Điều này cũng dễ hiểu vì bác sĩ cũng chính là cư dân sống ngay đó nên ngoài mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân còn là quan hệ hàng xóm, láng giềng. Bác sĩ ở Cuba không được mở phòng mạch tư. Tất cả việc khám chữa bệnh cho dân đều miễn phí, không phân biệt bất cứ ai. Bác sĩ nào lấy tiền của dân sẽ bị rút bằng và đi tù. Vì thế, người dân rất tôn trọng bác sĩ.
Để cám ơn, thỉnh thoảng họ lại tặng bác sĩ những món quà cây nhà lá vườn như trái cây, chút bánh kẹo... Mối quan hệ “người nhà” được hình thành như thế.
tin liên quan
Sống ở Cuba: Tiếng lành đồn xaNhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.
Một buổi với “người nhà”
Chưa đến 8 giờ, phòng khám gia đình 6-19 (H.Encrucijada, tỉnh Villa Clara) đã đông già trẻ lớn bé đứng đợi. Bác sĩ Javier Acosta Dominguez cùng cộng s̀ự mở cửa bắt đầu một ngày làm việc tất bật. Javier khám, chẩn bệnh, cô y tá kiểm tra huyết áp, chỉ số sức khỏe, anh nhân viên dịch tễ leo lên xe đạp lóc cóc đạp xuống từng nhà trong xóm để kiểm tra vệ sinh.
“Nhà nào để lu nước có lăng quăng, muỗi tùy trường hợp sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt từ 150 - 1.500 pesos (150.000 - 1,5 triệu đồng). Những nhà nuôi heo càng được để mắt nhiều hơn”, anh nhân viên dịch tễ giải thích.
Hơn 12 giờ trưa, bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng cũng vừa rời khỏi phòng khám, Javier bước tiếp ra đường. Đi chừng dăm bước, anh lại bị bà Manuela, 78 tuổi, chặn đường: “Bác sĩ giải thích giùm tui cái điện tâm đồ này với, tui lo quá”. Javier lại kiên nhẫn đứng giải thích cặn kẽ cho bà Manuela giữa cái nắng rát nhất trong ngày đã lên ngay đỉnh đầu. “Đã được ăn trưa chưa?”, tôi đùa. Javier cười lớn: “Chưa đâu, còn phải tới nhà bà Maria nữa. Bác sĩ gia đình không chỉ làm việc ở phòng khám mà còn phải trực tiếp đến nhà bệnh nhân nào không thể di chuyển được”.
Bà Maria đã 95 tuổi, bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, nằm liệt trên giường. Bà không có con, người thân đều ở nước ngoài nên bên cạnh việc bác sĩ đến tận nhà, chính quyền còn cử một người đến túc trực chăm sóc cho bà 24/24. Thấy bác sĩ đến, bà nén đau nở nụ cười móm mém. Đã quá quen, Javier đeo ống nghe kiểm tra sức khỏe, xem lại các vết thương của bà và hỏi thăm bệnh tình.
“Bác sĩ gia đình Javier làm việc rất nhiệt tình. Ngày nào ông cũng đến kiểm tra, thăm hỏi sức khỏe bà Maria. Tôi đánh giá rất cao vai trò của bác sĩ gia đình đối với những người sống xa bệnh viện, già yếu”, bà Aida Soto, người được nhà nước cử đến chăm sóc bà Maria, nói.\
tin liên quan
Sống ở Cuba: Thời tem phiếu chưa quaSáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.
Trước khi đến Cuba, tôi cũng nghe nhiều về sự ưu việt của ngành y ở đây. Thật sự, tôi không tin lắm vào các “báo cáo tổng kết” tròn trịa, với những con số “đẹp như mơ”, với những cuộc gặp mặt “được sắp xếp” trước. Vì vậy, tôi chọn đến bất ngờ một phòng khám nhỏ ở một huyện xa để thấy và hiểu được thực tế một cách thật nhất có thể. Tận mắt quan sát cách bác sĩ Javier khám bệnh, cách họ (bác sĩ và bệnh nhân) nói chuyện thân tình, ân cần với nhau, tôi thật sự hiểu thế nào là bác sĩ gia đình tại Cuba.
|
Chăm sóc tận gốc rễ
Mỗi phòng khám gia đình sẽ gồm bác sĩ đa khoa, y tá và một người phụ trách dịch tễ (truyền nhiễm, muỗi) chịu trách nhiệm về sức khỏe cho gần 1.000 người địa phương. Các phòng khám sẽ trực thuộc một trạm xá đa khoa. Trạm xá này có các bác sĩ sản, nhi, nội khoa, răng-hàm-mặt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhân viên hoạt động xã hội (chuyên chăm sóc những hoàn cảnh neo đơn, không người thân thích).
