Gương sáng biên cương: Gieo chữ nơi vùng cao

Vũ Thơ
Vũ Thơ
17/08/2021 08:15 GMT+7

Trong 25 năm dạy học, cô giáo Lô Thị Thủy (43 tuổi, ở H.Quế Phong, Nghệ An) đã vượt qua nghịch cảnh, trèo đèo lội suối đến vùng non cao để dạy chữ cho học sinh và xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trăm nỗi gian truân

Trường tiểu học Nậm Nhoóng là một trường vùng sâu, vùng xa ở xã Nậm Nhoóng, H.Quế Phong. Trường cách trung tâm huyện 32 km và những năm trước đây chỉ đi bằng đường rừng với nhiều dốc núi cao, suối sâu; có lúc phải đi qua dốc cao dựng đứng, người đi sau trán chạm gót chân người đi trước. Để đến được điểm trường chính, phải đi hết gần 2 ngày, từ bản này đến bản kia rất xa nhau, có khi đi cả tiếng đồng hồ mới thấy nhà dân. Ở đấy không có chợ, không có điện, lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, nên cuộc sống rất khó khăn. Thế nhưng, năm 1996, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, cô Thủy đã về nhận công tác tại đây.
Năm học ấy, cả trường có 28 giáo viên thì chỉ có 2 nữ, lại chưa có nơi ở, nên cô Thủy và đồng nghiệp phải ở nhờ nhà dân. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn của H.Quế Phong nên khi đến đây, sống nơi vùng cao hoang vắng, lạnh giá, cộng với sự khác biệt về ngôn ngữ, khiến cô nản lòng, muốn bỏ nghề. “Những ngày đầu xa nhà, nhớ bố mẹ, tôi khóc suốt. Chưa kể, buổi tối nơi đây rất vắng vẻ, không điện, chỉ đèn dầu lờ mờ, mùa đông rét cóng đau buốt vào xương..., tôi cảm thấy rất sợ! Tối đến, ngồi soạn bài bên ánh đèn dầu, có lúc tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng khi nhìn thấy cuộc sống nơi đây nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, các em vẫn nói “con thích được học cái chữ lắm”, tôi đã không nỡ lòng bỏ về”, cô Thủy tâm sự.
Vì đường xa nên mỗi năm học, cô Thủy chỉ về thăm nhà 2 lần, là dịp Tết Nguyên đán và nghỉ hè. Có năm sau 2 tháng nghỉ hè, đến ngày trở lại trường, trời mưa rất to, đường dốc trơn, vắt bò ra đường nhiều đến nỗi cô tưởng tượng trước mắt mình là một nong tằm khổng lồ, không tìm ra chỗ trống để đặt chân xuống đất. Đến trưa, vừa mệt vừa đói nhưng không có chỗ để nghỉ chân, vì quá nhiều vắt, cô vừa đi vừa mở gói cơm ra ăn. “Lúc đó, không biết đâu là nước mưa, đâu là mồ hôi, đâu là nước mắt!”, cô Thủy xúc động kể. Mưa to, lũ ống tràn về, cô và đồng nghiệp hôm ấy đã may mắn thoát nạn.
Càng trải qua khó khăn, cô Thủy càng thương các em nhỏ, vì cũng phải đi học trên những con đường nguy hiểm như thế. Cô đã luôn nhủ lòng phải cố gắng vượt qua để “gánh chữ lên vùng cao”, giúp các em học hành, thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.

