Người Sài Gòn, Hà Nội ra đường dễ cay mắt vì ô nhiễm không khí

14/12/2019 17:41 GMT+7

Những ngày qua, chỉ số về chất lượng không khí ở hai thành phố lớn của Việt Nam nhiều lần trong ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe . Người Sài Gòn, Hà Nội ra đường thường dễ bị cay mắt vì ô nhiễm không khí.

Thông tin Hà Nội ngày 13.12.2019 “đội sổ” toàn cầu về ô nhiễm không khí khiến người Việt không khỏi hoang mang. Không chỉ vậy, chất lượng không khí ở TP.HCM cũng nhiều lần ở mức tím, bầu trời mịt mù. Người Sài Gòn, Hà Nội ra đường nhiều lần thấy cay mắt trong những ngày này, vì sao lại vậy?

Cay mắt vì ô nhiễm không khí

Tiến sĩ (TS) Trần Ngọc Đăng, Giảng viên khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, trong những ngày chỉ số chất lượng không khí kém, người dân ra đường thường dễ bị cay mắt, khó thở vì một số chất trong không khí ô nhiễm.
Theo đó, trong những ngày ô nhiễm, chỉ số bụi PM2,5 trong không khí tăng cao, khi chạy xe ngoài đường, những hạt bụi siêu mịn này dễ bay vào mắt gây cảm giác cộm mắt, đỏ mắt, cay mắt.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe

Ảnh do Change cung cấp

TS Đăng giải thích: “Nhưng không phải ai tiếp xúc cũng cảm thấy cay mắt liền mà có người 2-3 ngày hôm sau mới cảm nhận được, đó là tùy thuộc vào cơ địa của từng người”.
Theo đó, những chất có trong ô nhiễm không khí làm chúng ta có cảm giác cay mắt đó là: SO2, NOx, NO2. Đây là sản phẩm của các phương tiện vận tải, hoặc do đốt nhiên liệu nhiệt độ cao.
Một chuyên gia về khí tượng cũng cho biết, lớp mù mà chúng ta hay nhìn thấy trong những ngày ô nhiễm không khí này là những hạt bụi bao gồm từ nhiều nguồn thải ra lớp khí quyển tầng thấp. Cộng với đặc thù của những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM với nhiều hoạt động sản xuất, giao thông, sinh hoạt của người dân... làm cho không khí bị ô nhiễm, do vậy mắt cay rất có thể là tiếp xúc trực tiếp vào các chất ô nhiễm có trong không khí tầng sát mặt đất.

60.000 người Việt tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Theo TS Trần Ngọc Đăng, trẻ em từ 0-5 tuổi là nhóm dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí nhất. Ở giai đoạn này, nếu trẻ tiếp xúc với những chất ô nhiễm không khí thì chức năng phổi của trẻ sẽ phát triển không bình thường làm gia tăng nguy cơ mắc phổi mãn tính về sau khi đứa trẻ lớn lên. Do vậy, người lớn cần tìm cách bảo vệ trẻ.

Ô nhiễm không khí làm người dân ra đường nhìn thấy một lớp mù

Ảnh do Change cung cấp

TS Đăng dẫn các nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm không khí là yếu tố hàng đầu về môi trường gây gánh nặng bệnh tật cho Việt Nam. Mỗi năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước chừng có 60.000 người tử vong liên quan ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
“Những chất gây ô nhiễm không khí làm gia tăng số ca nhập viện về bệnh phổi và tim mạch với người lớn, gia tăng số ca nhập viện về nhiễm trùng đường hô hấp cấp dưới với trẻ em. Ngoài ra, những hóa chất khác có trong ô nhiễm không khí gây gia tăng ung thư”, TS Đăng nói.
Cũng theo TS Đăng, kết quả nghiên cứu mối liên quan về số ca nhập viện đến bệnh phổi liên quan ô nhiễm Ozon ở Hà Nội lại khá bất ngờ. Vì Ozon tạo ra từ phản ứng quang hóa, tức là cần ánh sáng mặt trời, tức là mùa hè nồng độ Ozon sẽ cao hơn mùa đông. Nhưng, mùa đông số ca nhập viện vì bệnh phổi lại cao hơn. 
Nhóm nghiên cứu của TS Đăng cũng tìm thấy sự liên quan của bụi PM2,5 với số ca nhập viên do nhiễm trùng đường hô hấp cấp dưới ở trẻ em tại TP.HCM. Với tác động của bụi PM2,5 trẻ em nam có nguy cơ nhập viện cao hơn trẻ em nữ, đặc biệt trẻ từ 1-2 tuổi có nguy cơ cao hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.