Ở Đức, tùy từng vùng mà dịch có những mức độ ảnh hưởng khác nhau lên đời sống của người dân. Cộng đồng người Việt tại đây cho biết dù đang thực hiện lệnh đóng cửa, giãn cách xã hội nhưng người dân Đức bắt đầu ra ngoài nhiều hơn vì trời nắng tốt, một số trường đại học vẫn cho sinh viên đến trường.
Chị Nguyễn Vân (cư dân ở thành phố Jena, bang Thüringen) cho biết mặc dù khu vực chị sinh sống không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nhưng cuộc sống cũng đã có nhiều sự đảo lộn.
Chị nói: “Mình đang mang bầu, vì dịch bệnh nguy hiểm nên sếp cho mình nghỉ luôn ở nhà. Cũng may mắn vẫn được hưởng 100% lương nên kinh tế vẫn ổn. Ngoài ra, đi lại cũng khá bất tiện vì họ cắt chuyến phương tiện công cộng cả rồi. Ở Jena thị trưởng cũng đã ra chỉ thị bắt đeo khẩu trang nhưng không phải ai cũng nghe. Muốn vào siêu thị thì bắt buộc phải đeo, có người đứng giám sát".
"Mình định cư ở đây lâu rồi nên nhìn chung giờ vẫn ổn. Nhưng mình biết còn nhiều người Việt bên này đang điêu đứng, lo lắng, nhất là chủ các tiệm nail, hàng ăn và các bạn du học sinh", chị Vân kể.
|
Du học sinh rối bời
Đúng với chia sẻ của chị Vân, các du học sinh người Việt tại có nhiều nỗi lo hơn, họ mong mỏi dịch bệnh sẽ sớm qua đi để đỡ phải chật vật lo chi phí sinh hoạt mỗi ngày.
Bạn Anh Phú (sinh viên tại thành phố Düsseldorf) tâm sự: “Ban đầu, mọi thứ rối bời, mình còn chưa định hình sẽ phải làm gì tiếp theo. Đầu tiên nói về việc học hành, mọi kế hoạch mình vạch ra cho học kỳ này đều bị thay đổi vì nhà trường đóng cửa, lịch thi bị huỷ bỏ chưa có ngày thi lại chính thức. Việc mua sắm cũng trở nên rắc rối vì mình ở ký túc xá. Nhiều khi muốn đi một lần mua cho cả tuần cũng không được vì bọn mình không có chỗ để bảo quản thực phẩm tươi sống".
|
|
Anh Phú chia sẻ: “Ngoài đi học mình phải đi làm thêm để kiếm thu nhập trả tiền nhà và tiêu vặt. Bây giờ mọi cửa hàng đều đóng cửa, thế là mình thất nghiệp. Dịch bùng phát lại ngay lúc đến kỳ đóng thêm bao nhiêu chi phí tiền nhà, tiền học… nên thực sự rất chật vật".
Khổ nhất, Anh Phú đang bị dị ứng phấn hoa, muốn đặt lịch hẹn đi khám cũng rất khó vì tình hình dịch chỗ bạn ở rất phức tạp, bác sĩ không chịu nhận thêm bệnh nhân mới.
"Chỉ có trường hợp khẩn cấp mới được đến bệnh viện lúc này, mình đành chịu. Ban đầu bùng dịch, ba mẹ mình cũng bảo quay về nhưng mình nghĩ mình đang ở tâm dịch, về lại lỡ lây cho mọi người, rồi thêm gánh nặng nên thôi, mình chọn ở lại", Phú nói.
Ở Hamburg, bạn Uyển Nguyễn vẫn phải đến trường học mỗi ngày. Đến ngày 20.4 trường đại học của Uyển mới chính thức cho sinh viên học online tại nhà.
Uyển Nguyễn cho hay: “Hiện tại các cơ sở dịch vụ, trung tâm thương mại đã đóng hết nhưng trời đang nắng đẹp, người ta vẫn ra công viên đi dạo, tập thể dục. Bên này thực hiện giãn cách xã hội chỉ cần không tụ tập là được, chứ mọi người vẫn được ra ngoài khá tự do. Chính phủ đã bắt đầu kêu gọi đeo khẩu trang rồi mà vẫn còn nhiều tranh cãi lắm. Mình hơi lo một chút vì thực phẩm đang bắt đầu tăng giá rồi".
Bình luận (0)