Nhớ đời những cuốc quá giang vào hiện trường sạt lở tang thương do bão lũ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
03/01/2021 10:11 GMT+7

Có phương tiện để vào, ra hiện trường các vụ sạt lở tại miền Trung là điều hết sức quý giá trong bối cảnh đường sá tan hoang. Cũng bởi tình cảnh đó mà tôi đã có những cuốc quá giang “nhớ đời”…

Nhiệm vụ đặc biệt

Từ hiện trường vụ sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (H.Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) khiến 30 người chết và mất tích, tôi nhận điện thoại của thủ trưởng, nghẹn ngào: “Tại Hướng Hóa, Quảng Trị thêm vụ sạt lở 22 chiến sĩ, cán bộ Đoàn 337 hy sinh rồi em ơi…”.
Tôi xin được chi viện ngay cho địa bàn Quảng Trị mặc dù biết PV Nguyễn Phúc thường trú tại tỉnh này là một “lính thiện chiến”. Tôi tạm khép lại công việc tại thủy điện Rào Trăng 3, vội vàng chạy ra Quảng Trị thì thủ trưởng của tôi bật khóc qua điện thoại, báo tin PV Nguyễn Phúc hút chết do núi lở khi cách hiện trường vài km.

PV Nguyễn Phúc (bìa trái) thất thần sau lần hút chết vào hiện trường vụ sạt lở tại Đoàn 337. Anh đang được đồng nghiệp động viên khi không thể tiếp tục vào hiện trường

Ảnh: Hoàng Sơn

Lúc này, mọi việc đưa tin không còn quan trọng nữa mà làm sao để “bảo toàn lực lượng”. Và tôi nhận nhiệm vụ đặc biệt khác. Thay vì phải tiếp cận hiện trường thì chuyển hướng để động viên PV Nguyễn Phúc đang thất thần vì thần chết “vồ hụt”.
Tôi gặp lại người đồng nghiệp của mình đang anh co ro trên chiếc giường, trong khách sạn nhỏ ở TT.Khe Sanh (Hướng Hóa).
Mặt anh cắt không ra một giọt máu, giọng thều thào: “Đừng vào trong đó nữa…”. Sau một hồi giúp anh trấn tĩnh, thậm chí là pha trò để anh quên đi cảm giác suýt chết vừa trải qua, tôi nói như xin anh: “Cho em vào lại trong đó, anh lùi thì phải có em tiến”.
Nắm rõ tình hình trong hiện trường thế nào, PV Nguyễn Phúc liền can ngăn tôi. Xin thêm vài lần như thế nữa, có lẽ hiểu được tính cách của tôi nên anh Phúc chỉ dặn: “Chỗ nào không đi được nữa thì quay về…”. Lãnh đạo văn phòng cũng hết lời dặn dò khi biết tôi quyết định vào hiện trường…
Dọc đường đi, cảnh tượng núi rừng tan hoang hiện ra trước mắt. Những vách núi khổng lồ đổ xuống, đường sá bị nước lũ xé tan tành. Chỉ cần sơ sẩy một chút thôi thì cả xe lẫn người sẽ mất hút dưới những đất đá kia.
Cuốc quá giang đầu tiên để đến là trên gàu xe xúc. Sau khi ô tô dừng trước điểm sạt lở, tôi đã xin các công nhân cho mình ngồi trên gàu máy để trung chuyển qua đoạn đường này. Tiếp tục cuốc bộ khoảng 2 km, tôi đến được Sở chỉ huy tiền phương vào đầu giờ chiều 18.10.
Trong đời tác nghiệp của mình tôi nhiều lần "gặp may" và lần này cũng như thế. Bởi suy nghĩ PV Nguyễn Phúc không đủ tâm lý để “chiến đấu” nữa thì “lính chi viện” như tôi sẽ mang thông tin gì cho bạn đọc.
Và ở Sở chỉ huy tiền phương tôi đã gặp và ghi nhận hầu hết ý kiến các lãnh đạo từ Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và UBND tỉnh Quảng Trị đang cấp tập chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.

PV Hoàng Sơn "quá giang" trên xe xúc lật để vào hiện trường vụ sạt lở Đoàn 337

Ảnh: Hoàng Sơn

Trời nhá nhem tối, tôi phải trở lại điểm dừng ban đầu để lấy thiết bị, pin dữ phòng. Và cuốc qua giang thứ 2 là trên nóc máy xúc lật. Đường sá tuy đã tạm thông nhưng không phải xe nào cũng có thể đi qua.
Trên nóc xe, anh tài xế cứ dặn đi dặn lại là phải bám chặt vì đường xóc, nếu không may trượt tay sẽ khó bảo toàn tính mạng. Phía trước một chiếc xe tải chở quan tài cũng đang trở ra sau vì không thể vào hiện trường.
Đi một đoạn chiếc máy xúc lật này phải dừng để làm nhiệm vụ thông đường. Tôi lại xin quá giang trên một chiếc xe tải chở đá và chạy bộ thêm 1 km mới lấy được tư trang của mình…

Nín thở trong thùng xe tải

Tôi trở lại Sở chỉ huy tiền phương khi trời nhá nhem tối. Cuốc quá giang lần này có “xịn” hơn là vì được đi trên xe ô tô 7 chỗ. Khi vừa bước chân lên xe, tôi thấy những ánh mắt đỏ hoe. Những tiếng khóc rấm rứt đầy ám ảnh.
Họ là những người thân của cán bộ, chiến sĩ từ TP.Đông Hà tìm lên hiện trường để nghe tin về chồng, con đang mất tích trong vụ sạt lở.

