Người vợ suy thận 'trốn' vào Sài Gòn sống bất cần: Sinh tử đón thiên thần Khoai Lang

10/07/2020 12:08 GMT+7

Chị Bích nhìn đứa con 10 tuổi đang chơi đùa đã thoáng giật mình khi đã đi một chặng đường 20 năm qua sinh tử chiến đấu với căn bệnh suy thận để mới có thể trọn vẹn thiên chức của một người khát khao làm mẹ.

Chị Hoàng Ngọc Bích (quê Hà Nội, hiện sống ở TP.HCM) cùng chồng chiến đấu với căn bệnh suy thận. Được ghép thận nhưng khát khao làm mẹ vẫn bùng cháy trong chị nhưng bác sĩ sản khoa cảnh báo nếu mang thai nguy cơ mất mẹ, thai chết lưu, nặng hơn là mất cả mẹ lẫn con và có sống thì trở lại với việc chạy thận cả đời...

Bất ngờ đón thiên thần

Một ngày tháng 4.2010, chị Bích phát hiện những biểu hiện bất thiện bất thường trong cơ thể mới hay mình mang thai được 3 tháng. Hốt hoảng, lo lắng chị gọi điện bác sĩ (BS) Dư Thị Ngọc Thu (người điều trị thận cho chị) như một điểm tựa. BS đã phân tích những mối nguy cơ, song vợ chồng chị nắm tay nhau bày tỏ nguyện vọng giữ lại đứa bé.
GS Trần Ngọc Sinh lúc đó là Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã nhờ GS Nguyễn Duy Tài ở BV Hùng Vương (một trong những chuyên gia về sản khoa tại TP.HCM) thăm khám và thảo luận về kế hoạch theo dõi và giữ sao cho mẹ con an toàn đến lúc sinh.

CLIP: Khoảnh khắc bé Khoai Lang chào đời ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Cuộc hội ngộ lại vị giáo sư, chị Bích bị la một trận: “Em không chịu nghe lời tôi, em cố tình mang thai để đưa chúng tôi vào thế khó này đúng không?”.
Bài toán đặt ra vô cùng nan giải, BS theo dõi sau ghép thận có trách nhiệm phải bảo vệ mẹ an toàn cùng với chức năng thận ghép (lúc này chị đã suy thận ghép ở giai đoạn 2); phải thay đổi và chỉnh liều thuốc ức chế miễn dịch sao cho không ảnh hưởng đến thai nhi và không bị thải ghép thận. Bác sĩ sản khoa có trách nhiệm theo dõi thai và chấm dứt thai kỳ chủ động ở mức an toàn tối đa cho cả mẹ lẫn con. Trong trường hợp nếu đe dọa tính mạng mẹ thì sẽ phải chấp nhận hy sinh con.

Cô bé Khoai Lang gặp lại vị bác sĩ đã hỗ trợ cho mẹ con bé vượt cạn thành công tại BV Chợ Rẫy

ẢNH: NVCC

Thai kỳ đến tuần thứ 29, chị bị phù nhiều, theo dõi tiền sản giật, GS Tài yêu cầu chị nhập viện tại BV Hùng Vương theo dõi. Nhưng do huyết áp cao, dao động và đây là trường hợp thai kỳ trên người bệnh ghép thận nên các chuyên gia đã lên kế hoạch theo dõi với sự phối hợp chặt chẽ giữa BV Chợ Rẫy và BV Hùng Vương. Sản phụ sẽ được đưa về BV Chợ Rẫy theo dõi (có hướng dẫn cách theo dõi thai nhi), tổ chức mổ lấy thai tại đây (kíp mổ do GS Tài phụ trách). Mục tiêu điều trị là cố gắng kéo dài tuổi thai trong bụng mẹ vượt qua tuần thứ 30 để tỉ lệ bé sinh ra có khả năng sống được cao hơn.
BS đã yêu cầu chị Bích mua một máy theo dõi tim thai, mỗi ngày ghi nhật ký tim thai và huyết áp của mẹ được theo dõi chặt chẽ báo cáo lại BS điều trị để sẵn sàng phương án mổ ngay lập tức khi có chỉ định.

Chị Bích bất ngờ đón thiên thần nhỏ Khoai Lang và đó là niềm an ủi vô bờ bến đối với người mẹ phải chiến đấu với căn bệnh nguy hiểm

