Lễ xa trong tiết tháng ba thời dịch Covid-19

22/03/2020 13:08 GMT+7

Những ngày tảo mộ trong tháng ba âm lịch năm nay sẽ thưa vắng người và giản tiện hơn do dịch Covid-19 .

Lễ sớm, lễ xa

Gia đình ông Nguyễn Long (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) và chị gái đã rủ nhau về quê từ rất sớm để thắp hương và sửa sang lại mộ người thân tại tỉnh Hà Nam. Đều đã về hưu, hai chị em ông rủ nhau về quê vào ngày thường, thuê riêng một xe taxi để đi về trong ngày.
“Chúng tôi không muốn đi bằng xe công cộng vì bây giờ đang có dịch. Xe taxi đón tại nhà, đưa về quê, rồi ở lại chờ đến chiều về luôn. Như thế cũng tiện”, ông Long chia sẻ. Cũng theo ông Long, dù xe còn rộng chỗ, ông cũng không yêu cầu con cái cùng về do họ còn đi làm và cũng hạn chế người di chuyển.
Trong khi đó, tại quê, gia đình của ông Nguyễn Hưng (anh ông Long) cũng đón tiếp các em đơn giản. Họ cùng nhau đi bộ ra khu mộ của dòng họ dọn dẹp, chăm cây trồng, thắp hương dâng lễ. Sau đó, gia đình cùng người lái xe ăn bữa cơm nhỏ với nhau. “Gặp nhau nói chuyện xưa các cụ xong, nghỉ ngơi là lại lên đường về Hà Nội. Năm nay, tôi cũng không làm cơm mời họ hàng sang. Dịch bệnh, ai cứ ở nhà mình lo việc nhà mình là tốt rồi. Mời họ lại phải suy nghĩ”, ông Hưng nói.
Cũng như nhà ông Hưng, gia đình bà Thu Quỳnh tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội) cũng không tổ chức về quê rình rang. Thủ đô đã có yêu cầu mọi người ở nhà, hạn chế ra đường. Ngay cả người giúp việc nhà bà Quỳnh cũng ở lại Hà Nội mà không về quê dịp tháng ba âm lịch để tảo mộ.
“Bác giúp việc ở với nhà tôi lâu năm rồi. Mọi năm thế nào bác cũng chuẩn bị để về từ sớm, xong lễ ở lại thêm 1 ngày nữa rồi mới trở lại Hà Nội. Nhưng năm nay bác ấy không về. Bác bảo các cháu trong họ đi làm xa cũng vậy. Mọi việc ai ở làng sẽ lo, bác ấy bái vọng. Sang năm, con cháu về lại làm bù to hơn”, bà Quỳnh nói.
Trong khi đó, tại các khu nghĩa trang như Văn Điển (Hà Nội), Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), mọi người cũng lác đác đi thắp hương tháng ba. “Tiện ngày nào đi ngày đó, để tránh đông người”, chị Hương Quế nói. Cũng theo chị Quế, tại nghĩa trang Văn Điển, không sợ mộ phần không có người thắp hương nếu mình không xuống được. Các khu đều có dịch vụ và có thể nhờ người làm giúp.
Bản thân các nghĩa trang cũng có thông báo dịch vụ cúng lễ online để mọi người biết và đăng ký. Chẳng hạn, trang của khu công viên nghĩa trang Ngân Hà Viên (Thái Nguyên) có thông báo rõ ràng họ có dịch vụ để đáp ứng khách hàng ở xa vào tiết Thanh minh. Theo đó, khách hàng đã có thân nhân an nghỉ tại Ngân Hà Viên, ngoài dịch vụ định kỳ hằng tháng chăm sóc cắt tỉa cây cảnh, chăm sóc phần mộ có thể đăng ký thêm các dịch vụ cúng và thắp hương vào các ngày lễ tết khác theo phong tục tập quán của người Việt Nam.

Truyền thống linh hoạt

Theo sách Văn minh Việt Nam của cố GS Nguyễn Văn Huyên, việc sửa sang mộ phần gắn với việc thờ cúng tổ tiên. Mồ mả do đó được giữ gìn một cách thành kính. “Mồ mả được sửa sang mỗi năm 2 lần: các tổ chuột hay tổ lươn được kiểm tra và bịt lại. Cỏ trên mộ được trồng lại. Nếu có những chỗ hư hại lớn, phải lập tức báo cho cả họ. Thế là vào mùa xuân hay mùa đông tới, người ta long trọng sửa sang”, cố GS Nguyễn Văn Huyên viết trong cuốn Văn minh Việt Nam.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian, cho biết phong tục tết Thanh minh không chỉ là chuyện chăm sóc mộ phần mà còn là mời tổ tiên về. Người Việt thường làm cả hai việc này trước Tết Nguyên đán. “Thanh minh trong tiết tháng ba là phong tục của Trung Quốc. Trong khi đó, người Việt thường làm việc chăm sóc mộ phần trước tết và có nhiều người bằng lòng như vậy. Do dịch Covid-19 người ta không muốn đi lại nữa thì việc này có ảnh hưởng nhưng không nhiều”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, người Việt có đặc điểm văn hóa rất quan trọng là dễ thích nghi. Vì thế, khi có dịch Covid-19 thì người dân sẵn sàng ai ở đâu thì ở đó. Họ được yên tâm là việc thăm mộ mình đã làm từ trước tết rồi. “Với người phải từ xa về quê là vậy. Còn người ở lại trong làng xã, thì trước đây cũng có những buổi gặp mặt ăn uống trong làng xã, rủ nhau cùng ra mộ rồi cùng ăn uống.
Năm nay, do dịch Covid-19 thì việc ăn uống cũng giảm nhẹ rất nhiều, nhất là những vùng đã có dịch và được tuyên truyền. Ví dụ như ở Vĩnh Phúc chẳng hạn, chắc chắn người dân có ý thức hơn, cũng hạn chế ăn uống đông người. Vì thế, chắc năm nay cỗ bàn nhân tháng ba cũng sẽ không có”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc đi tảo mộ vẫn sẽ diễn ra. Mặc dù vậy, quy mô của nó sẽ thay đổi. “Một số người vẫn đi tảo mộ thôi. Trước đây là ông trưởng họ sẽ hô một ngày và mọi người cùng về thì bây giờ có thể chỉ ông trưởng họ đi tảo mộ thôi chứ không cần thiết phải đi nhiều. Nên khả năng thích ứng trong văn hóa Việt đặc biệt như vậy”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.