Khách Tây ở Việt Nam kể chuyện tủi thân vì bị nhiều người 'né' vì dịch Covid-19

22/03/2020 09:31 GMT+7

Mùa dịch Covid-19 , nhiều người nước ngoài ở Việt Nam buồn vì người Việt dè chừng. “Trong suốt một năm sống ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình không được chào đón và bị xa lánh", anh Danny G. buồn bã.

Anh Danny G. (sinh sống ở TP.HCM một năm) bùi ngùi chia sẻ: “Tôi và bố mẹ đang đi mua sắm trong trung tâm thương mại, một người đàn ông và vợ của anh ấy bỗng nhìn chúng tôi chằm chằm và anh ta nói thì thầm gì đó với người vợ. Sau đó họ đi ra xa chỗ chúng tôi đang đứng và sang hàng bán giày. Khi chúng tôi tiến đến quầy bán giày thì họ lại tiếp tục tránh đi và rời khỏi cửa hàng".
Anh kể tiếp: "Hôm qua, tôi bước vào thang máy trong chung cư, người thanh niên trong đó bỗng tỏ vẻ sợ sệt và đứng nép vào, quay lưng lại với tôi. Thực sự tôi rất buồn nhưng cũng cho qua. Mọi chuyện càng tệ hơn khi tôi đến Bệnh viện để chụp MRI theo lịch hẹn. Tôi ngồi xuống ghế và người đàn ông đang ngồi cạnh bên bật dậy bỏ đi ngay lập tức"...

Người thanh niên né tránh Danny G. ở bệnh viện

Ảnh: Danny G

Anh Danny cho biết bố mẹ anh từ Mỹ bay sang để thăm anh. Đáng lẽ anh phải dẫn họ đi thăm thú Việt Nam nhưng thái độ của người Việt trong thời gian gần đây làm họ cảm thấy buồn.
Danny nói: “Chúng tôi luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài đúng với quy định của chính phủ nhưng càng ngày càng bị xa lánh".

Số ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 300.000 toàn cầu, Ý thêm 'kỷ lục đau lòng' với gần 800 người chết/ngày

Những tình huống đáng buồn cũng xảy ra với Bessie V., du học sinh đến từ Pháp. Bessie đến Việt Nam vào cuối tháng 2 để thực tập và sẽ ở lại đây trong vòng 6 tháng.
Bessie kể: “Tôi cảm thấy Việt Nam đang có những động thái phòng chống dịch Covid-19 rất tốt, tốt hơn ở châu Âu nữa. Nhưng tôi cũng buồn vì thái độ của một số người bản xứ gần đây. Cách đây một tuần tôi đặt xe Grab và phải đợi rất lâu mà tài xế không hề hồi đáp. Khi tôi gọi lại thì anh ấy liên tục hỏi tôi đến từ đâu. Dù tôi đã cố giải thích rằng tôi đã kiểm tra sức khỏe và ở đây đã hai tuần nhưng anh ấy vẫn từ chối chở tôi. Đi đến nơi công cộng tôi cũng đeo khẩu trang đúng như quy định. Nhưng khi đi vào các cửa hàng, không có ai đón tiếp tôi và họ lấy khẩu trang đeo lên ngay lập tức. Ở quán ăn, tôi ngỏ lời mượn bật lửa của một thanh niên, việc đầu tiên anh ấy làm là lấy khẩu trang ra đeo, rồi mới cho tôi mượn bật lửa".
Người nước ngoài định cư ở Việt Nam bất ngờ khi bị “hắt hủi” vì Covid-19

Người nước ngoài tâm sự họ đeo khẩu trang đúng quy định nhưng vẫn bị xa lánh

Ảnh: Như Võ

Trên các nhóm, hội của người nước ngoài ở Việt Nam, rất nhiều người đã chia sẻ các câu chuyện và hy vọng người Việt Nam có thể bớt nhạy cảm, cẩn thận phòng tránh là tốt nhưng tuyệt đối không kỳ thị khách Tây,người nước ngoài trong thời gian này.
Tài khoản K. Evans cho biết đi đâu anh cũng bị hỏi đến từ đâu. Khi đến trạm xăng, anh gặp tình huống dở khóc dở cười khi nhân viên nhìn anh và nói: “Corona”. Một sô tài khoản bình luận chia sẻ cho biết họ đã bị từ chối phục vụ tại nhiều địa điểm công cộng như nhà hàng, hồ bơi…
Người nước ngoài định cư ở Việt Nam bất ngờ khi bị “hắt hủi” vì Covid-19

Thông báo không tiếp người nước ngoài ở một hồ bơi tại TP.HCM

Nguồn: Adam Marshall

Những dân mạng là người Việt thì cho rằng, việc đeo khẩu trang trước khi tiếp xúc gần là điều bình thường chứ không phải là xa lánh hay kỳ thị.

Công bố bệnh nhân thứ 93 và bệnh nhân thứ 94 nhiễm Covid-19

Khi đem các câu chuyện này hỏi một số người Việt, PV Thanh Niên cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Chị Hồng Thắm (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay khi chị vừa bước vào cửa hàng bán đồ mẹ và bé hay cửa hàng ăn uống thì điều đầu tiên là nhân viên lấy khẩu trang ra đeo rồi mới chào.
"Chuyện không đứng gần hoặc đeo khẩu trang trước khi các bạn nước ngoài tiến đến gần nói chuyện thì tôi cũng gặp như vậy. Có lẽ người dân lo dịch bệnh lây lan chứ không có ý kỳ thị hay xa lánh", chị Thắm nói.
Một số bạn trẻ cũng cho rằng, chỉ một vài nơi hạn chế hoặc từ chối người nước ngoài vì lí do lo ngại dịch bệnh lây lan, có thể thông cảm được. "Mùa dịch nguy hiểm như thế này, tâm lí đề phòng là không tránh khỏi. Hy vọng các bạn nước ngoài hiểu và thông cảm, không kỳ thị để cùng nhau vượt qua giai đoạn này", bạn Trần My (sinh viên ở Q.12, TP.HCM) chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.