Địa chỉ tin cậy
Mặt trời vừa khuất bóng, bản làng biên giới xã Axan (H.Tây Giang, Quảng Nam) vắng lặng hơn sau cơn mưa rừng. Nhiều ngôi nhà của đồng bào Cơ Tu đã lên đèn. Ở khu vườn của Phòng khám đa khoa quân dân y Axan (Phòng khám Axan), trung úy, y sĩ Huỳnh Ngọc Trọng đang dọn dẹp dụng cụ, vật tư y tế. Bỗng nhiên, tiếng một người đàn ông vọng vào: “Cán bộ đâu rồi? Kiểm tra giúp con mình với. Máu chảy nhiều quá. Đau quá. Nó kêu van từ rẫy về đây!”. Nghe vậy, trung úy Trọng bỏ công việc đang làm dở, vội vã chạy ra thì thấy một người đàn ông trung niên cõng một thanh niên, máu chảy bê bết ở chân.
|
Anh Alăng Ngới (20 tuổi, ở bản K’nonh, xã Axan) trên đường từ rẫy xuống chặt cây rừng làm gậy, nhưng không may nhát dao trúng bắp chân, rách toác cả mảng. Sau khi đặt nạn nhân lên giường, trung úy Trọng tiến hành sơ cứu và khâu vết thương cho anh Ngới. “Chặt kiểu gì mà để dao vung vào chân đến mức bị thương như này vậy? Giờ khâu xong vết thương, cho thuốc mang về nhà uống nhé. Nghỉ ngơi vài hôm, đừng có lội xuống những nơi có nguồn nước bẩn coi chừng bị nhiễm trùng, cưa luôn chân đó nhé. Nhớ uống thuốc đầy đủ, khoảng một tuần ghé đây rút chỉ nhé”, trung úy Trọng căn dặn.
Nghe vậy, ông Alăng Mớ (bố Ngới) ngồi bên đáp: “Rồi, về nhà mình sẽ dặn nó uống thuốc đầy đủ để sớm khỏi bệnh còn đi rẫy nữa. Bố con ta cảm ơn cán bộ nhiều nhé. Nhưng tiền thuốc và tiền cứu chữa nãy giờ cán bộ cho ta nợ nhé!”. Nói rồi, ông Mớ cõng con trên vai rời phòng khám, hai cha con mất hút dần trong cơn mưa.
Phòng khám Axan đã bước sang tuổi thứ 13 với biên chế 10 y bác sĩ, 8 giường bệnh. Nằm ở vùng biên giới nên gần như tê liệt vào mùa mưa vì đường sá cách trở. Ấy vậy mà mọi khâu chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con đồng bào 4 xã Axan, Gary, Ch’Ơm, Tr’Hy (H.Tây Giang) gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám này.
Giúp dân nước bạn Lào
Ngoài khám, chữa bệnh miễn phí cho dân bản tại phòng khám mà bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, mỗi khi nhận được thông tin bà con bị đau ốm hay gặp nạn là các anh lập tức lên đường tiếp cận bệnh nhân. Để hiểu người dân muốn gì, phong tục tập quán của họ ra sao, các chiến sĩ tự mày mò học tiếng đồng bào, nhờ đó dễ dàng trao đổi, tìm nguyên nhân gây bệnh… Chính sự ân cần, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, những người thầy thuốc quân hàm xanh luôn được dân mến, dân tin.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã vùng cao H.Tây Giang, Phòng khám Axan còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho người dân ở các bản giáp biên của cụm Tà Vàng (H.Kà Lừm, Sê Kông, Lào). Do đường về trung tâm H.Kà Lừm mất đến mấy ngày đường, nên mỗi khi ốm đau người dân ở cụm Tà Vàng lại ngược sang Phòng khám Axan để chữa bệnh. “Nhiều trường hợp người bệnh đến khám, phải ở lại điều trị nhiều ngày, nhưng không có anh em họ hàng chăm sóc, các y bác sĩ lại bớt khẩu phần ăn của mình để chia sẻ”, trung úy Trọng chia sẻ.