Chiếc xe chở quan tài (không có thi thể) chưa tiếp cận được hiện trường đã phải rời đi vẫn khiến nhiều người ám ảnh

Ảnh: Hoàng Sơn

Qua câu chuyện, tôi nhận ra có một phụ nữ đã rất lâu chưa gặp lại chồng vì anh bận công tác… Anh có hứa sớm về thăm chị và con qua điện thoại cách đó vài hôm. Nhưng rồi mọi thứ đều dang dở…
Dù trời mưa rất lớn và cách hiện trường khoảng 2 km đi bộ, bùn ngập ngang lưng nhưng cả đoàn quyết tâm phải đi vào đến đơn vị của anh.
20 giờ, trong căn nhà sàn, các tướng tá thuộc Bộ Quốc phòng đang họp kín để bàn kế hoạch cứu nạn trong đêm. Các đoàn xe được lệnh rút khỏi nhằm giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy đến do đồi núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Sau những cuốc "quá giang", PV Hoàng Sơn đã tiếp cận được Sở chỉ huy tiền phương cứu nạn trong vụ sạt lở Đoàn 337

Ảnh: Hoàng Sơn

Đến khi nhấn nút gửi bài về tòa soạn cũng là lúc chiếc bụng rỗng sau bữa sáng vội vã réo lên. Lúc này đã 22 giờ đêm. Tôi cùng 3 đồng nghiệp ra sau lán trại để xin cơm nguội của các anh lính công binh. May thay bữa ăn tối lở dở của Sở chỉ huy trước đó vẫn còn ít thức ăn.
Lúc này, nhóm bộ đội công binh cũng yêu cầu khẩn trường rút đi. Chúng tôi lùa vội miếng cơm rồi nhảy lên thùng xe tải để kịp ra khỏi hiện trường.
Khỏi phải nói đến độ xóc khi đứng trong thùng xe tải. Chiếc xe khổ sở nhiều lần gầm rú để băng qua những vũng lầy. Có những đoạn sạt lở khiến chiếc xe nghiêng đến 30-35 độ. Chúng tôi ai cũng thót tim.

Chỉ có những phương tiện chuyên dụng mới có thể di chuyển qua những điểm sạt lở khi tuyến đường chưa được nối lại

Ảnh: Hoàng Sơn

Tai ương đã liên tiếp xảy ra trên dải đất miền Trung, bụng nghĩ dại có khi nào chiếc xe đổ nhào xuống thì chuyện gì sẽ xảy đến. Không riêng gì chúng tôi, mà những anh lính công binh trẻ tuổi cũng không ai nói với ai lời nào.
Có lẽ họ họ cũng cảm nhận được sự nguy hiểm mà không ai dám nói ra. Đoạn đường dài chừng 20 km như dài hơn bởi những cú “trở mình” nghiêng trái rồi lại nghiêng phải. Nữ đồng nghiệp đi cùng mặt tái lét.
Tôi trấn an, cố kế những chuyện vui để cô gái 23 tuổi quên đi những gì mà cô lần đầu phải trải qua. Ì ạch mãi gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi về đến TT.Khe Sanh lúc chuẩn bị qua ngày mới. Cô gái lúc này mới mỉm cười: “Chưa bao giờ em có cảm giác sợ chết như ở trên thùng xe…”.
Cảm giác đối mặt với cái chết cận kề thật không dễ dàng gì. Nhưng có những lúc “say máu” tác nghiệp, không phải khi nào cũng có cơ hội để chọn lựa điều an toàn hơn.

PV Hoàng Sơn cùng PV Huy Đạt vào hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng (Nam Trà My) trong thùng xe bán tải

Ảnh: Hoàng Sơn

Như lần chúng tôi vào hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) vào ngày 30.10.2020. Khi chiếc ô tô con di chuyển đến cách hiện trưởng khoảng 50 km vì gầm quá thấp nên chúng tôi phải để lại ven đường.
Đứng trước điểm sạt lở, tuyệt nhiên không có chiếc xe nào còn chỗ để xin quá giang. Tôi để ý thấy một chiếc bán tải tuy kín người nhưng thùng sau không chở hàng hóa gì. Anh lái xe nói: “Nếu không ngại thì anh cứ lên thùng xe”.
Tôi mừng ra mặt: “Lúc này có xe có thể vào được là quý lắm rồi”. Tôi ném ba lô lên thùng xe rồi cùng PV Huy Đạt, Độc Lập “xếp lớp” sau thùng bán tải.
Chiếc xe nhiều lần loạng choạng vì lội bùn. Bên ta luy dương đất đá vẫn lăn xuống đường. Ta luy âm sạt lở kinh hoàng. Nhiều đoạn sạt lở khoét hàm ếch sâu vào bên trong mặt đường.

PV Hoàng Sơn đã kịp thời có mặt và trao tiền hỗ trợ của bạn đọc cho các trường hợp có người chết trong vụ sạt lở ở Trà Leng

Ảnh: S.X

Tài xế phải bấm chân ga đi vào những đống đá lớn để tránh. Có đoạn xe bật tung lên, chúng tôi bám lấy vai nhau. Không ai nói với nhau một câu nào.
Cơn buồn nôn vì say xe thoáng qua nhưng nó ngay lập tức bị lấn át bởi cảm xúc lo lắng, bất an. Bởi hiểm nguy đang chực chờ dưới từng vòng lăn bánh xe.
Chỉ đến khi chiếc xe dừng lại trước điểm trường tiểu học nóc Ông Lục, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 500 m, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn nhau rồi cứ thế lao vào tác nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.