Lũ thấp ở miền Tây, cá linh vắng bóng: Săn cá kết kiếm tiền triệu mỗi ngày

Trần Ngọc
Trần Ngọc
29/08/2019 12:13 GMT+7

Khi con nước bắt đầu đổi màu từ xanh sang đỏ gạch phù sa là lũ cá kết ngược dòng Mê Kông về Biển Hồ sinh sản; ngư dân đầu nguồn vùng lũ ở biên giới Đồng Tháp thả lưới bắt cá thu tiền triệu mỗi ngày.

Thường thì mùa cá kết kéo dài chỉ khoảng 1 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7 âm lịch, khi con nước “nhảy khỏi bờ” cá tràn lên đồng là kết thúc vụ đánh bắt. Nhưng năm nay nước lũ thấp, vô tình kéo dài thêm mùa cá kết để ngư dân có thêm thu nhập.

Cá linh hết, cá kết thay

Ngồi nhâm nhi tách trà sáng cùng nhóm bạn nghề dọc sông Sở Thượng, ông Nguyễn Văn Hái (58 tuổi, ngụ xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) tiếc đứt ruột vì bị rách giàn lưới cá kết khuya hôm trước, đành phải bỏ lỡ chuyến thả lưới ban ngày.
“Xui xẻo gì đâu lưới bị mắc gốc cây, chứ không thôi sáng nay tôi đi kiếm cơm (thả lưới - PV ) được rồi”, ông Hái nói. Ngó xuống sông Sở Thượng, lúc này có trên 5 chiếc xuồng của ngư dân thả lưới nên ông Hái tiếc đứt ruột. 
Ngư dân Võ Văn Báo (54 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự) ngồi gần đó cũng đang vá lại giàn lưới để kịp chuyến đi “kiếm cơm” buổi chiều. Ông tiếp lời: “Nước năm nay ít, do đó đến giờ này mới còn cá kết. Thời điểm này năm trước nước lên đồng làm gì còn cá mà bắt. Nước lũ ít không có cá linh như mọi năm bù lại được mùa cá kết”.
Nhờ các ngư dân “mai mối”, tôi theo anh Nguyễn Thành Đồng lui xuồng ra sông Sở Thượng trải nghiệm một ngày săn cá kết. Mới 32 tuổi nhưng anh Đồng có gần 20 năm lênh đênh sông nước đuổi theo đàn cá kết, vậy nên nói về cá kết thì anh “rành sáu câu”.
“Mùa nước đổ về cá kết sẽ bơi ngược về thượng nguồn đẻ trứng nên chỉ có mùa này mới bắt được cá lớn. Nó đi theo đàn ở đáy sông, mình phải dùng lưới căng ngang sát đáy sông mới có cá. Giá cá trên dưới 200.000 đồng/kg nên bắt 1 kg cá này bằng 5 - 7 kg cá chốt, cá lăng”, ông Đồng nói.

Nhờ cá kết, anh Nguyễn Thành Đồng có thêm nguồn thu nhập đáng kể để nuôi vợ con

ẢNH: TRẦN NGỌC

Sau gần 40 phút chờ đợi trên xuồng, tôi hồi hộp theo từng mét lưới thu về của anh Đồng nhưng chỉ có vài con cá mắc lưới. Anh Đồng tự an ủi: “Mấy ngày nay tụi em dính cá nhiều rồi, có người trong một đêm bắt được gần 7 kg bán được hơn 1 triệu. Hy vọng sẽ có luồng cá kết tiếp theo về đây, chỉ cần mỗi lần thả dính 1 - 2 con là hốt bạc”.
Không may mắn trong đợt thả lưới đầu tiên nhưng vài đợt thả lưới tiếp theo anh Đồng thu được gần 2 kg cá kết, bán được gần 400.000 đồng. Nhiều ngư dân khác bắt được nhiều cá hơn anh Đồng, thu về gần 1 triệu đồng.

Tranh nhau mua 'lộc trời'

Nước lũ thấp, thưa vắng cá tôm và nhiều sản vật mùa nước nổi khác phần nào làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân vùng lũ tại tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, mực nước thấp nước chưa tràn đồng, cá kết không thể theo nước lũ tản lên đồng ruộng bao lao mà chỉ quanh quẩn dưới sông Sở Thượng cũng là dịp may cho những người theo nghề săn loại cá này.
Ngư dân Võ Văn Báo cho hay, nhiều ngày liên tiếp nhiều ngư dân địa phương đã “trúng đậm” cá kết, riêng bản thân ông trung bình nguồn cá kết mang đến thu nhập vài trăm ngàn đồng để phụ vợ con lo cho cuộc sống. Nhờ có cá kết, mấy ngày qua anh Đồng có thêm chi phí trang trải cho gia đình nhỏ của anh. “Nhờ nghề này em có thêm thu nhập khá trong mùa lũ để nuôi vợ con”, anh Đồng cho hay.

