịnh đã điều trị hiếm muộn và đỡ đẻ cho tôi. Lúc đó, tôi là “fan cuồng” của “bác” Thịnh, cứ mong tới lịch khám được gặp và nói chuyện với bác, để cảm thấy yên tâm. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều người cũng là “fan cuồng” của bác vì luôn được giải thích cặn kẽ, tận tâm, với thái độ mềm mại - khác hẳn những bác sĩ bực dọc, quạu quọ chúng tôi từng gặp.
Dù rất bận rộn, những lần thôi nôi, sinh nhật hoặc dịp gì đó, bác Thịnh cũng đến thăm, tặng quà cho các bé. Bác Thịnh có đủ cả: đạo đức nghề nghiệp, tình cảm, mát tay... Tôi chỉ góp ý: Làm gì thì làm, bác ấy nên nhín chút thời gian cho bản thân.
Chị Lê Huỳnh Anh Thư, 
người mẹ ca sinh năm duy nhất ở VN (ngụ P.4, Q.5, TP.HCM)
Chuyên môn tốt, rất hiểu tâm lý chị em
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, giảng viên bộ môn phụ sản, Trường đại học Y Dược TP.HCM

Ảnh: Như Lịch

       
Tôi và bác sĩ Thịnh quen biết nhau khoảng 15 năm nay, thường xuyên trực chung với nhau. Theo tôi, bác sĩ Thịnh có chuyên môn tốt, trách nhiệm với công việc, tính tình vui vẻ, hòa đồng, chơi đẹp, phóng khoáng. Đặc biệt, bác sĩ Thịnh rất hiểu tâm lý chị em, nhiệt tình giúp đỡ họ, nên được nhiều bệnh nhân quý mến.
Liên quan đến ca sinh năm độc nhất VN, hồi đó tôi cùng ê kíp mổ với bác sĩ Thịnh. Đây là ca rất khó, dễ có nguy cơ băng huyết dẫn đến tử vong do tử cung nở to quá, không co lại được. Tôi bóp và kéo tử cung cho cầm máu, còn bác sĩ Thịnh mổ thật nhanh…
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, 
giảng viên bộ môn phụ sản, Trường đại học Y Dược TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.