Ngày dạy học sinh, tối xóa mù chữ cho đồng bào

Việc dạy học ở đây gặp không ít khó khăn vì nhiều gia đình không muốn cho con đi học. Có em phải ở nhà giúp bố mẹ làm nương, có em phải trông em nhỏ... Cô Thủy phải thuyết phục mãi, nhưng chỉ được ít hôm, gia đình lại bắt con nghỉ học. Có lần vất vả trèo đèo lội suối đến nơi thì học sinh trốn mất, cô lại kiên trì đến vận động để các em đến lớp.
Không chỉ dạy học sinh, cô Thủy còn dạy lớp xóa mù chữ cho bà con đồng bào suốt 4 năm liền. Có 2 năm cô không về nghỉ hè mà ở lại bản, ngày lên nương rẫy cùng đồng bào, đêm về đến lớp dạy xóa mù. Việc vận động học sinh đã khó, vận động bà con đi học xóa mù còn vất vả hơn. “Chị em phụ nữ hầu như không biết chữ, nhưng ngày họ lên nương, tối về lại dệt vải nên rất ngại đi học. Có khi đi được 1 - 2 buổi lại lên nương rẫy làm và ở đó cả tuần mới về, nên phải dạy đi dạy lại. Nhiều học viên lớn tuổi, những bàn tay thô ráp quen cầm dao, cầm cuốc nên đến khi cầm bút rất khó”, cô Thủy kể.
Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của mình, cô Thủy đã kiên trì dạy chữ cho bà con. Từ lớp xóa mù ấy, nhiều người đến lớp khi còn trẻ (15 - 16 tuổi) đã có một tương lai tươi sáng hơn. Có người sau khi được xóa mù đã học lên bậc cao hơn và trở thành giáo viên như chị Vi Thị Miên, hiện là giáo viên mầm non ở xã Tri Lễ, H.Quế Phong. Đặc biệt, những lứa học sinh của cô, có nhiều người thành đạt, làm cán bộ, giáo viên, như anh Hà Quang Thanh, hiện là bác sĩ Trung tâm y tế H.Quế Phong; chị Vi Thị Năm hiện là giáo viên mầm non Trường mầm non Nậm Nhoóng… Rất nhiều người học đến đại học, cao đẳng, có công ăn việc làm ổn định.
Nói về cô Thủy, chị Vi Thị Năm xúc động: “Cô như người mẹ thứ hai của tôi. Vì ngày ấy điều kiện đi lại rất khó khăn nên tôi thường ngủ luôn ở trường cùng cô và được cô chăm sóc, dạy dỗ. Nhờ tình thương yêu và nuôi dạy đó, tôi đã có động lực để vươn lên, trở thành giáo viên như bây giờ. Cô Thủy luôn là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo”.

Vượt qua nghịch cảnh

Điều xúc động hơn là cô Thủy có một hoàn cảnh vô cùng éo le. Năm 25 tuổi, cô xây dựng gia đình với người chồng cùng là giáo viên cắm bản ở Nậm Nhoóng. Hai vợ chồng vừa dạy, vừa đi học nâng cao trình độ ở Đại học Vinh. Nhưng trong một lần trên đường đi học, chồng cô bị tai nạn mất, để lại cô với đứa con mới 27 tháng tuổi. Sau đó, cô đi bước nữa với người chồng đã có một con riêng. Nhưng số phận luôn ngặt nghèo với cô. Năm 34 tuổi, trong khi mang thai cặp song sinh với người chồng thứ hai, cô phát hiện bị u tuyến giáp và phải đi điều trị, nên khi sinh con, 2 cháu ốm yếu liên miên. Đến khi các con được 5 tuổi thì chồng cô lại phát hiện bị ung thư, phải ra Hà Nội điều trị.
Học sinh luôn yêu mến cô Thủy như người mẹ thứ hai ảnh: NVCC

Học sinh luôn yêu mến cô Thủy như người mẹ thứ hai

ẢNH: NVCC

“Gia đình tôi neo người, bố mẹ chồng đã già, lại đang chăm sóc mẹ liệt sĩ đã 98 tuổi. Vì thế, trong suốt 3 năm chồng tôi điều trị tại Bệnh viện K ở Hà Nội, tôi phải chia thời gian phù hợp để vừa làm tốt công tác giảng dạy, vừa dành thời gian thăm nom chồng. Nhiều lần, cứ tối thứ sáu, tôi đón xe từ Quế Phong ra Hà Nội thăm chồng.
7 giờ tối chủ nhật lại đón xe về, đến nhà đã 4 giờ sáng. Tôi lại sửa soạn sách vở, giáo án, rồi chạy xe máy mấy chục cây số đến trường cho kịp giờ dạy”, cô Thủy chia sẻ.
Ròng rã 3 năm chữa chạy, nhưng rồi căn bệnh quái ác cũng lấy đi sinh mạng người chồng thứ hai của cô Thủy. Đau đớn hơn là chồng cô ra đi vào ngày thi tốt nghiệp THPT của con trai. “Tôi tưởng chừng gục ngã, nhưng nhìn cảnh những đứa con bơ vơ, tôi lại phải gắng gượng, mạnh mẽ. Bản thân tôi giờ đây vừa là bố, vừa là mẹ nuôi 4 đứa con ăn học”, cô Thủy nghẹn ngào.
Mặc dù hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng trong công việc, cô Thủy vẫn luôn cố gắng. Trong 25 năm đi dạy, có 20 năm cô gắn bó với những trường vùng sâu, vùng xa của H.Quế Phong. Hiện nay, do hoàn cảnh gia đình quá éo le, cô được trở về công tác ở Trường tiểu học Mường Nọc của huyện, một ngôi trường gần nhà hơn. Cô đã có 11 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm 2020, cô được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Đoàn tổ chức.
“Với tôi, được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên trong sáng của học sinh là tôi thấy hạnh phúc. Khi thấy có những em trưởng thành trở về giúp đỡ quê hương, tôi lại cố gắng mỗi ngày”, cô Thủy trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.