'Nhà của tôi mà đồng hồ điện lại chuyển sang tên khác'

Thanh Đông
Thanh Đông
17/05/2018 08:36 GMT+7

Bà Tuyền bức xúc: 'Vì sao nhà của tôi mà đồng hồ điện lại được chuyển sang tên bà T.T.L mà tôi không hề hay biết?...'

Bà Phan Thị Thanh Tuyền mua nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ, P.10, Q.4, TP.HCM từ năm 2002 và được cấp giấy chủ quyền. Sau khi mua nhà, bà Tuyền vẫn để tên trên điện kế là chủ cũ, ông Mai Sỹ Liên, sử dụng điện ổn định từ đó đến nay. Năm 2017, nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ bị tranh chấp dân sự. Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.4 bán đấu giá ngôi nhà này cho bà T.T.L...
Tuy vậy, đến nay nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ vẫn do bà Tuyền quản lý, sử dụng, chưa bàn giao. Trong lúc bà Tuyền đang khiếu nại việc bán đấu giá nhà của bà đến cơ quan chức năng thì bất ngờ, ngày 20.4.2018, bà Tuyền nhận thông báo tiền điện tháng 3 của nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ nhưng với tên khách hàng là bà T.T.L.
Bà Tuyền bức xúc: “Vì sao nhà của tôi mà đồng hồ điện lại được chuyển sang tên bà T.T.L mà tôi không hề hay biết? Trước khi chuyển tên cho bà L., Điện lực Tân Thuận (ĐLTT) có xuống tận nhà xác minh và ghi nhận tôi đang sử dụng nhà. Vậy căn cứ vào đâu mà ĐLTT lại chuyển tên sang cho bà L.? Có phải ĐLTT đang tiếp tay cho bà L. để chứng minh bà L. đang là chủ sở hữu căn nhà này?”.
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Đỗ Trọng Nghĩa - Phó phòng Tổ chức ĐLTT, cho biết: “Việc sang tên từ ông Mai Sỹ Liên ở nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ sang bà T.T.L căn cứ vào hợp đồng mua đấu giá nhà giữa bà T.T.L và Chi cục THADS Q.4 cùng các giấy tờ có liên quan. Việc chuyển tên trên điện kế chỉ là chuyển tên trên hợp đồng mua bán điện giữa ĐLTT và người sử dụng chứ không can thiệp vào quyền sở hữu đối với nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ”.
Theo luật gia Hồ Đặng Lâu, Phó giám đốc Công ty luật Đà Giang (Q.11, TP.HCM), căn cứ theo các quy định hiện hành thì bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực.
“Trong trường hợp này, bà L. chưa sang tên trên giấy chủ quyền đối với nhà 320/80 Đoàn Văn Bơ, chưa tiến hành bàn giao nhà. Do đó, hợp đồng mua bán điện giữa ĐLTT với bà L. là vô hiệu. Trong tình huống này, ĐLTT đang mắc kẹt vào tranh chấp giữa bà L. và bà Tuyền. Đó là điều không nên, cần phải đưa ra phương án tháo gỡ, tránh trường hợp bà L. dựa vào hợp đồng mua bán điện rồi yêu cầu điện lực cắt điện không cho bà Tuyền sử dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyền”, luật gia Lâu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.