Từ những lá trà xanh, người ta biến tấu thành rất nhiều món ăn như mì trà xanh, chè trà xanh; thức uống độc đáo và hấp dẫn như trà sữa, kem từ trà, chè trà... Nguyên liệu trà truyền thống được biến tấu với nhiều món ngon, hấp dẫn thực khách đủ các lứa tuổi.
tin liên quan
Món ngon dễ làm: Nha đam đường phèn thanh nhiệt làm đẹp daNha đam (lô hội) được xem là "thần dược" cho sức khỏe và sắc đẹp. "Món ngon dễ làm" kỳ này sẽ giới thiệu bạn cách chế biến nước nha đam đường phèn.
Không chỉ có trà đá, trà nóng, những món ăn từ lá trà giờ đây đã trở nên quen thuộc hơn với giới trẻ khắp nơi. Được xem như là thế giới ẩm thực thu nhỏ, Sài Gòn là nơi du nhập và phát triển nhiều món ăn, ăn vặt... mới từ trà vô cùng phong phú.
Độc đáo trà “trộn” Myanmar
Bị ảnh hưởng một phần từ thời còn là thuộc địa của Anh, cùng với sự di cư của những người Ấn qua, nghệ thuật thưởng trà ở Myanmar đã trở thành phong cách “ăn” trà của người bản địa. Có tên gọi là Lahpet thoke, nghĩa là salad trà tươi, những lá trà sau khi thu hoạch sẽ được đem hấp rồi cho lên men như kiểu dưa muối của người Việt.
Sau khoảng thời gian lên men vừa đủ, lá trà được lấy ra trộn chung với những loại hạt như mè, đậu phộng, thêm tỏi phi, tôm khô mà thành món ăn. Món salad trà tươi có vị đậm đà, bùi của các loại hạt, thơm của hành phi, khi ăn đừng quên vắt miếng chanh vào món trà “trộn”, cho có vị chua chua mặn mặn rất độc đáo, hấp dẫn.
Đây là món ăn đãi khách thể hiện tình hữu nghị, nhấm nháp một chút salad trà, chiêu một ngụm trà sữa là đủ đầy cho buổi chuyện trò rôm rả.
|
|
Ngọt ngào trà sữa
Xuất hiện ở Sài Gòn chưa lâu, trà sữa Sharetea thu hút được lượng lớn fan hâm mộ đến để thưởng thức những món uống xứ Đài. Bạn Ngọc Anh (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Mình rất thích trà xanh sữa xoài. Khi uống món này, mình cảm nhận được chút gì đó của vị trà xanh hương lài thơm dịu quyện với vị sữa béo ngậy, hòa cùng những “tép” xoài tươi xay với trà tạo nên cảm giác ngon khó tả. Mình cũng thích trà sữa trân châu.
Có 2 loại trân châu lớn và nhỏ. Nếu vừa thích uống vừa có cảm giác phấn khích thì nên dặn lấy hạt trân châu loại lớn ăn cho đã thèm”. Menu trà sữa Sharetea rất nhiều món nhưng hút khách nhất trong giai đoạn hiện nay là trà xanh sữa xoài, trà xoài kem sữa, trà sữa Hokkaido, trà sữa Okinawa, trà sữa ô long, trà ô long kem sữa.
|
|
Macha của người Nhật
Có thể nói, loại bột trà xanh matcha của người Nhật là một trong những nguyên liệu linh hoạt nhất trong ẩm thực. Chỉ một muỗng bột nhỏ người ta có thể pha thành ly trà nóng hoặc trà lạnh thơm ngon, thêm chút sữa béo, chút kem béo thành món trà xanh đá xay…
Cũng là món nước nhưng là kiểu “súp ngọt” của người Nhật, là sự kết hợp của văn hóa truyền thống và hiện đại trong món Matcha Zen, chè đậu đỏ ngọt bùi kèm kem trà xanh, thêm bột nếp viên trắng nõn. Món ăn không quá ngọt, không quá lạnh, đúng kiểu ung dung tự tại của người dân xứ sở Phù Tang, cứ chậm rãi từ tốn mà hấp dẫn bao người.
Ngoài ra còn có chè đậu đỏ, kem trà xanh, bánh mochi phủ trà xanh bên ngoài - đây là bộ ba món ăn lạ được giới trẻ yêu thích. Món ăn có cả vị ngọt, mát và dai, hơi chút đắng nhẹ khiến người ta ăn hoài không ngán.
Người Nhật còn nổi tiếng với món chocolate mama trà xanh. Nhiều người tưởng nhầm đây là loại bánh dẻo nhưng thực chất được làm từ bột cacao, được chế biến tuy đơn giản nhưng chuẩn xác khi phủ thêm lớp áo trà xanh bên ngoài, bánh dùng kèm khi thưởng trà là tuyệt nhất.
Bột trà xanh còn dùng làm rất nhiều món ăn ngon như mì soba trà xanh. Những cọng mì dài với màu xanh nhạt mướt mát được bày trên đĩa ăn kèm với nước dùng dashi ngọt thơm nóng ấm.
Có người dùng mì soba trà xanh trong món mì lạnh, ướp sợi mì với đá cho cọng mì mềm giòn sựt sựt, khi ăn cảm giác thanh mát như xua tan cơn gió hè ẩm nóng, mát miệng và mát cả lòng.
Khá nhiều loại bánh ngọt đã được làm mới nhờ trong thành phần có thêm chút bột trà xanh như bánh kem trà xanh, cookie trà xanh, cupke trà xanh… chỉ thêm một tí vị đắng đắng thơm thơm nhẹ của trà mà làm món ăn khác hẳn.
Snack trà xanh
Không thể không nhắc đến món snack trà xanh chiên đang trở thành món ăn vặt được nhắc đến nhiều khi thực khách ghé thăm Đà Lạt, một trong những thủ phủ của trà Việt. Cũng ăn trà như người Myanmar nhưng ở đây người ta ăn lá trà tươi non.
Những cọng trà xanh một búp hai lá nõn nà được các cô gái trong thôn trang hái từ lúc còn sương sớm, rửa sạch bụi đất với nước giếng sâu trên cao nguyên. Bột để chiên thường là bột giòn, pha với ít nước và trứng gà, các đầu bếp điêu luyện cứ nắm từng nắm trà tươi cho vào thố bột trắng ngà, dùng chiếc muỗng đặc biệt vớt ngọn trà phủ lớp áo bột cho vào chảo dầu sôi ở nhiệt độ cao.
Chỉ một loáng vừa trò chuyện với thực khách dăm câu là ngọn trà đã phồng lên, bột vàng đều là vớt ra khỏi chảo. Nhiều nơi không chọn được ngọn trà, có thể chiên những lá trà non cho giòn, ăn cũng không kém vị. Trà chiên chấm kèm với xốt cà chua trộn tương ớt hoặc xốt mayonnaise rất ngon.
Bình luận (0)