Những ngày cuối năm chúng tôi có mặt tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Trái với khung cảnh chợ tấp nập người mua kẻ bán như những năm trước, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, lượng khách ra vào thưa thớt, nhiều gian hàng rơi vào tình trạng ế ẩm, nhiều sạp hàng đóng cửa treo biển sang quán…
Đi không đành, ở cũng không xong
Đóng cửa sạp, ngừng kinh doanh là sự lựa chọn của không ít tiểu thương tại chợ Bà Chiểu khi buôn bán ế ẩm suốt một thời gian dài. Nhiều người bám trụ lại cũng phải sống trong cảnh “dở khóc dở cười”.
Là một trong những tiểu thương kinh doanh hàng nón lâu năm tại chợ Bà Chiểu, chị Quách Mỹ Linh (42 tuổi, Q.Bình Thạnh) tâm sự không chỉ chị mà những tiểu thương khác ở chợ cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Hàng nón của chị Linh ít người mua hơn hẳn, có ngày còn không bán được cái nón nào
Ảnh: Lê Hồng Hạnh
|
Suốt hơn 20 năm buôn bán ở chợ, đây là năm đầu tiên chị phải tự bỏ tiền ra để trả kinh phí duy trì tiệm nón. Không như các năm trước, tiệm nón của chị Linh năm nay rơi vào cảnh đìu hiu.
“Chưa năm nào tôi gặp phải tình trạng như vậy. Thường năm ngoái mỗi ngày tôi có thể bán từ 40 đến 50 cái nón. Giờ số lượng nón bán ra ít, mỗi ngày chừng 1, 2 cái là cùng. Thậm chí có ngày chẳng bán được cái nào”, chị ngao ngán.
Kinh doanh ế ẩm, Mỹ Linh chỉ duy trì cửa hàng nón của mình suốt nhiều tháng qua cho có lệ. Chị cho biết: “Cũng may là sạp này do mẹ tôi mua ngày trước, nên không phải trả tiền mặt bằng. Nếu phải trả tiền thuê thì tôi cũng không thể trụ được. Những tiểu thương ở sâu trong chợ như chúng tôi phải cạnh tranh với những cửa hàng ngoài mặt tiền đã đành, đã vậy còn phải cạnh tranh với những người bán hàng rong bên ngoài thì lại càng khó khăn hơn. Họ không phải trả tiền thuê mặt bằng như chúng tôi nên cũng không tới nỗi”.
Dù là những ngày cuối năm nhưng người đi chợ vẫn lai rai chỉ đông hơn một xíu vào những giờ cao điểm
Ảnh: Cao An Biên
|
Để thích nghi với tình hình mới, chị đã phải tập trung sang sản xuất nón và các mặt hàng may mặc khác để xuất khẩu sang nước ngoài cũng như kinh doanh trên nền tảng online.
“Tôi thường xuất khẩu hàng của mình sang Mỹ, Úc. Hàng mẫu mã mới, tôi vận chuyển bằng đường hàng không, nhanh nhưng chi phí khá đắt đỏ. Còn các mặt hàng xuất bằng đường thủy thì hơi lâu, tầm 2 đến 3 tháng mới tới. Qua đó thì đồ cũng cũ luôn rồi nhưng mùa dịch covid-19 xuất hàng đi nước ngoài cũng khó khăn”.
Chị cho biết thêm, nếu chỉ dựa vào sạp bán nón tại chợ thì không thể nào sống được qua mùa dịch này. Thu nhập chính của gia đình chị chủ yếu dựa vào việc sản xuất các mặt hàng may mặc tại gia. “Nếu tình trạng buôn bán ế ẩm này còn kéo dài, chắc tôi phải đóng cửa chứ mở bán mà không bán được gì thì chỉ tốn thêm chi phí mà thôi”, chị nói.
Mỗi tháng phải trả hơn 3 triệu đồng tiền thuê sạp, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (51 tuổi, ngụ Q.12) phải tự xuất tiền để duy trì tiệm bán bưởi từ tháng 5 đến nay. Bà cho biết toàn bộ thu nhập của gia đình dựa vào hàng bưởi này là chủ yếu, nếu không bán bưởi thì cũng không biết làm gì.
