Dịch Covid-19, người Việt ở Tây Ban Nha giữ hóa đơn siêu thị trình công an

13/04/2020 18:44 GMT+7

Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, người Việt ở Tây Ban Nha cho biết chỉ được ra ngoài khi mua nhu yếu phẩm cần thiết và đều phải giữ lại hóa đơn để trình cho công an, chứng minh đi ra ngoài hợp pháp.

Chị Nguyễn Thu H. - người Việt ở Tây Ban Nha cho biết những ngày này, dịch bệnh Covid-19 ở “xứ sở của những chú tót” diễn biến rất phức tạp, người dân đã biết sợ và gần như tuân thủ tuyệt đối theo yêu cầu của nhà chức trách, nhất là việc nhà nào ở yên nhà nấy.

Mua bán đều phải giữ hóa đơn

Chị H. (26 tuổi) hiện đang học tiếng Tây Ban Nha ở trường Đại học Zaragoza cho rằng, dù đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng tín hiệu tích cực nhất với người dân nước sở tại hiện nay là những ca phục hồi đang tăng.
Vì dịch Covid-19 nên nhà chức trách nước này đã đưa ra một điều luật về những điều người dân phải làm và không được làm. Trong đó có yêu cầu phải ở trong nhà 15 ngày và chỉ ra ngoài khi đi mua lương thực, nhu yếu phẩm thật cần thiết. Và tất cả chuyện mua bán đều phải giữ lại hóa đơn để trình cho công an khi bị kiểm tra, chứng minh đi hợp pháp.

Kiến trúc ở TP mà chị H. đang sinh sống luôn chiếm trọn cảm tình của người dân và du khách

Ảnh: NVCC

“Nhà nước yêu cầu người dân ở đâu thì ở yên đó, không tụ tập ở nhà bạn bè, tất cả các trường học chuyển qua học và kiểm tra online. Mới đây nhất, lệnh phong tỏa được thông báo sẽ kéo dài đến 26.4 và đa số các công ty đều cho nghỉ làm, hoặc làm việc luân phiên để giãn số người cùng tập trung trong một thời điểm. Thậm chí, thẻ cư trú thông thường 1 năm phải gia hạn 1 lần thì nay cũng được tiếp tục có hiệu lực cho đến khi hết dịch”, chị H. thông tin.
Theo chị H., những ngày này đường phố rất vắng, chị cũng hạn chế ra ngoài, 1 tuần chỉ đi bộ từ nhà đến siêu thị để mua đồ ăn 1-2 lần. Dù đoạn đường ngắn nhưng chị luôn mang bao tay, khẩu trang và bịt kín, hạn chế tiếp xúc với bất kỳ ai.
Mỗi lần đi siêu thị chị thường phải đi thật sớm để xếp hàng. Các siêu thị ở đây luôn giới hạn số khách vào cùng một thời điểm để tránh tiếp xúc gần nên những người đến sau sẽ lần lượt xếp hàng, có 1 người khách ra thì 1 khách mới được vào.

Không có khẩu trang ‘chợ đen’

Theo quan sát của chị H., người Trung Quốc ở Tây Ban Nha rất đông nên từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, họ đã mua rất nhiều khẩu trang để gửi về nước. Ở thời điểm đó, người dân Tây Ban Nha vẫn còn rất vô tư, ai đeo khẩu trang ra đường đều bị mọi người tránh xa và nghĩ “chắc bị bệnh nên mới đeo”.

Người dân Tây Ban Nha được lệnh cấm ra đường, trừ khi đi mua đồ thật sự cần thiết và phải giữ lại hóa đơn

Ảnh: NVCC

Thậm chí, ngày 8.3, khi ở Tây Ban Nha đã có nhiều ca nhiễm, người dân ở TP mà chị H. ở vẫn còn đi biểu tình thường niên, vừa đi vừa hô hào, đi sát nhau và không ai đeo khẩu trang.
Đến khi dịch bùng phát, người dân đi tìm mua khẩu trang rất khó khăn. Siêu thị, cửa hàng ở đâu cũng báo hết khẩu trang. H. đã chứng kiến nhiều người bạn của mình gom mua giấy vệ sinh, nước rửa tay, tất cả các loại giấy. Ban đầu, H. chưa hiểu họ mua giấy để làm gì, nhưng sau thì cô hiểu họ mua theo bản năng sinh tồn.
“Nhiều người đã dùng vải, giấy để làm giấy khẩu trang. Khi các cửa hàng đều hết khẩu trang thì người dân chỉ có thể đặt mua trên Amazon với giá rất đắt và 1 tháng sau mới nhận được hàng. Ở đây tuyệt nhiên không có khẩu trang theo giá "chợ đen", rao bán online khắp nơi như ở Việt Nam . Các cửa hàng có khẩu trang được quyền tăng giá, nhưng tăng tới đúng mức mà nhà nước giới hạn”, H. cho biết.

Sống chậm ở 'xứ sở của những chú bò tót'

Ngày dịch vừa bùng phát ở Tây Ban Nha, chị H. liên tục được người nhà gọi điện thoại hối về, đó cũng là khoảng thời gian chị “đấu tranh nội tâm”. Chị nghĩ, về lỡ nhiễm bệnh ở sân bay rồi lây cho cả nhà thì sao, mà ở lại lỡ có nhiễm bệnh thì chết một mình nơi xa xứ thì sao… Hàng loạt câu hỏi cứ vậy hiện lên trong đầu nữ du học sinh.
Chị H. tâm sự: “Mình vẫn đang đau đầu nghĩ thì có lệnh phong tỏa, sân bay đóng cửa. Mình xem đó như là một sự quyết định giùm luôn. Mình bắt đầu vào chuỗi ngày sống chậm với các sinh hoạt cứ lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác”.

Đường phố không bóng người ở miền Nam Tây Ban Nha

Ảnh: Reuters

Chị H. kể, những ngày đầu vừa có lệnh ở nhà và chỉ được ra ngoài khi có việc thật cần thiết, cô cảm thấy chán nản vô cùng vì tối ngày chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ. Mỗi tuần khoảng 2 lần H. đi bộ ra siêu thị, đúng đoạn đường đó, gặp những người đó, cứ vậy lặp lại qua ngày.
Rồi H. tự thích nghi bằng cách thay đổi suy nghĩ, xem đây như một cơ hội để học sự kiên nhẫn, nấu ăn, học tiếng Tây Ban Nha và dành thời gian cho bản thân mình. Lâu lâu hơi ho hắng một tiếng, chị cũng rất lo sợ, nghĩ lại những ngày qua đã tiếp xúc với ai có nguy cơ… Nhưng may mắn, đến giờ chị vẫn đang rất ổn.
Chị H. bộc bạch: “Mỗi lần đi siêu thị về, mình lại tẩy trùng khẩu trang, phơi nắng rồi xài lại. Vì dịch, mình không đi làm nên mất đi phần thu nhập. Thay vào đó, mình và nhiều du học sinh người Việt khác đều học online ở nhà và đều báo về gia đình tình hình sức khỏe của mình để cả nhà bớt lo lắng. Mình đã quen với nhịp sống chậm ở đây, nhưng vẫn luôn chờ mong ngày được tự do ra đường hít thở không khí”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.