Hàng quán TP.HCM đóng cửa phòng dịch: Không được bán xuyên Tết, vé đâu về quê...

09/02/2021 15:40 GMT+7

Tất cả quán nhậu, karaoke, bar, vũ trường, rạp phim... phải đóng cửa từ 12h ngày 9.2 phòng dịch Covid-19 . Nhiều chủ quán và nhân viên không giấu được nỗi buồn khi bao nhiêu kế hoạch cho ngày Tết bỗng chốc vỡ lỡ…

Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, chiều 8.2, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, massage, các cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử....

Cuộc sống không tiền mặt những ngày phong tỏa tòa nhà Felix Homes phòng Covid-19

Có mặt tại các địa điểm này, PV ghi nhận hầu hết các cơ sở kinh doanh nói trên đều thực hiện tốt chỉ đạo của TP.
Ở phố đi bộ Bùi Viện (Q.1), nơi tập trung nhiều quán bar, quán nhậu, karaoke… chúng tôi gặp ngay anh Tr. (20 tuổi, ngụ Q.1) và các bạn làm chung đang dọn dẹp bàn ghế để đóng cửa quán. Là nhân viên của một quán bar trên đường Bùi Viện, anh cho biết chủ quán định kinh doanh xuyên Tết, tuy nhiên vì dịch nên phải đóng cửa sớm.

Một quán bar trên đường Bùi Viện (Q.1) dọn dẹp, đóng cửa từ 12h trưa ngày 9.2

ẢNH: CAO AN BIÊN

Các cửa hàng trang trí công phu phục vụ cho dịp Tết cũng đành đóng cửa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Một quán bar rửa dọn bàn ghế sạch sẽ trước khi đóng cửa

ẢNH: CAO AN BIÊN

Vừa khuân bàn ghế đã được lau dọn từ sáng sớm vào trong tiệm, anh Tr. vừa kể: “Tôi và nhiều anh em ở đây cũng có ý định cày Tết kiếm thêm thu nhập, tự nhiên dịch bùng phát cái rồi giờ thất nghiệp. Anh chủ ở đây cố gắng trụ để anh em có việc làm khi mấy ngày trước những quán gần đó bị phong tỏa do có dịch, giờ TP. yêu cầu đóng hết thì không trụ được nữa rồi. Năm nay phải nói là bết bát kinh khủng!”.
Anh cho biết những nhân viên của quán hầu hết đã tìm cách về quê hoặc đang có dự định tìm một công việc thời vụ khác để có thêm thu nhập. “Riêng tôi thì nhà ở đây nên cũng đỡ được phần nào, chứ có nhiều anh em ở xa giờ đâu mua được vé xe về”, anh nói thêm.

Anh Tr.  (20 tuổi, Q.1) dọn hết bàn ghế vào quán trước khi chính thức nghỉ Tết sớm

ẢNH: CAO AN BIÊN

Hoa trang trí cửa hàng dịp Tết cũng đành mang vào... trong

ẢNH: CAO AN BIÊN

Phòng Covid-19, tháo khẩu trang chụp hình đường hoa ở TP.HCM sẽ bị phạt

Trên đường Phạm Viết Chánh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) đúng lúc 12 giờ ngày 9.2, chúng tôi gặp chị Nguyễn Linh (38 tuổi, ngụ Q.1) đang cùng nhân viên làm những khâu cuối cùng như quét rác, xếp lại bàn ghế trước khi đóng cửa.
Tâm sự với Thanh Niên, chị cho biết quán karaoke của chị kinh doanh được gần 10 năm, hầu như năm nào cũng mở cửa xuyên Tết. “Dù Tết lượng khách không nhiều hơn ngày thường là bao, nhưng hát karaoke là một thú vui ngày Tết của người Sài Gòn. Bây giờ mình phải đóng cửa để đảm bảo an toàn là đúng, mình phải nghiêm chỉnh chấp hành thôi nhưng cứ thấy buồn trong lòng”, chị buồn bã nói.

Một quán karaoke trên đường Phạm Viết Chánh đóng cửa đúng 12 giờ trưa ngày 9.2

ẢNH: CAO AN BIÊN

Được biết, quán karaoke của chị Linh có hơn 70 nhân viên, sau khi đóng cửa hầu hết đều về quê. “Không biết đến khi nào mới được mở trở lại, thương là thương cho nhân viên của tôi không biết sống như thế nào”, chị Linh tâm sự.
Tương tự như chị Linh, chị H.D (37 tuổi, Q.7) đang điều hành một phòng gym cho cho biết chị đã đóng cửa phòng tập từ tối hôm qua (8.2). Chị D. nói thêm: “Dự định là mở luôn cả những ngày Tết, nhưng mà tình hình này thì thua rồi, bao nhiêu kế hoạch vỡ lỡ. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì ngừng kinh doanh như vậy thì không có thu nhập, đã vậy còn có rất nhiều chi phí phát sinh thêm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.