Làng mai vào mùa tết, khan hiếm nhân công lặt lá
Nhà nào có vài cây mai, chỉ cần bỏ ra một buổi hoặc một ngày thì lặt xong. Đối với hộ trồng mai ở làng mai Phước Định (xã Bình Hòa Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long), việc này vô cùng khó. Ngoài việc huy động toàn bộ người thân, người trồng phải thuê thêm lao động. Với số lượng mai lên đến hàng chục ngàn cây, việc tìm nhân công lặt lá mai không dễ chút nào.
Ông Lương Văn Khiền (63 tuổi, ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước) cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến 14 - 15.12 âm lịch là phải lặt lá mai để cây ra hoa nở đúng tết.
“Nhà tôi có đến hơn 100 gốc, có kêu hết nhà ra lặt cũng không thể nào lặt siết nên phải thuê thêm 5 người nữa mới lặt cho nở kịp tết được”, ông Khiền nói.
|
Tương tự, ông Nguyễn Văn Xệ (71 tuổi, ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước) cũng phải đích thân lặt lá mai, huy động thêm vợ, con nhưng cũng không xuể.
“Tôi phải thuê thêm hai người phụ lặt chứ gia đình không thể nào lặt hết hơn 50 gốc mai lớn cho nở kịp tết. Còn mai nhỏ thì vô số rồi, kịp hay không cũng không sao, chủ yếu lặt những cây mai lớn cho kịp tết thôi”, ông Xệ cho biết.
|
Ông Tiêu Hùng Minh, Phó ban đại diện làng Mai Phước Định, cho biết do thời điểm lặt lá mai chỉ trong vòng 3 - 4 ngày nên chuyện khan hiếm nhân công là điều khó tránh khỏi.
“Các chị em đi làm ở xí nghiệp hết chứ không phải ở nhà như mấy năm trước nên gây khó khăn cho việc tìm nhân công lặt lá mai trong thời điểm cao điểm như thế này”, ông Minh nói.
|
Tiền công 300.000 đồng/ngày
Chị Lê Thị Huệ Nga (ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước) đã tận dụng thời gian này đi lặt lá mai thuê. Tính sơ 4 ngày, chị Huệ đã bỏ túi 1,2 triệu đồng, giúp gia đình có cái tết no ấm hơn.
“Lặt lá mai này từ 14 đến 17 hay 18 âm lịch là xong, một ngày được 300.000 đồng và được chủ nuôi cơm 2 bữa”, chị Huệ nói.
|
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Thúy (48 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, H.Long Hồ), người có thâm niên lặt lá mai nhiều năm, cho biết hằng ngày bà làm vườn, lúc rảnh thì đi làm thuê như lặt nhãn, chôm chôm, làm cỏ vườn kiếm thêm thu nhập.
“Năm nào cũng vậy, đến mấy ngày này thì tôi đi lặt lá mai thuê. Mùa lặt lá mai chỉ kéo dài vài ngày nên phải tranh thủ lặt buổi đứng (buổi làm việc kéo dài hơn nửa ngày - PV) cho mau rồi để sang làm cho vườn mai khác kiếm thêm chút ít”, bà Thúy vui vẻ nói.
Còn chị Lê Thị Thủy (ở xã Phú Phụng, H.Chợ Lách, Bến Tre, người được xem là đầu mối để các chủ vườn liên hệ tìm người lặt lá mai) cho biết: “Giờ thì lặt lá, qua tết thì đi bứt bông kiếm thêm”.
|
|
Để những cây mai trổ hoa đẹp vào những ngày tết, ngoài việc tỉ mỉ chăm sóc cả năm trời, người trồng mai còn phải mất thêm số tiền không nhỏ để thuê người lặt lá. Tuy việc tìm nhân công lặt lá hơi khó nhưng qua đó cũng tạo thêm việc làm cho những lao động nhàn rỗi giúp họ có cái tết sung túc hơn.
Theo ông Lê Văn Tý, Trưởng ban đại diện làng mai vàng Phước Định, hiện tại làng mai này có khoảng 800 gốc mai cổ thụ từ trên 100 tuổi; 19.200 gốc từ 50 đến 100 năm tuổi và hơn 30.000 gốc mai nhỏ trên 30 năm tuổi, còn số mai dưới 30 năm tuổi nhiều vô số.
|
Bình luận (0)