26.7 là ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng quy định người dân không ra đường từ 18 - 6 giờ sáng hôm sau. Khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, anh Lê Đình Vân (40 tuổi) cho biết bình ô xy ở nhà gần cạn kiệt nên phải mua bình mới về để cứu con trai bị u gan nguyên bào. Anh biết quy định không được ra đường, nhưng nếu không có ô xy thì mất con nên phải lao đi. Hoàn cảnh của anh Vân không chỉ khiến các chiến sĩ công an xúc động, mà hàng ngàn cư dân mạng cũng thổn thức theo.
Nghẹn đắng câu nói của con, phải ra đường
Hôm qua, tại nhà anh Vân (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), tiếng chuông điện thoại liên tục reo bởi các cuộc gọi của người quen và người lạ khi câu chuyện của anh ngập tràn mạng xã hội. Cùng với đó là tin nhắn ngân hàng thông báo tiền được dân mạng khắp nơi gửi đến giúp đỡ.
|
Chị Tiêu Thị Viên (38 tuổi, vợ anh Vân) luôn túc trực để xoa lưng và tay chân cho con trai. Sát đầu giường, bình ô xy vẫn nằm gọn một góc. Chị Viên kể H. là cậu bé ngoan, suốt 8 năm học đều là học sinh giỏi. Hôm 26.7, đúng 17 giờ 50, thấy bình ô xy chỉ còn đủ vài tiếng, vợ chồng anh chị gọi khắp nơi nhưng không ai dám vận chuyển vì sợ vi phạm quy định hạn chế ra đường. Anh Vân đành khoác vội áo, đeo đôi bao tay, chị Viên thì gom hồ sơ bệnh án của con, nhắc anh chụp tấm ảnh con đang nằm trên giường, để chứng minh nếu có bị kiểm tra.
Nằm trên giường, thấy ba mẹ cuống quýt, H. gắng gượng nói: “Ba cứ ở nhà, thở hết nhiêu đây ô xy con đi cũng được”. Nghe giọng con, chân tay anh càng thêm luống cuống. “Làm cha nghe vậy chịu sao thấu. Tôi xuống nhà dắt xe phi ngay ra đường”, anh nói. Khoảng 20 giờ 30, anh về tới, vội vàng thay bình ô xy cho con. Ông trời như đang thử thách gia đình, chiếc cờ lê bị gãy, không vặn được nắp bình. Ông bố lại gõ cửa khắp xóm tìm mượn bằng được chiếc cờ lê. Cũng vừa kịp, anh thở phào.
|
Cuộc sống “bao thương”
Thở phào vừa lo xong cho con, là lúc điện thoại anh liên tục đổ chuông, người quen, người lạ khắp nơi gọi đến hỏi thăm động viên, xin số tài khoản để chia sẻ cùng gia đình anh. Dịp 30.4 năm ngoái, bé H. phát hiện có khối u trong gan. Sau phẫu thuật, kết quả sinh thiết như sét đánh ngang tai: u ác tính. Bé H. bắt đầu 10 toa hóa trị. Suốt quá trình điều trị, chưa một lần H. than thở, em vẫn duy trì lịch học ở trường, chỉ nghỉ trong những ngày nhập viện, vẫn đạt điểm 9, 10.
Gần đây, bác sĩ báo khối u của H. di căn sang gan trái và bàng quang, nhưng vì sức khỏe yếu nên không mổ được, cũng không hóa trị được nữa. Bệnh viện trả về, vợ chồng anh nghe ở đâu có thầy giỏi cũng tìm đủ cách liên hệ, dốc tiền bạc lo cho con. Từ khi con bệnh, chị Viên nghỉ việc bảo mẫu tại trường mầm non để bên con. Đợt dịch, công việc thợ gắn camera của anh Vân cũng đứng yên.
Từ đêm 26 đến trưa qua, khi câu chuyện được đăng tải, anh Vân đã nhận được khoảng 500 triệu đồng cùng hàng trăm tin nhắn động viên, chia sẻ từ khắp nơi. Một số người cũng liên hệ gửi tặng H. máy thở, để anh Vân không phải ra đường đổi từng bình ô xy.
“Ngày trước đọc báo thấy hoàn cảnh khó khăn tôi hay ủng hộ 200.000 - 300.000 đồng. Nay không ngờ mình nhận được nhiều tình yêu thương đến vậy. Xin cảm ơn mọi người đã yêu thương gia đình. Tôi cũng xin ngừng nhận sự giúp đỡ vì còn nhiều người khổ hơn, mong mọi người dành sự chia sẻ đó cho các hoàn cảnh khác”, anh Vân bộc bạch.
Bình luận (0)