Người dân ở nơi nứt đường lo sạt lở: 'Không dám ngủ vì sợ chạy không kịp'

01/06/2017 15:24 GMT+7

'Đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân là trên hết, khẩn trương khắc phục sạt lở, sớm đưa bà con bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống trở lại', ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói khi đi khảo sát chỗ đường đứt quãng tại/

Sáng 1.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa dẫn đầu đoàn cùng các đơn vị chức năng tiến hành thị sát khu vực sạt lở cuối hẻm 1740 Lê Văn Lương, nằm sát Rạch Tôm (thuộc ấp 4, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè).
Tại đây, ông Khoa và đoàn đã đi khảo sát toàn bộ hiện trạng khu vực và thăm hỏi người dân có nhà bị ảnh hưởng. Ông vận động người dân cố gắng sắp xếp và di dời đồ dùng sinh hoạt tới nơi ở mới tạm thời, trong thời gian sớm nhất để đảm bảo an toàn.
VIDEO: Cận cảnh những vết nứt kéo dài hàng chục mét khiến người dân lo sợ
Báo cáo trực tiếp với lãnh đạo UBND TP, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, ngay sau khi sự cố sạt lở xảy ra, đơn vị đã cho lực lượng xuống địa phương ghi nhận và nắm bắt tình hình. Cụ thể, vị trí vết nứt cuối hẻm 1740 Lê Văn Lương nằm trên đường thuộc giao thông nông thôn, láng nhựa và đưa vào sử dụng năm 2015.

tin liên quan

Xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở, di dời dân khẩn cấp
Ông Lê Hà Trung, Phó trạm quản lý đường thủy nội địa số 3 (trạm 3) thuộc Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, cho biết đơn vị đã kiểm tra vị trí có nguy cơ sạt lở trên tuyến Rạch Tôm (nhánh Phước Kiểng) thuộc tổ 8, ấp 3 xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè.
Qua khảo sát và đo đạc, hiện trường sạt lở có chiều rộng vết nứt xuất hiện nhiều chỗ từ 10 - 20cm, kéo dài khoảng 40m. Đặc biệt, hiện tượng lún và nứt nặng, hở hàm ếch ngay trước số nhà 1740/33 Lê Văn Lương.
Vết nứt kéo dài một đoạn khoảng 40m ẢNH: AN HUY
Trong đó, hiện 4 hộ dân có nhà bị sạt lở nặng cần phải di dời gấp trong tổng số 7 căn nhà bị ảnh hưởng. Sở GTVT đã phối hợp với lãnh đạo địa phương ra phương án khẩn trương di dời 4 hộ nằm trong diện trên đến nơi ở mới. Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo công ty điện lực Duyên Hải khẩn trương ngắt điện hai trụ nằm trong khu vực sạt lở trên và di chuyển đi nơi khác trong ngày hôm nay.
Cũng theo ông Cường, ngay khi sự cố diễn ra, Sở GTVT đã phối hợp với Viện khoa học Thủy lợi miền Nam tổ chức đoàn đi thăm dò địa chất, khảo sát và đánh giá sơ bộ để sớm đưa ra phương án giải quyết chính xác.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi miền Nam, qua khảo sát đánh giá thì vị trí sạt lở nằm ở đoạn ngã ba kênh Rạch Tôm và đoạn đối diện sạt lở đã được làm bờ kè kiên cố. Tại vị trí dòng nước sát điểm sạt lở có một vùng xoáy rút nước theo hướng từ trên xuống tạo thành điểm sâu gần 7m, sâu hơn nhiều so với cốt nền chung của lòng Rạch Tôm.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa trao đổi về việc xử lý sạt lở với các đơn vị liên quan ẢNH: AN HUY
Đồng thời, trong quá trình khai thác, tuyến đường hẻm 1740 Lê Văn Lương được láng nhựa, nhưng gia cố nền chưa chắc chắn. Phương tiện giao thông di chuyển qua lại khiến xảy ra sụt lún, hoàn toàn không phải do khai thác cát trên rạch gây nên hiện tượng trên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hùng thì sạt lở trên vẫn chưa thể gây sập nhà của người dân ngay tức khắc trong một vài ngày tới, mà sẽ xảy ra từ từ trong thời gian nữa nếu không có biện pháp xử lý vết nứt và lún trên đường hiện giờ. Cơ quan chức năng nên làm các bước cẩn thận và an toàn chứ không cần phải vội vàng.
“Để xử lý vụ việc, trước tiên cần phải loại bỏ dòng xoáy nước này ra khỏi khu vực Rạch Tôm để ổn định dòng chảy bằng cách đổ bao cát và đá xuống dòng xoáy. Đồng thời, để giải quyết tốt vị trí sạt lở này thì phải chờ đến ngày 15 - 16 âm lịch khi thủy triều dâng cao và rút xuống sâu thì sẽ tiến hành đánh giá bằng quan sát mắt thường gia cố bờ kè nhằm đạt kết quả tốt hơn”, PGS.TS Lê Mạnh Hùng đánh giá.
Nhà của một số hộ dân tại khu vực cũng bị nứt vì sạt lở ẢNH: AN HUY

