Làng Soi được hình thành trên bãi bồi rộng khoảng 40 ha giữa dòng sông La, biệt lập với trung tâm xã Tùng Ảnh. Tuy nhiên, việc khai thác cát trên sông La trong nhiều năm qua đã khiến làng “ốc đảo” này bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích đất sản xuất bị nước sông “nuốt chửng”.
Theo ghi nhận của PV, vùng đất rìa xung quanh làng Soi đang bị sụt lún, rạn nứt, sạt lở rất nghiêm trọng và ngày càng lấn sâu vào trong làng. Nhiều điểm bị nước “ngoạm” sâu đến 2 m, dài hàng chục mét. Nhiều diện tích keo, bạch đàn, tre được dân làng trồng để giữ đất, chống xói mòi đã bị nước “rửa”, để lộ cả gốc rễ, có nguy cơ đổ sụp xuống sông.
“Cuộc sống của chúng tôi nhiều năm nay bị đảo lộn. Dân làng luôn nơm nớp lo sợ vì đất đai của làng đang bị sạt lở đến mức báo động do nạn hút trộm cát. Vào ban đêm, tiếng máy nổ từ các sà lan hút cát trên sông khiến người dân mất ngủ”, ông Nguyễn Đình Yên (80 tuổi), một trong những người sinh sống nhiều năm nhất tại làng Soi, nói.
Theo ông Yên, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông La, đoạn chảy qua xã Tùng Ảnh đã xuất hiện và liên tục diễn ra trong khoảng 20 năm qua. Từ khi “cát tặc” xuất hiện, diện tích đất sản xuất, chủ yếu là đất trồng cây lâu năm của dân làng Soi bị sạt lở. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này không được xử lý dứt điểm.
Chỉ tay về cột đo mực nước nằm sát bờ sông, ông Yên nói: “Người dân đã phải 5 lần chuyển cột mốc này vào bên trong, mỗi lần dịch chuyển khoảng 20 m”. Làng Soi có khoảng 40 ha đất nhưng nay chỉ còn lại khoảng 25 ha. Trong đó hơn 10 ha đất trồng keo, tràm, phi lao là tài sản của người dân bị hà bá “nuốt chửng”. Gia đình ông Yên trồng 150 cây bạch đàn thì 100 cây đã bị nước cuốn trôi, 50 cây còn lại ông sẽ cho thu hoạch “non" vì nếu không cũng sẽ bị cuốn trôi xuống sông.
Gia đình ông Nguyễn Đình Chiến (54 tuổi) có 6 sào đất trồng hoa màu thì nay chỉ còn lại hơn 3 sào vì đất bị sạt lở. “Sà lan khai thác cát chủ yếu vào ban đêm. Chúng tôi đẩy đuổi thì chủ các sà lan hút cát đe dọa, thậm chí bị chúng đánh nên ai cũng sợ. Mất hết đất sản xuất, nhiều hộ phải bỏ làng đi làm ăn khắp nơi. Từ 45 hộ với 120 nhân khẩu trước đây, nay làng “ốc đảo” này chỉ còn lại 18 hộ với 62 người”, ông Chiến nói.
tin liên quan
Buộc 'cát tặc' bơm cát trả lại sôngLực lượng chức năng H.Châu Thành (Bến Tre) xử phạt 1 tàu sắt và 5 ghe gỗ đang lén lút hút cát trên sông số tiền 69 triệu đồng và yêu cầu bơm cát trả lại lòng sông.
“Cách đây ít hôm, phát hiện một sà lan khai thác cát, chúng tôi cho thuyền áp sát thì bị 3 xuồng của các đối tượng cộm cán, hung hãn mang theo hung khí bao vây, cản trở chúng tôi để bảo vệ sà lan này. Chúng tôi báo cáo UBND huyện nhưng khi lực lượng chức năng đến nơi thì chúng đã tẩu thoát. Hầu hết sà lan hút trộm cát đều không có biển số, không đăng kiểm nên rất khó khăn cho việc xử lý”, ông Dũng nói và cho biết, các sà lan chủ yếu đến từ các địa phương khác.
Ông Lê Xuân Thọ, Trưởng phòng TN-MT H.Đức Thọ cho biết, hiện trên địa bàn huyện chỉ có 3 mỏ cát ở xã Đức Hòa, xã Đức Quang và TT.Nga Lan được cấp phép. Toàn huyện có 52 sà lan nhưng số sà lan được cấp giấy phép hoạt động là rất ít. UBND huyện vừa ban hành văn bản cấm khai thác cát vào ban đêm trên địa bàn, đồng thời thành lập 2 tổ liên ngành (mỗi tổ gồm 7 người) tổ chức tuần tra, mật phục, truy bắt các sà lan khai thác cát trái phép 24/24 giờ trong ngày. UBND huyện cũng giao các xã thành lập các tổ công tác xử lý “cát tặc” trên địa bàn.
Bình luận (0)