Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: 'Có kiếp sau vẫn làm họa sĩ'

09/09/2020 12:15 GMT+7

Dù cuộc sống mưu sinh với nghề hội họa có khó khăn, vất vả nhưng họa sĩ Bình Minh vẫn tiếp tục gắn bó, nếu có “kiếp sau vẫn xin được làm họa sĩ”.

Gần đây, mạng xã hội xuất hiện bài đăng nói về hình ảnh một họa sĩ bày bán tranh ở cầu Long Biên (Hà Nội) với mức giá chỉ từ 150.000 – 450.000 đồng. Câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhờ vậy các bức tranh của ông họa sĩ được nhiều người biết đến và hỏi mua. Ông họa sĩ vô cùng phấn khởi vì những bức tranh do mình sáng tác được đến tay mọi người sau bao tháng ngày ế ẩm vì dịch Covid-19.
Được biết, người đăng câu chuyện này lên mạng xã hội là anh Phan Hữu Lập (40 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Anh Lập kể hôm đó, anh đi loanh quanh mãi trong thành phố cũng chán nên anh quyết định đi một vòng cầu Long Biên, vô tình gặp bác bán tranh trên cầu nên anh dừng lại hỏi thăm.
“Lúc đầu tôi tưởng là triển lãm tranh nhưng khi biết bác bán với giá rất rẻ dù tranh cũng ổn nên tôi có hơi sốc. Hôm đấy tôi không mang tiền nhưng cũng muốn ủng hộ bác nên chụp ảnh đăng lên xem có ai mua không. Sau đó, bạn bè cũng nhờ mua mấy bức, tôi cũng đợi họ chuyển khoản, quay lại rút tiền rồi mang tranh về. Đăng bài lên thấy nhiều người tương tác, bác cũng bán được kha khá nên tôi thấy rất vui”, anh Lập chia sẻ.

Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền

Họa sĩ Nguyễn Văn Bình (62 tuổi, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) có nghệ danh là Bình Minh từ khi ông chập chững cầm bút, bắt đầu đến với con đường hội họa. Họa sĩ Bình Minh chia sẻ, mấy hôm nay nhờ mạng xã hội nên tranh của ông được nhiều người biết đến hơn.
“Mấy ngày vừa rồi cũng bán được nhiều hơn trước kia. Giờ mình chỉ cần chăm chỉ vẽ nhiều tranh còn trước đó chăm chỉ nhưng còn phải lo đầu ra, viễn cảnh vẽ đến đâu bán hết đến đấy chỉ có nằm mơ mới thấy”, ông cho hay.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 1

Họa sĩ Bình Minh chia sẻ niềm đam mê hội họa của mình

ẢNH: DƯƠNG LAN

Hồi nhỏ thấy những người đi trước vẽ tranh, họa sĩ Bình Minh ngắm nhìn không chán có khi quên cả ăn để chăm chú theo từng nét vẽ. Mọi người cũng quý, tỉ mỉ chỉ cho ông từng đường nét cơ bản.
Lúc bấy giờ chưa có trường đại học dành cho chuyên ngành mỹ thuật nên ông học trung cấp, cao đẳng rồi sau này liên thông lên đại học. Thời của ông có mỗi khoa có khoảng 150 sinh viên theo học ngành mỹ thuật nhưng chỉ có khoảng vài chục người cầm bút theo nghề, còn lại họ đều rẽ theo hướng khác vì thu nhập của họa sĩ không đảm bảo cho cuộc sống.
“Với âm nhạc, hội họa, tôi thật sự yêu thích, nếu không có nghệ thuật không biết cuộc sống sẽ ra sao. Tuy nhiên chỉ dừng lại ở đam mê sẽ đơn giản nhưng để gắn bó cả sự nghiệp không hề dễ dàng. Cuộc sống mưu sinh luôn có sự cản trở nhất định, cây bút tưởng nhỏ bé nhưng cầm được nó đến bây giờ phải có sự nỗ lực rất lớn”, họa sĩ Bình Minh trầm tư.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 2

Khu trưng bày được nhiều người giúp đỡ để họa sĩ có chỗ bày bán khi ở nhà

ẢNH: DƯƠNG LAN

Thời của ông, đời sống vật chất người dân cũng khó nên những người yêu nghệ thuật lại càng khổ. Những người nghệ sĩ như ông đều phải nỗ lực, cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với niềm đam mê mà bản thân đã theo đuổi.
Với cuộc sống hiện tại nhiều người cũng quan tâm đến nghệ thuật nên những tác phẩm do ông sáng tác cũng có người hỏi thăm. Bình thường ông chịu khó sáng tác, vẽ bán tại xưởng và nhập cho nhiều người buôn lấy tiền trang trải cuộc sống.
Dịch Covid-19 tràn đến, nghệ thuật vốn dĩ ít người hỏi mua nay lại càng khốn khó. Nỗi lo “cơm áo gạo tiền” giữa mùa dịch khiến người ta không còn tâm trí nghĩ đến nghệ thuật. Bất đắc dĩ, họa sĩ Bình Minh mới phải đưa những bức tranh của mình lên cầu Long Biên rao bán.
“Cầu Long Biên có vẻ đẹp riêng của nó, tôi nghĩ những tác phẩm nghệ thuật khi bày lên sẽ có nhiều người biết đến và cảm nhận được. Chân cầu cũng thoáng, mọi người đứng nói chuyện dân dã, còn đưa vào phòng tranh sợ đắt không dám hỏi. Ra bán được mấy hôm nhiều người cũng hỏi mua trừ tiền vật liệu cũng có chút ít để tiêu”, họa sĩ Bình Minh nói.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 3