Những con cá kết to được các ngư dân bắt được

ẢNH: TRẦN NGỌC

Do ngư dân được mùa cá kết nên việc mua bán cá kết tại các xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B (H.Hồng Ngự) trở nên sôi động. Từ 3 - 4 giờ sáng đã có hàng chục thương lái chạy xe máy dọc tuyến theo tuyến sông Sở Thượng tranh nhau thu mua cá sau buổi thả lưới đêm của ngư dân. Hôm tôi đến, dù chỉ mới 5 giờ 30 sáng, nhưng nhiều thương lái đi muộn không còn cá kết để thu mua đành thất vọng ra về.
Anh Trương Văn Minh, thương lái cá đồng ở địa phương, cho biết: “Mấy ngày liên tiếp tôi mua được hơn 100 kg cá kết, có hôm ít nhất cũng mua được 20 - 30 kg. Hiện cá kết loại 2 (dưới 200 gram/con) giá 160.000 đồng/kg, còn loại 1 (200 gram/con trở lên) giá 220.000 đồng/kg, nhưng mua không đủ bán”.
Bà Nguyễn Thị Phượng, tiểu thương xã Thường Thới Hậu B, cho biết: “Năm nay giá cá kết tăng hơn năm trước khoảng 20.000 đồng/kg. Cá này rất dễ bán, bán về các chợ trong tỉnh, đi về thành phố hay xuất khẩu đều được. Thương lái tụi tôi phải tranh thủ đi sớm mới có cá, hôm nào trễ là người ta mua hết”.

Nghề không dễ ăn

Ông Nguyễn Văn Hái cho biết, để bắt được cá kết trên sông Sở Thượng không hề dễ. Ngoài kinh nghiệm hiểu biết thủy văn, dòng chảy, chiều ngang khúc sông để biết mà sắm giàn lưới sao cho phù hợp còn phải biết chọn thời điểm nước hừng lớn (bắt đầu lớn) để thả lưới mới dính được nhiều cá.
Không phải loại lưới nào cũng có thể bắt được cá kết, chỉ có loại lưới 3 màng có mắc lưới từ 4,5 - 8 cm mới phù hợp giăng loại cá này. Riêng khúc nơi ông và các ngư dân như ông Báo, anh Đồng thả lưới cần  lưới dài 120 m (giá hơn 2 triệu đồng) mới có thể bắt được cá.

Ông Võ Văn Báo và vợ là Nguyễn Thị Thoa vá lại giàn lưới cá kết do bị vướng vào gốc cây

ẢNH: TRẦN NGỌC

Đối với ngư dân việc đầu tư giàn lưới vài triệu đồng không “ám ảnh” bằng việc lưới của họ bị mắc gốc cây trong khi thả. Vì gặp phải tình huống trên họ vừa mất thời gian gỡ lưới, vá lưới và vuột mất một ngày kiếm sống. Ông Nguyễn Văn Hái nói: “Tức nhất là việc lưới bị mắc vào gốc cây. Có khi đang vá lưới không có lưới giăng đúng khi có luồng cá kết qua anh em dính cá ầm ầm dưới sông mình mất thu nhập”.
Cá kết sống ở tầng đáy, muốn bắt được ngư dân phải gắn chì cho lưới rà sát đáy sông. Để tránh tình trạng lước mắc gốc cây khi thả, các ngư dân cùng nhau chăm chút cho dòng sông như chăm sóc chính vợ con mình. Trước mỗi vụ cá, họ đều hùn tiền nhau thuê cánh thợ lặn mò tìm lấy gốc cây dưới đáy sông lên khỏi mặt nước, với giá từ 100.000 - 200.0000 đồng/gốc tùy theo gốc dễ hay khó. Tuy đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nhưng dân thả lưới cá kết cũng nhiều lần bị ghe cào có công suất lớn “phá đám” khi vô tình kéo tung các gốc cây dưới đáy sông lên, khiến giàn lưới của họ vướng gốc cây bị hư hỏng.

Cá kết to được các thương lái tranh nhau mua để cung cấp cho các nhà hàng hoặc xuất khẩu

TRẦN NGỌC

Sở Thượng là nhánh rẻ lớn và trực tiếp mang nước của dòng chính Mê Kông từ Campuchia hòa nhập vào sông Tiền tại Việt Nam nên luôn là bãi cá tự nhiên rất lớn, thu hút ngư dân đến đánh bắt.
Nơi anh Đồng thả lưới thuộc đoạn sông từ Cầu Đại đến Mương Bà Chín (xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự) dài hơn 1 km, đây là bãi cá kết lớn của ngư dân địa phương. Từ đầu tháng 6 âm lịch đến nay lúc nào cũng có gần 100 ngư dân “nằm tài” chờ đến lượt thả lưới cá kết. Trung bình mỗi ngư dân chia nhau chừng 20 m chiều dài sông Sở Thượng để “kiếm cơm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.