Mới đây có một sản phụ người Lào chuyển dạ và được người nhà khiêng qua chốt kiểm soát dịch bệnh nơi vành đai biên giới. Nhận được tin báo, y bác sĩ chuyên khoa sản của Phòng khám Axan đã chạy lên sơ cứu tạm thời. Vì thời điểm dịch nên bệnh nhân được tiếp nhận từ xa. Sản phụ này đã sinh mẹ tròn con vuông.
Những người con của bản làng
Trong ký ức của những y bác sĩ ở đây, quãng thời gian khoảng 10 năm trước là những ngày dài “chiến đấu” với con ma rừng, thầy mo của bản. Khi đó, người dân ở những bản làng giáp biên đau ốm thường nhờ cậy vào thầy cúng mà không chịu đến bệnh viện. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra. Vì vậy, không chỉ làm trách nhiệm của một y bác sĩ, các chiến sĩ Phòng khám Axan còn tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc tự điều trị ở nhà hoặc nhờ vào thầy cúng.
Ông ALăng Tơơnh (ở thôn A Rầng 1, xã Axan) không giấu chuyện lâu nay người dân vùng biên hay dựa vào thầy cúng mỗi khi đau ốm, vừa tốn kém vừa gây họa đến tính mạng. Từ khi các bác sĩ ở Phòng khám Axan cứu được nhiều ca bệnh khó, người dân trong bản đã dần tin vào việc điều trị bằng thuốc, chăm sóc y tế. Giờ đây, ai đau ốm đều tự giác tìm bác sĩ. “Dân bản luôn tin yêu các bác sĩ, không tin vào thầy cúng nữa. Chúng tôi xem họ như những đứa con của bản làng này”, ông Tơơnh nói.
Gắn bó nhiều năm với bà con dân bản, đại úy Phạm Tùng Văn, y sĩ Phòng khám Axan, không thể nhớ hết có bao nhiêu bệnh nhân đã được anh cứu chữa khỏi bệnh. Song có nhiều trường hợp anh nhớ rất rõ vì đã cứu họ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Đặc biệt, nhiều vụ tự tử bằng lá ngón cũng được cứu chữa kịp.
|
Theo đại úy Văn, cách đây 3 - 4 năm, bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ăn lá ngón tự tử khá nhiều. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ hoặc bị hiểu nhầm cũng tìm đến cái chết. Và lá ngón là thứ họ lựa chọn để giải thoát. “Được tuyên truyền, giải thích, nay tình trạng ăn lá ngón tự tử hầu như không còn nữa”, đại úy Văn nói.
Cũng theo đại úy Văn, nhiều năm gắn bó với dân bản, kỷ niệm khiến cả đời anh không bao giờ quên là câu chuyện kịp thời đỡ một sản phụ đẻ rơi. “Lúc đó khoảng 6 giờ sáng, người nhà đưa sản phụ đến sinh nở. Thời điểm này, các bác sĩ chuyên khoa sản chưa đến. Sản phụ kêu đau bụng, mình chạy đến đỡ đưa lên giường bệnh thì bất ngờ người này đẻ rơi. Theo phản xạ, mình đưa hai tay ra đỡ được bé trai an toàn”, đại úy Văn cười nói.
Thượng tá Dương Đệ Châu, Đồn trưởng Đồn biên phòng Axan, cho hay từ khi Phòng khám Axan được thành lập đã góp phần cùng với ngành y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn cho đồng bào và người dân nơi vùng cao biên giới. Ngay cả việc y bác sĩ Việt Nam khám chữa bệnh cho người Lào cũng không dừng ở yếu tố nhân đạo, mà qua đó còn thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa người dân hai nước Việt - Lào, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị.
Với các y bác sĩ Phòng khám Axan, 13 năm không dài nhưng cũng chẳng ngắn. Đó là cả một cuộc chiến trường kỳ với ma rừng, với thầy mo, với những hủ tục của người đồng bào. Cuộc chiến với bệnh tật sẽ còn dài, trên vai họ tiếp tục là trách nhiệm của người thầy thuốc, trách nhiệm của những chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Bình luận (0)