Cầu Long Biên qua nét vẽ của họa sĩ Bình Minh

ẢNH: DƯƠNG LAN

Nhiều người thường nghĩ rằng mỗi bức tranh phải bán 3 – 4 triệu đồng mới là nghệ thuật nhưng họa sĩ Bình Minh lại nghĩ khác. Ông cho rằng, nếu bán như vậy mỗi năm chỉ bán được vài ba bức, nhiều người không chạm đến nghệ thuật dù họ rất thích.
“Tôi trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của những người yêu nghệ thuật. Người họa sĩ vẽ tranh bằng đam mê cũng cần có người yêu thích. Vẫn biết rằng kiếm tiền không hề dễ dàng nhưng cũng phải biết cân đối để có thể tồn tại và mọi người có thể xem được tranh mình vẽ”, ông chia sẻ.

'Có kiếp sau vẫn làm họa sĩ'

Họa sĩ Bình Minh cho hay, văn hóa nghệ thuật so với cuộc sống đời thường vẫn có khoảng cách nhất định. Người nghệ sĩ thường tập trung vào sáng tác nghệ thuật nên không lo chu toàn được về kinh tế. Do vậy, đời sống vật chất của vợ con cũng khổ theo dù không phải ông vô tâm, lười biếng.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 4
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 5

Mỗi bức tranh đều có vẻ đẹp riêng

ẢNH: DƯƠNG LAN

Ông tập trung vẽ vời để kiếm thu nhập nhưng cuộc sống mưu sinh khó khăn đến mức 2 người con của ông cũng thích vẽ nhưng gia đình không đồng ý bởi lẽ “nhà có một nghệ sĩ là đủ lắm rồi”.
Vợ của họa sĩ Bình Minh mất cách đây 16 năm, ông chịu cảnh “gà trống nuôi con” và không ngừng thương nhớ về người vợ quá cố của mình.
“Vợ tôi đến giây phút cuối cùng vẫn nói là tôi là người chồng tốt nhưng đợi đến khi tôi nổi tiếng cô ấy không trụ được. Cuộc sống nghiệt ngã như vậy tôi vẫn ngồi bên vợ, vẽ say mê để quên đi thực tại đói nghèo, đau ốm. Tôi cũng tự trách bản thân vì mình làm nghệ thuật mà người thân phải chịu khổ nhưng có kiếp sau tôi cũng xin làm họa sĩ, không gì có thể thay đổi được”, ông tâm sự.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 6
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 7

Hộp đựng màu của họa sĩ Bình Minh

ẢNH: DƯƠNG LAN

Họa sĩ Bình Minh chia sẻ, từng bức tranh sáng tác ngoài kỹ năng cầm bút còn phải có tình yêu, dồn hết tình cảm mới có những nét vẽ ưng ý. Sự cần cù, chăm chỉ giúp người họa sĩ có được hơn 6.000 bức tranh về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, phong cảnh suốt hơn 37 năm theo đuổi nghệ thuật.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 8

Họa sĩ Bình Minh chia sẻ về các bức tranh của mình

ẢNH: DƯƠNG LAN

Nhờ mạng xã hội, nhiều người tìm đến hỏi mua tranh của họa sĩ Bình Minh. Ông Tạ Quang Hưng (48 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi lên cầu Long Biên nhưng không thấy họa sĩ bán tranh ở đấy đành phải tìm đến tận nhà hỏi mua.
Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 9

Đi lên cầu Long Biên nhưng đúng hôm họa sĩ Bình Minh không bày bán, ông Hưng phải đến tận nhà hỏi mua

ẢNH: DƯƠNG LAN

Hoạ sĩ nghèo bán tranh trên cầu Long Biên: “Đã yêu nghệ thuật, yêu hội hoạ thì không bao giờ ân hận” 10

Mỗi bức tranh họa sĩ Bình Minh bán với giá từ 150.000 – 450.000 đồng, thu hút nhiều người mua

ẢNH: DƯƠNG LAN

“Qua Facebook biết đến tranh của anh Bình Minh nên đến ủng hộ, anh em trò chuyện với nhau. Tôi thấy tranh rất đẹp, giá vừa phải so với thị trường, anh bỏ công ra làm lãi nên tôi mua 4 bức về vừa làm đẹp cho gia đình, vừa ủng hộ anh họa sĩ”, ông Hưng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.