Giữa dịch Covid, chính quyền cùng bà con chung nhau lo đám tang vợ anh vé số tật nguyền

08/08/2021 20:01 GMT+7

Chiếc hòm vợ đặt chắn ngay cửa vào căn trọ nhỏ xíu ở Q.Bình Tân, TP.HCM, anh bán vé số ngồi thất thểu trên chiếc xe lăn cùng 2 người hàng xóm đọc kinh. 'Người ta đi có kèn trống, vợ tôi thì vắng tanh...', anh mếu máo. Sự góp sức của chính quyền, bà con cũng phần nào giúp hậu sự được trọn vẹn.

Chiều 8.8, hẻm 809 đường Tân Kỳ Tân Quý (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) không bóng người qua lại, đầu hẻm, lá cờ tang rũ xuống phe phẩy theo gió. Đoàn từ thiện tiến sâu vào gần khu phong tỏa, tập kết quà trao cho bà con nghèo. Một người đàn ông da ngăm đen, trên đầu đội khăn tang trắng, đôi mắt vô hồn đẩy chiếc xe lăn chi chít vết rỉ sét đến nhận quà khiến ai nấy đều nghẹn ngào. 
Thấy anh, những người trong xóm gật đầu chia sẻ, anh cũng gật chào lại cảm ơn mà chẳng thể nói nên lời. Anh thất thần kéo nhẹ ga của chiếc xe lăn điện di chuyển về lại phòng trọ cách đó chừng 200m. "Nhà đó tội lắm...", một người hàng xóm chua xót nói. Giữa dịch bệnh, cảnh vắng lặng thật buồn là điểm chung ở những đám tang nhưng với người đàn ông tật nguyền này, nỗi đau càng gấp bội vì vợ chồng nghèo khó cũng có nhau, giờ thì anh một mình ở lại. 

Ngày buồn nhất giữa dịch

Từ đầu hẻm vào đến phòng trọ nhỏ xíu của người đàn ông này chỉ treo hai lá cờ tang. Vốn bị khuyết tật hai chân, không thể tự làm các công việc cần sức nên hàng xóm xung quanh xúm nhau phụ anh lo đám tang vợ. Anh tên Bùi Văn Biên (40 tuổi, quê Quảng Bình), còn vợ anh là chị Nguyễn Thị Kim Cúc (46 tuổi, quê Long An). Cả hai đều khuyết tật chân, đồng cảm, chia sẻ rồi nên duyên vợ chồng từ 6 năm trước. 

Clip: Anh Bùi Văn Biên chia sẻ về nỗi mất mát

Ngày vợ mất, anh Biên được giáo xứ hỗ trợ chiếc hòm, Ủy ban MTQT phường hỗ trợ 5 triệu đồng, hàng xóm mỗi người một ít gộp lại lo chi phí mai táng. Anh chuyển hết cho nhà đòn, vẫn còn thiếu 7 triệu, anh xin khất lại để lo cho vợ an nghỉ rồi tìm cách xoay xở.

Anh Biên bật khóc khi nghĩ đến cảnh vợ ra đi không kèn trống, không người thân đưa tiễn

Ảnh: Vũ Phượng

Chiếc hòm của vợ anh đặt ngay cửa ra vào phòng trọ, phía trước di ảnh chỉ có một đĩa trái cây, bát nhang nghi ngút khói, bình bông cúc vàng và 2 cây đèn cầy. Chiếc bàn inox hàng xóm kê tạm ra đường để ngồi chia sẻ cùng anh, đi tới đi lui cũng là vài người trong con hẻm. Anh Biên thì vẫn loay hoay trên chiếc xe lăn, tới lui canh nhang khói cho vợ. Tấm bảng cáo phó cũng được dán tạm lên bức tường trọ ố màu.
Nhìn di ảnh vợ, anh nghẹn ngào: "Đám tang mùa dịch rất đau xót, người ta đi có kèn trống, có người qua lại. Vợ tôi đi thì ra đi vắng tanh, dòng họ hai bên không ai tới được. Dù thế nào thì nghĩa tử là nghĩa tận, ít nhất phải có người thân qua lại lần cuối, nhưng mà vợ tôi thì gặp mùa Covid-19 nên vầy, nhìn rất thương vợ, rất tủi thân. Giờ vợ còn ở đây, mai vợ đi rồi không biết tôi gượng nổi không...".

