Nhà vô địch thế giới ném lao dệt chuyện tình cổ tích 1 mét với nàng hát rong

Hoài Nhân
Hoài Nhân
08/12/2019 13:06 GMT+7

Chàng là vận động viên đoạt HCV ném lao Giải điền kinh Grand Prix người khuyết tật thế giới , nàng là ca sĩ hát rong giọng ngọt lịm. Cặp đôi "tí hon" đã viết nên chuyện tình cổ tích "1 mét" với những đứa con kháu khỉnh.

Lùn nhưng ai cũng phải "ngước nhìn"

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bình Định, anh Trần Văn Nguyên (29 tuổi) trông vẫn bụ bẫm như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác. Bố mẹ anh chẳng ai để ý, không biết anh bị dị tật bẩm sinh ở tuyến yên và họ không nhận ra sự bất thường ở đôi tay, đôi chân "tí hon" không phát triển.
“Cho đến một ngày về ngoại chơi, ngoại ẵm mình đến cạnh con của mấy dì trong nhà, mới phát hiện sao cơ thể mình mọi thứ đều có vẻ ngắn hơn mấy anh em khác. Thế rồi càng lớn dần, càng thấy mình ngắn thật”, anh Nguyên kể lại, giọng dứt khoát, như đã quen với câu chuyện đời mình.
Ngày tháng dần trôi, khi bạn bè trong xóm “nhổ giò”, “trổ mã”, anh Nguyên vẫn như một đứa trẻ mãi không chịu lớn. Anh thấp hơn bè bạn 1 cái đầu, rồi dần 2 cái đầu, 3 cái đầu,… và nhận sự dè bỉu, trêu chọc của nhiều người.

Trưởng thành, anh Nguyên chỉ cao 1,27 mét. Trước khi vực mình dậy và trở thành vận động đông khuyết tật vô địch châu Á, anh từng phải sống trong chuỗi ngày mặc cảm, tự ti về số phận

HOÀI NHÂN

Anh mang về vô số giải thưởng cá nhân và thành tích đáng tự hào cho thể thao nước nhà

HOÀI NHÂN

“Còn bé, bạn bè ghẹo, chỉ tức rồi thôi. Nhưng càng lớn, càng biết nhận thức, lại càng thấy mặc cảm… Một việc đơn giản, nhỏ nhặt, mình cũng làm không được. Ngày nào cũng dằn vặt, tại sao ông Trời lại cho mình thiệt thòi quá lớn như vậy? Nhà có 4 anh chị em, cũng có ai bị đâu…”, anh Nguyên tâm sự.
Anh vẫn còn nhớ hoài những năm học cấp ba, từ nhà đến trường thì phải lội ngang con rạch. Bởi nếu đi đường vòng thì phải mất mười mấy cây số. Lựa khúc nông nhất, bạn bè anh lần lượt xắn cao quần, dễ dàng đi qua. Còn anh, có xắn cỡ nào cũng ướt loi ngoi. Thế nên, những người bạn thân ngày nào cũng thay nhau cõng anh.
Thời gian khiến anh Nguyên dần quen với cuộc sống luôn phải… ngước nhìn đời. “Ngày qua ngày, mình biết không thể mãi bi quan về bản thân được nữa. Ông Trời không cho mình lựa chọn hình hài trọn vẹn, nhưng mình có quyền lựa chọn một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân”, anh quyết tâm.

Vợ chồng anh Nguyên phải dùng gậy để bật công tác đèn, bắc ghế để đứng nấu ăn trên bếp,...  trong căn trọ nhỏ

HOÀI NHÂN

Anh đang tất bật tập luyện để chuẩn bị cho Asean Para Games diễn ra vào năm tới

NVCC

Hoàn thành cấp ba, rồi theo học cao đẳng về điện, anh Nguyên tìm được công việc ổn định trong một công ty điện ở TP.HCM. Nhưng cuộc đời anh chỉ thực sự lật sang một trang mới khi bước chân vào con đường làm… vận động viên.
“Khi đi làm, mình tình cờ quen một chị kia, cũng là vận động viên khuyết tật. Chị ấy đã giới thiệu mình vào nghề. Thấy chị ấy con gái còn làm được, không lý nào mình lại không. Mình miệt mài tập luyện các môn phóng lao, ném đĩa,… và dần cảm thấy yêu thích những bộ môn này”, anh kể.
Chẳng lâu sau khi bộc lộ năng khiếu thể thao, năm 2017, lần đầu tiên anh vinh dự trở thành vận động viên của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017 (Asean Para Games 9). Không những thế, anh còn đoạt đến 2 HCV ở nội dung ném lao, đẩy tạ, mang vinh quang về cho nước nhà.
Kể từ đó, "chú lùn" Trần Văn Nguyên chinh chiến khắp các đấu trường thể thao trong, ngoài nước và châu lục, giành rất nhiều giải thưởng, huy chương. Dù tí hon nhưng khiến ai cũng phải “ngước nhìn”!