H.Encrucijada có 19 phòng khám gia đình trực thuộc Trạm xá đa khoa Abel Santamaria có 92 bác sĩ từ đa khoa đến chuyên khoa, đầy đủ phòng cấp cứu...
“Vai trò của phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa rất quan trọng trong việc phòng chống và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Do là người sống tại địa phương nên các bác sĩ gia đình nắm rất rõ tình trạng sức khỏe của cộng đồng để từ đó có biện pháp hiệu quả ngăn chặn bệnh ngay từ đầu”, Carmen Quintana, Y tá trưởng Trạm xá đa khoa Abel, nói.
tin liên quan
Phòng khám không phép “nổ” trên Facebook: Tiền mất tật mang!Cảnh giác với các lời rao quảng cáo trên mạng xã hội, đừng quá cả tin mà tiền mất tật mang... Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Phòng khám không phép “nổ” trên Facebook đăng trên Thanh Niên ngày 19.11.
Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú chuyên khoa tim mạch của Trung tâm tim mạch Villa Clara từng làm bác sĩ gia đình, cho biết những sinh viên mới ra trường sẽ được cử đến những vùng sâu, vùng xa (nơi không có đủ bác sĩ địa phương). Ngược hẳn với VN, các phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa tại đây có thiết bị y tế thậm chí còn nhiều và đầy đủ hơn ở thành phố.
“Lý do rất đơn giản và... hợp lý. Những vùng sâu, xa việc chuyên chở lên bệnh viện tỉnh sẽ khó và mất thời gian hơn. Vì vậy, vùng này phải đầy đủ thiết bị để có thể điều trị tại chỗ hoặc cấp cứu kịp thời chờ chuyển lên bệnh viện tỉnh”, anh nói.
Hồi đó, Việt làm bác sĩ gia đình tại một phòng khám gia đình ở vùng sâu nông thôn thuộc H.Manicaragua. Anh kể: “Đúng như cái tên: gia đình, bác sĩ gia đình với dân thân nhau lắm. Những ngày làm ở đây gần như tôi chẳng khi nào phải nấu ăn giặt giũ vì người dân thương, họ mời về nhà ăn liên tục. Nếu không tới, họ gửi thức ăn đến tận phòng. Thậm chí họ còn tự lấy đồ của mình giặt giùm luôn”.
|
Hôm tôi cùng bác sĩ Javier thăm bà Maria. Tưởng tôi cũng là bác sĩ, bà Maria cầm tay tôi thều thào: “Bác sĩ ơi, tôi đau quá, bác sĩ tăng liều giảm đau cho tôi nhé”. Tôi nhìn bà già chỉ còn “da bọc xương” đang cố sống nốt những ngày cuối đời của mình mà không nói nên lời. Tự nhiên tôi lại nhớ câu chuỳện về Che Gueavara. Khi còn là chàng sinh viên y khoa năm cuối, trong chuyến đi khám phá Nam Mỹ bằng xe máy của mình, tại Chile, Che cũng gặp một bà già nghèo bị suyễn và tim, cầm chắc cái chết. Lúc đó ông cũng lặng người đi và chỉ biết để lại lọ thuốc giảm đau cho bà cùng lời chúc sức khỏe. Hình ảnh đó là một trong những động lực thúc đẩy Che quyết định đi làm cách mạng để dân nghèo có cuộc sống tốt hơn. Bây giờ, bà Maria cũng nằm chờ ngày ra đi, nhưng dù sao những ngày cuối đời của bà vẫn còn bác sĩ Javier, còn bà Aida Soto...
Che Guevara đã mất. Cuba vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có lẽ Che cũng có thể mỉm cười vì lý tưởng cháy bỏng ngày xưa của ông đã phần nào được thực hiện.
Không để bất cứ người dân nào bị “bỏ rơi”
Mô hình bác sĩ gia đình do cựu Chủ tịch Fidel Castro khởi xướng năm 1984. Bằng cách lập phòng khám gia đình với bác sĩ cũng chính là cư dân ngay trong cộng đồng đó, tình trạng sức khỏe, vệ sinh dịch tễ của cộng đồng đó sẽ được nắm rất sâu sát.
Cuba đầu tư rất nhiều vào phòng, chữa bệnh với hệ thống y tế 3 cấp. Phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa sẽ là tuyến 1 (tương đương bệnh viện huyện). Bệnh nhân bệnh nặng sẽ được chuyển lên tuyến 2 là bệnh viện tỉnh. Đối với những trường hợp đặc biệt, sẽ lên tuyến 3 là các bệnh viện chuyên ngành của cả nước.
Đến đầu năm 1990, mạng lưới phòng khám gia đình này đã phủ khắp Cuba. Đến tháng 3.2016, Cuba có 254 trạm xá đa khoa với hơn 11.000 phòng khám bác sĩ gia đình.
|
Bình luận (0)