Bà Dung buồn rầu vì không bán được bưởi mà bưởi lại không để được lâu
Ảnh: Cao An Biên
|
“Lúc dịch bùng phát, vợ chồng tôi nghỉ bán cả tháng ở nhà nên không có thu nhập. Giờ thêm buôn bán quá ế ẩm thì tôi vẫn cố gắng cầm cự qua ngày để không mất khách chờ tình hình cải thiện, chứ thu nhập của tôi năm nay không có bao nhiêu, còn không đủ hai vợ chồng tôi sống”, bà Dung bộc bạch.
Bình thường, cứ 3 ngày là bà Dung bán hết một đợt hàng, nay cả tuần mới bán hết. Nhiều trái bưởi rụng cuống nên bà phải bán lại dưới giá vốn. “Năm nay là một năm khó khăn với gia đình tôi. Nếu dịch còn kéo dài thì tôi cũng bó tay, vợ chồng tôi nghỉ bán rồi về nhà làm rẫy, làm vườn”, bà cười.
"Năm nay tôi không có Tết"
Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, các sạp bán các mặt hàng nhu yếu phẩm hằng ngày như lương thực, thực phẩm vẫn có khách ra vào. Tuy nhiên, các sạp hàng bán trang sức hay các mặt hàng may mặc thì gặp khó khó khăn hơn. Tầng 2 của chợ Bà Chiểu là nơi trưng bày buôn bán các mặt hàng vải nhưng không khí ế ẩm hơn hẳn ở lầu dưới, số lượng sạp hàng đóng cửa hoặc sang mặt bằng cũng nhiều hơn.
Chị Trúc My (27 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đã có hơn 8 năm kinh doanh các loại nữ trang bằng bạc tại chợ Bà Chiểu. Dịch Covid-19 bùng phát, chị quyết định sang sạp và chuyển sang một công việc kinh doanh khác để làm. “Ngày trước tôi mua sạp với giá hơn 700 triệu đồng tại chợ. Bình thường, việc buôn bán trang sức của tôi đã ít khách, do bạc ngày càng kén người dùng cộng với dịch bệnh nên tôi quyết định nghỉ bán mà sang sạp luôn chứ bán tiếp thì cũng không thể kinh doanh được”, chị nói.
Nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì không đủ chi phí để chi trả mặt bằng và các loại chi phí
Ảnh: Cao An Biên
|
Tương tự như chị Trúc My, bà Trương Thị Nhi (47 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) tâm sự với PV rằng bà cũng có ý định bán lại sạp vào thời gian tới. “Giờ mà ai muốn sang là tôi sang liền, chứ bán ế ẩm quá”, bà nói.
Mua sạp gần 200 triệu đồng, bà Nhi bán chè được gần 2 năm. Tuy nhiên, chưa kịp hồi vốn thì dịch ập đến khiến bà rơi vào cảnh khó khăn. “Tôi phải làm thuê hơn 5 năm, tích góp tằn tiện mới có được 100 triệu. Tôi mượn thêm 100 triệu đồng của người quen để mua lại sạp này mà giờ bán ế ẩm quá, thu nhập giảm hơn một nửa so với trước. Chắc sau Tết tôi sẽ sang lại sạp để lấy tiền đó về quê sống”, bà cho hay.
Nhiều tiểu thương lâm vào tình cảnh bi đát khi đi không đành nhưng ở cũng không xong
Ảnh: Cao An Biên
|
Thu nhập giảm nhiều, bà cho biết năm nay mình không có Tết. “Tôi sống với con trai, mỗi tháng phải trả nào tiền trọ, nào tiền ăn uống hằng ngày nên không dư giả gì. Những người lao động như chúng tôi, không có tiền thì lấy gì mà ăn Tết”, bà Nhi nói.
Trải qua một năm với nhiều khó khăn, dù chọn “rời đi” hay “trụ lại” thì mong ước lớn nhất của những tiểu thương tại chợ Bà Chiểu là dịch bệnh sớm qua đi để họ có thể kinh doanh thuận lợi hơn. Nhiều tiểu thương bày tỏ họ nhớ khung cảnh tấp nập người mua kẻ bán như trước dịch Covid-19.
Bình luận (0)