Gia đình "tí hon" hạnh phúc

Khá khó khăn để gặp anh Nguyên khi anh đang tất bật tập huấn cho Asean Para Games tiếp theo. Mãi cho đến một chiều cuối tuần, tôi mới hẹn được anh trong căn trọ nhỏ xíu ở huyện Củ Chi (TP.HCM), nghe chuyện tình cổ tích của cặp vợ chồng “tí hon”.
Chưa dựng xe vào cửa, tôi đã nghe văng vẳng tiếng hát ru con ngọt lịm trong căn trọ. Anh Nguyên cười bẽn lẽn: “Ngày xưa chết mê chết mệt cũng chỉ tại lời ca, tiếng hát”.
Chị Hoàng Thị Đông (34 tuổi) vốn là một cô ca sĩ hát rong đường phố và các sân khấu nhỏ với giọng ca trời phú. Anh gặp chị khi cả hai vào làm trong công ty điện cùng nhau. Chiều cao chị cũng chẳng… kém cạnh gì anh, chỉ vỏn vẹn 1 mét. Anh nhìn chị, rồi thương, sau vài bữa đi chơi chung với bạn bè thì đánh liều rủ chị... hẹn hò!
“Tự nhiên không mấy thân, lại rủ mình đi chơi riêng. Nỗi tự ti theo mình từ nhỏ, nên nghĩ chẳng có ai thật lòng với mình cả. Nhưng vài lần đi chơi, nói chuyện, tự nhiên thấy khác. Ảnh chân thành, cho mình cảm giác an toàn. Tìm hiểu suốt một năm, tụi mình quyết định lấy nhau”, chị Đông cười, nhớ lại.

Nhiều chị em trong gia đình chị Đông cũng có chiều cao 1 mét. May mắn, vợ chồng chị sinh được cô con gái đầu lòng (thứ ba từ trái sang) có chiều cao phát triển bình thường

HOÀI NHÂN

Con trai của vợ chồng anh có dấu hiệu lùn bẩm sinh như bố mẹ...

HOÀI NHÂN

Nhưng anh Nguyên lạc quan kỳ vọng sẽ huấn luyện con trở thành vận động viên vô địch vượt mặt cha

HOÀI NHÂN

Bạn bè ủng hộ, gia đình chị Đông ủng hộ, chỉ mỗi bố mẹ anh Nguyên là không. Ông bảo anh “mày đã thế này, còn lấy vợ như thế, rồi sống làm sao, con cái làm sao?”. Anh cố thuyết phục bố nhưng không được, đành tự bảo vệ hạnh phúc của mình. Hai người chỉ đi đăng ký kết hôn, không có đám cưới…
“Mãi cho đến khi mình sinh con trai mới đây, bố mình mới chấp nhận, vào Sài Gòn cúng thôi nôi cho bé. Ông bảo, “thôi, dù gì cũng là con cháu trong nhà, tụi bây lo mà cưới”. Tụi mình mừng lắm, nhưng vì vận động viên phải đi xa tập huấn liên tục, nên đám cưới vẫn còn là mơ ước”, anh Nguyên bộc bạch.
Kỳ diệu thay, con gái đầu của vợ chồng anh Nguyên lại cao ráo bình thường. Còn cậu con trai mới sinh có dấu hiệu giống như cha… Nhưng với vợ chồng anh Nguyên, đó không phải là điều đáng buồn nữa.
“Mình dự tính cả rồi, sẽ huấn luyện bé đi theo con đường của cha, và nhất định phải giỏi gấp đôi cha! Cha mẹ nó đã sống được, thì nó cũng sẽ mạnh mẽ y như thế”, anh Nguyên tâm sự.

Thu nhập từ nghề vận động viên khuyết tật chẳng đủ trang trải. Chị Đông phải vừa ở nhà trông con nhỏ, vừa bán hàng online

HOÀI NHÂN

Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng "tí hon"

HOÀI NHÂN

- 2 HCV ném lao, đẩy tạ tại Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á năm 2017 (Asean Para Games 9).
- 2 HCĐ ném lao, đẩy tạ tại Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á năm 2018 (Asian Para Games 10).
- HCV ném lao Giải điền kinh Grand Prix người khuyết tật thế giới 2019 (World Para Athletics Grand Prix).
- 2 HCV ném lao, đẩy tạ, 1 HCĐ ném đĩa giải vô địch Điền kinh người khuyết tật toàn quốc năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.