tin liên quan

Vận động hay ép dân đóng tiền làm đèn chiếu sáng?
Từ phản ảnh của bạn đọc trên trang fan page của Báo Thanh Niên, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện ra nhiều vấn đề xung quanh việc chính quyền ép dân đóng tiền làm đèn chiếu sáng.
Sau khi nghe kết quả báo cáo, ông Lê Văn Khoa đã hoan nghênh tinh thần của các đơn vị liên quan. Ông giao cho Sở GTVT TP phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam tiến hành các bước và xử lý trong thời gian tới.
Ông cho biết, tính mạng và tài sản của người dân phải được coi trọng hàng đầu. Để khắc phục rốt ráo sự cố trên, ông giao cho lãnh đạo huyện Nhà Bè tổ chức họp báo cho các hộ dân tại khu vực nắm được thông tin đầy đủ về vận động di dời và cách làm của cơ quan chức năng.
“Trong ngày hôm nay phải vận động và bố trí cho 4 hộ trong diện nguy hiểm tới nơi ở mới và huyện phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Cần thiết phải hỗ trợ xe, người giúp ... và cả chỗ ở nếu người dân yêu cầu. Ngoài ra, để bảo đảm an toàn, huyện Nhà Bè phải cử lực lượng túc trực thường xuyên bảo vệ không cho phương tiện di chuyển qua khu vực, trừ người dân tại địa phương. Thường xuyên quan sát vết nứt, báo cáo với Sở GTVT TP.HCM. Trong thời gian 5 ngày tới phải xử lý rốt ráo vùng xoáy dưới Rạch Tôm nhưng phải hiệu quả và an toàn”, ông Lê Văn Khoa nói.
Dòng xoáy dưới lòng Rạch Tôm được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đưởng hẻm 1740 Lê Văn Lương
Theo ghi nhận của Thanh Niên sáng cùng ngày, đoạn vị trí sạt lở tại địa phương đã được cơ quan chức năng huyện Nhà Bè dùng lưới thép rào chắn hai đầu, đồng thời cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm. Không chỉ nền đường sụt lún mà tường nhà của một số hộ dân tại khu vực cũng bị nứt bể, khiến nhiều hộ dân tại đây cũng phập phồng lo lắng những ngày qua.
Trước cuộc vận động di dời, chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (40 tuổi, ấp 4, xã Nhơn Đức, H.Nhà Bè) cho biết, bây giờ xã kêu di dời ra trường học gần đây ở tạm thì gia đình phải đi. Đồ dùng sinh hoạt cũng đem đi theo và một phần gửi bà con. “Nhà có con nhỏ nên tối không dám ngủ sợ nó sạt lở trôi nhà bất tử chạy không kịp. Tối nay gia đình tôi phải đi chỗ khác ngủ luôn chứ ở nhà hồi hộp lắm”, chị Hiền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.