Miền Tây gồng mình chống xâm nhập mặn: Hoa kiểng Tết ở Bến Tre 'hồi hộp'

Bắc Bình
Bắc Bình
16/01/2020 07:43 GMT+7

Những ngày cận Tết Canh Tý 2020, miền Tây gồng mình chống mặn. Độ mặn 4‰ xâm nhập gần như toàn bộ sông, rạch ở Bến Tre. Người trồng hoa Tết lo lắng còn người dân địa phương tất bật dự trữ nước sinh hoạt.

Bến Tre rủi ro thiên tai khẩn cấp độ 2 do mặn

Ngày 14.1. ông Cao Văn Trọng (Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre), cho biết ông vừa ký ban hành Quyết định số 72/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tích cực khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm trong phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Cánh đồng Bến Tre năm 2016 khi thiên tai xâm nhập mặn xảy ra và khi đó, diễn biến, cường hộ mặn vẫn chưa gay gắt, bất thường như mùa khô năm nay

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Theo đó, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại tỉnh Bến Tre đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặn xâm nhập nhanh đột ngột, rất sâu và đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016.  
Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1.2020. Cụ thể, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53 - 68km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.

Để thực hiện tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị ngày 3.1 về triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020.

Người dân xứ dừa tích cực bồi các mương vườn để dẫn nước vào trữ ngay khi độ mặn giảm xuống ở mức cho phép

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Tổ chức vận hành ngay phương án ứng phó xâm nhập mặn theo kịch bản hai (rủi ro thiên tai cấp độ hai), kiên quyết không để người dân bị thiếu nước uống do bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, tổ chức huy động mọi nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó xâm nhập mặn theo thẩm quyền. Trong đó, đặc biệt lưu ý huy động các loại phương tiện như: xe bồn, xà lan, ghe, các phương tiện chuyên dùng khác để vận chuyển nước phục vụ các bệnh viện, khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn…
Đồng thời, triển khai ngay các công trình đập tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi.

Hàng chục ngàn nhà vườn trồng cây giống, hoa kiểng Tết đứng ngồi không yên vì chỉ cần sơ ý tưới nước mặn trên 0,5 ‰ sẽ bị thiệt hại rất nghiêm trọng

ẢNH: BẮC BÌNH

Trong đó, tập trung triển khai giải pháp cấp bách để tạo nguồn nước ngọt cung cấp cho các nhà máy của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre nhằm đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi hoạt động của công ty và cấp nước bổ sung cho các địa phương khi cần thiết.

Do nước mặn đột ngọt với cường độ cao nên chỉ trong thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng cá nuôi chết trên các tuyến sông, kênh rạch ở H. Châu Thành và H. Chợ Lách

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Cũng trong sáng ngày 14.1, bà Nguyễn Thị Diễm Phượng (Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre) cho biết trạm thu nước chính trên rạch Cái Cỏ (H.Châu Thành) đã không kịp trở tay.
“Chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp như pha nước ngọt dữ trữ nhưng độ mặn trong cao nhất mà chúng tôi cung cấp dành cho sinh hoạt vẫn ở mức gần 2‰. Riêng các đối tác khách hàng là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, các cơ sở y tế khác, các khách sạn hạng sang, doanh nghiệp có quy trình sản xuất buộc dùng nước ngọt… thì dùng xe bồn chở từ hồ dự trữ của công ty. Tuy vậy, nếu mặn kéo dài khoảng 1 tháng nữa mà không có giải pháp nào thì công ty cũng đành chịu. Hiện chúng tôi đang phối hợp tích cực với ngành chức năng và chính quyền địa phương để thi công khẩn cấp các đạp tạm ngặn mặn có thể xâm nhập vào rạch Cái Cỏ”, bà Phượng cho biết.

Long An đắp 6 đập tạm ngăn nước mặn qua QL 62

Sáng 14.1, ông Võ Kim Thuần (Chi cục Trưởng Chi cục Nông thôn và Thủy lợi Long An), cho biết cơ quan đang khẩn trương làm báo cáo tham mưu UBND ban bố tình trạng khẩn cấp để công tác phòng chống xâm nhập mặn được thuận lợi nhất.

Người dân tranh thủ đến các khu vực kênh rạch, ao, đìa còn nước ngọt mang về nhà dự trữ phục vụ sinh hoat, sản xuất ứng phó tạm thời trước "giặc" mặn đang hoành hành

ẢNH: BẮC BÌNH

Cụ thể, ngày 14.1, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh Long An như sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra dao động ở mức từ 0,2 – 14,7 ‰.
Đối chiếu so với cùng kỳ tháng 11.2015 (theo ngày Âm lịch, thời điểm trước đợt thiên tai mặn lịch sử mùa khô năm 2016) thì thậm chí ở nhiều tuyên sông khi đó chưa xuất hiện mặn.
Cụ thể như sau độ mặn trên sông Rạch Cát cao hơn từ 2,2 – 3,5 ‰; sông Vàm Cỏ cao hơn từ 5,2 - 7,1 ‰; sông Vàm Cỏ Đông cao hơn từ 0,6 – 5,9 ‰; sông Vàm Cỏ Tây cao hơn từ 0,2 – 6,1 ‰; sông Tra cao hơn 6,9 ‰.

Công việc thường xuyên nhất của các cán bộ ngành thủy lợi các tỉnh miền Tây hiện là đi thực hiện để theo dõi độ mặn trên các sông, rạch

ẢNH: BẮC BÌNH

 
Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1.0 ‰ đã xâm nhập cách sông Soài Rạp khoảng 56 km, hiện đã vượt qua cầu Bến Lức, H.Bến Lức. Nếu so với tháng 11.2015 Âm lịch, độ mặn 1,0‰ chỉ mới lần vào 43 km từ cửa sông Xoài Rạp và mới đến cống Bà Xiểng, H.Cần Đước. Cùng với đó, độ mặn 4 ‰ đã lấn đến cống Đôi Ma, H.Cần Đước, cách sông Soài Rạp khoảng 47 km, nếu so với tháng 11.2015 (Âm lịch) thì thời điểm đó độ mặn chưa xuất hiện.

Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 ‰ đã vượt qua cống Tầm Vu (H.Châu Thành), cách cửa sông soài Rạp khoảng 56 km, so với cùng kỳ tháng 11.2015 (Âm lịch, độ mặn chưa xuất hiện). Độ mặn 4,0 ‰ vượt qua cống Sông Cui (H.Châu Thành) cách cửa sông soài Rạp khoảng 42 km (so với cùng kỳ tháng 11.2015 Âm lịch, độ mặn chưa xuất hiện).

Hiện các cống dân vào qua QL 62 vào địa bàn H.Thạnh Hóa, Long An đều được ngăn ngăn lại và chính quyền đang thi công thêm một số cống đập tạm tại các sông, xẻo nhỏ

ẢNH: BẮC BÌNH

 
“Thực hiện theo phương án được UBND tỉnh ban hành, chúng tôi đang khẩn trương thi công 6 đập tạm ngăn mặn qua QL 62 vào địa bàn H.Thạnh Hóa và các khu vực lân cận. Các vấn đề khác phải chờ UBND tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn", ông Thuần cho biết.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết đã ký công văn khẩn yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện triển nhanh các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.