“Năm 2006, chúng tôi cưới nhau khi tôi 46 tuổi, chồng tôi hơn tôi 10 tuổi, nặng hơn tôi 10 cân. Anh là kỹ sư, còn tôi khi kết hôn là bác sĩ phụ trách khoa thận tiết niệu của Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội”.
Đó là khởi đầu của hành trình điều trị hiếm muộn được nữ bác sĩ Đinh Thị Hường (59 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ tại ngày hội của các cặp vợ chồng điều trị vô sinh, hiếm muộn, do Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tổ chức sáng nay, 4.8, tại Hà Nội.
Trong chiếc váy hoa mềm mại, người mẹ 59 tuổi tươi vui bên 2 cô con gái 6 tuổi. Cha của 2 con chị là kỹ sư Nguyễn Bình Minh, đang ở tuổi 69 tuổi, cũng không rời mắt khỏi hai cô con gái lanh lợi chạy tung tăng.
Nữ bác sĩ chia sẻ, việc mang thai khởi đầu không thật thuật lợi sau những năm đầu tiên kết hôn. "Tôi cũng đi khám điều trị mấy bệnh viện, nhưng các bác sĩ chuyên khoa đều bảo do tuổi cũng lớn nên khó, mặc dù trứng thì còn nhiều. Sau thời gian khá dài không mang thai, khi 53 tuổi, tôi quyết định tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội để làm thụ tinh trong ống nghiệm”, chị chia sẻ.
|
Và rất may mắn, ngay lần đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm, chị đã có thai và sinh đôi con gái: Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thị Kim Nga. Các bé nặng lần lượt 3 kg và 2,5 kg khi chào đời. “Trộm vía, hai con gái chào đời đều khỏe, khóc rất to. Suốt quá trình mang thai, tôi lên cân tốt, sức khỏe tốt, đi làm bình thường cho đến sát ngày sinh con”, nữ bác sĩ nhớ về quãng thời gian mang thai.
Tháng 9 này, hai con gái của vợ chồng nữ bác sĩ Đinh Thị Hường và Nguyễn Bình Minh sẽ vào lớp một.
Ông bố U70 của 2 cô con gái xinh xắn kể: "Trước khi sinh con, hai vợ chồng mỗi người một việc, tối cũng không có việc gì bận bịu ngoài xem tivi. Khi có hai con ra đời thì không còn gì vui hơn, cảm thấy vô cùng vui sướng, hạnh phúc, có động lực để mình làm mọi việc".
“Hai đứa lớn lên, nết ăn, nết ngủ chúng tôi vẫn nhớ. Cả hai đứa chậm đi, chậm nói nên cứ rảnh là tôi cho con ra công viên Thống Nhất gần nhà để chơi. Mọi người trong gia đình đều dành thời gian gần các con, trò chuyện với con để con tập nói. Rồi vẫn nhớ cảm giác mừng vui khi hai con chập chững tập đi, rồi biết đi; cả khi các con biết nói những tiếng đầu tiên trong sự đón chờ của bố mẹ và gia đình”, ông Minh hạnh phúc chia sẻ.
Cả hai vợ chồng chị Hường đã nghỉ hưu, nhưng bác sĩ Hường vẫn đi làm cho một đơn vị y tế. Chồng chị đi làm công việc phù hợp với kỹ sư giao thông.
“Còn dài để nói về nghề nghiệp của các con sau này, nhưng chúng tôi hướng cho con có nền nếp, ý thức học tập để tạo được thói quen tốt trong cuộc sống và học tập. Rồi cũng mong mình có sức khỏe để luôn bên con”, ông bố xúc động bày tỏ.
Theo Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, các thống kê cho thấy, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng, và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau.
Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, thường có quan niệm cho rằng, vô sinh xuất phát từ nữ giới. Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được. Ứng với mỗi nguyên nhân đều có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
|
Bình luận (0)