ẢNH: NVCC

Kế hoạch đón bé ra đời gồm một ê-kíp hàng đầu về tiết niệu, theo dõi sau ghép, phòng mổ, phòng hồi sức, sản khoa, sơ sinh được chuẩn bị chu đáo: Phòng mổ, phòng hồi sức sản phụ chuẩn bị theo tiêu chuẩn dành cho người suy giảm miễn dịch. Bé sơ sinh được nuôi trong lòng ấp tại khoa Sơ sinh BV Hùng Vương cũng theo chế độ vô trùng dành cho người suy giảm miễn dịch (vì thuốc UCMD có thể từ mẹ sang bé, do đó bé sẽ không được nuôi bằng sũa mẹ). Đồng thời bé sẽ được đánh giá nguy cơ ngay sau sinh tại bàn sinh bởi chuyên gia sơ sinh của Bệnh viện Hùng Vương (BS Bùi Thị Thủy Tiên) và BV Nhi đồng 1 (TS.BS Cam Thị Ngọc Phượng).
Ngày 3.8.2010, thai ở tuần thứ 31, lúc này nguy hiểm cho mẹ tăng cao, nhưng tiên lượng con sinh ra có thể sống được nên bác sĩ đã quyết định chấm dứt thai kỳ. Sau khi bác sĩ thực hiện nhát dao rạch bụng đầu tiên, túi thai lộ dần, bác sĩ chọc ối và một em bé sơ sinh oe oe tiếng khóc chào đời. Bé gái sinh non tháng, đỏ hỏn, nhanh chóng được cắt giây rốn ủ ấp và chuyển ngay về Khoa Sơ sinh BV Hùng Vương tiến hành nuôi lồng ấp. Cô bé được đặt nickname là “Khoai Lang”.

Nhường quả thận cho người khác để có thời gian bên con

Bé Khoai Lang chào đời kỳ diệu nhờ công sức của tập thể y BS và ý chí của người mẹ. Song, bé sinh non nhỏ ký, nguy cơ viêm phổi và khó lòng sống khi không được nuôi bằng sữa mẹ. Bé được nuôi lồng ấp tại Khoa Sơ sinh (BV Hùng Vương).
Bằng nỗ lực miệt mài suốt 2 tháng, Khoai Lang từ cô bé chuột túi nặng 1,25kg đã tăng lên 1,7kg và cải thiện tình trạng viêm phổi, cai thở máy và được trở về nhà.
Con sinh nhưng đến một tuần sau chị Bích mới được nhìn thấy con qua tấm hình chồng chị chụp lén. Ngày nào chị cũng gặn hỏi chồng: “Hôm nay con thế nào anh?”. Chị Bích dằn vặt bản thân rất nhiều khi nhìn thấy con nhiều lúc thoi thóp với những mớ dây chằng chịt gắn vào người.

Món quà quý giá nhất mà chị Bích có được là bé Khoai Lang

ẢNH: NVCC

Thật đứt ruột, chỉ vì lòng tham bản thân mà sinh con ra làm gì mà nhìn nó chút xíu, chưa biết gì phải chiến đấu mỗi ngày”, chị Bích không thể quên giây phút đầu tiên gặp con.
Thật may mắn cho vợ chồng chị, Khoai Lang đã khỏe mạnh từ lúc xuất viện trở về. Đã 10 năm trôi qua, cô bé Khoai Lang chút xíu giờ đã vào lớp 4, lớn như thổi và chạy nhảy khắp nơi. Chị Bích không còn niềm hạnh phúc nào bằng khi nhớ về những quyết định ngày ấy.
“Đừng bảo mình hy sinh hay làm điều gì đó để sinh con ra, mà đó là lựa chọn bản thân. Nhiều người bảo mình người mẹ hy sinh cao cả, song mình từ chối quan điểm này. Bởi, không ai lại muốn làm bằng được chuyện mình thích mà gọi là hy sinh cả. Mình chỉ là một phụ nữ bình thường và khát khao được làm mẹ bình thường”, chị Bích mong phóng viên đừng phác họa chị như vậy.
Năm 2012, Chị Bích được gọi vào BV Chợ Rẫy thêm một lần nữa, lúc này sau khi sinh con, chị buộc phải chạy thận trở lại. Một người vô danh hiến tặng một quả thận trước lúc qua đời, chị Bích có chỉ số hòa hợp nhất. Chị là lá phiếu ưu tiên số 1, vậy mà sau một hồi suy nghĩ chị xin nhường món quà này cho người khác.
Hỏi chị tại sao bỏ qua một cơ hội quý hơn vàng, chị Bích đáp: “Đó là lựa chọn vì con, mình sinh con ra phải có thời gian chăm sóc, Khoai Lang mới 2 tuổi, bé cần mẹ. Nếu tôi ghép thận, tôi sẽ phải đối mặt việc không phải ẵm con, chăm sóc con để lo cho sức khỏe của riêng mình. Tôi thấy mình không làm được, tôi lựa chọn được làm mẹ thật sự. Đó là lựa chọn nhé, bạn đừng viết rằng như thể hy sinh”, chị Bích nói.
Sau những gì trải qua, những đoạn đời có phần thắt ngặt, chị Bích thấy mình hưởng hết may mắn, hạnh phúc của cuộc đời này. 20 năm ròng rã cùng căn bệnh suy thận đã cho chị một cuộc sống đầy sắc màu. Thời trẻ tưởng chừng cuộc đời chấm hết, vậy mà giờ nhìn lại, chị thấy đời mình vẫn còn viết tiếp những chương mới khác, đầy hy vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.