Bản tin Covid-19 ngày 8.8: Cả nước thêm 9.690 ca bệnh, gian nan cuộc chiến chống tin giả

Ngày ấy nghèo, nhưng còn có nhau...

Lấy nhau 6 năm, chưa có con và đều muốn tự lập nên cả hai cặm cụi làm lụng. Ngày thường, anh Biên đi ngồi xe lăn đi bán vé số, kiếm từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, vợ anh thì nhận sửa quần áo tại nhà kiếm đồng ra đồng vào, thu nhập vừa đủ trả tiền trọ 1,5 triệu đồng/tháng.

Cặp nhẫn cưới của vợ chồng giờ chỉ 1 người đeo...

Ảnh: Vũ Phượng

Cuộc sống vợ chồng giản dị, rau cháo qua ngày. Đến 30.4, chị Cúc trở bệnh, anh Biên nhờ hàng xóm đưa hai vợ chồng đến BV Q.Bình Tân, sau thời gian thăm khám, bác sĩ trả về, yêu cầu chuyển sang BV tâm thần vì chị có dấu hiệu trầm cảm. 
Người thân từ Long An lên tận Sài Gòn hỗ trợ đưa chị Cúc đi viện, nhưng được vài hôm, lại quay về lại phòng trọ. Anh Biên kể, trước khi mất, vợ anh 2 tuần không ăn không uống, ai nói gì cũng nhất quyết không ăn rồi yếu dần. Sáng 6.8, vợ anh di chuyển bằng hai ghế, bị té trong nhà tắm, anh Biên tá hỏa gọi mẹ đỡ đầu và hàng xóm đến giúp đưa vợ ra ngoài. Đến chiều tối thì anh mãi mãi mất đi người bạn đời của mình. 
Anh bộc bạch: "Vợ tôi mất đột ngột, bác sĩ test Covid-19 thì âm tính, khám nghiệm tử thi thì xác định phù phổi cấp. Có thể do nhịn ăn nhịn uống lâu ngày nên sức khỏe vợ tôi mới bị ảnh hưởng như vậy. Tôi gọi báo về quê, nhưng ở đâu cũng đang dịch nên không ai lên được, dặn tôi cố gắng lo liệu".
Thấy cây nhang gần tàn, anh Biên loay hoay đẩy chiếc xe lăn đến sát di ảnh, tiếp tục đốt cây nhang mới. Đôi mắt lại đỏ hoe, anh bật khóc nói: "Ngày ấy nghèo mà còn có nhau. Chắc tại tôi lo đi bán vé số suốt, để vợ ở nhà một mình nên mới trầm cảm rồi ra nông nỗi này. Hai đêm trước, hàng xóm về, tôi đều thức trắng đêm để ở cạnh vợ. Giờ còn vợ đây, mai thì vợ tôi đi rồi, không biết tôi gắng gượng được không".

Tấm bảng cáo phó được dán tạm lên bức tường ố màu

Ảnh: Vũ Phượng

Trên chiếc xe lăn, đôi chân anh Biên cong queo, còn lấm lem đất vì lết di chuyển lo hậu sự cho vợ. Tay phải nắm bàn tay trái, anh xoay xoay cặp nhẫn trên ngón tay áp út. "Đây là nhẫn cưới, 2 tháng trước còn tỉnh táo vợ tôi đeo cho tôi, nói cứ để cặp nhẫn ở gần nhau như vậy. Dù có gì thì vợ chồng vẫn luôn bên nhau", nhớ lại kỷ niệm, người đàn ông lại cúi gằm mặt xuống đất, cố giấu đi những giọt nước mắt chực trào.
Anh Cường (hàng xóm phụ giúp lo đám tang cho vợ anh Biên) nhận xét, ngày chưa bị bệnh, chị Cúc thường ra ngoài nói chuyện với hàng xóm, nhờ mua giúp đồ này đồ kia. Trong con hẻm toàn bà con lao động, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ đôi vợ chồng tật nguyền. 
Bà Võ Thị Kiều Dung, tổ trưởng tổ 44, KP3, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân cũng cho biết, địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng, hội khuyết tật, giáo xứ và hàng xóm đã cùng nhau chia sẻ phụ anh Biên lo đám tang cho vợ. Theo bà Dung, 2 năm trước, vợ chồng anh chuyển về đây ở trọ. Do gặp khó khăn về đi lại nên gia đình anh Biên thường nhận được sự giúp đỡ của bà con làng xóm, giờ tới đám tang giữa dịch, mọi người đều xúm tay lo hậu sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.