Nhóm chở người bị rắn hổ mang chúa cắn đi cấp cứu: 'Cũng sợ rắn cắn chết mình’

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
28/08/2020 09:45 GMT+7

Bất chấp việc bản thân có thể gặp nguy hiểm, thậm chí có thể bị rắn cắn và rơi vào hoàn cảnh như anh T., nhóm của chị Gấm và anh Thắng vẫn quyết chở anh T. đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu kịp thời.

“Sợ anh T. xỉu, con rắn xổng ra cắn thì tôi... cũng chết”

Bên cạnh câu chuyện người đàn ông bị rắn hổ mang chúa cắn đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), dư luận còn quan tâm đến tài xế đã bất chấp nguy hiểm chở nạn nhân quãng đường từ rừng đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (Tây Ninh) để cấp cứu.

Cận cảnh 2 dấu răng to của rắn hổ mang chúa đã cắn người đàn ông

Nhóm người giúp đỡ anh T. đến bệnh viện là nhóm của chị Trần Hồng Gấm (38 tuổi, ngụ Long An). Hôm xảy ra vụ việc, chị Gấm thuê xe du lịch loại xe 5 chỗ của anh Nguyễn Văn Then (thường được gọi là Thắng, 29 tuổi, ngụ Long An). Anh Thắng là tài xế, chị Gấm cùng 2 nhân viên khác ngồi ở ghế sau.
Đi được một đoạn đường, đến địa phận tỉnh Tây Ninh thì anh Thắng bị lạc đường rồi bắt gặp anh T. đứng ở mép đường với con rắn hổ mang chúa quấn quanh người.
“Ban đầu tôi tưởng là tai nạn, vì chạy lướt ngang không thấy. Lúc Thắng quay đầu xe lại thì tôi mới thấy. Lúc đó con rắn quấn một nửa thân người vào cổ của anh T. phần đuôi thì quấn lên một tay, tay còn lại anh T. nắm chặt lấy đầu con rắn. Lúc đó một bên bắp đùi của anh T. bị rắn cắn đã sưng phù lên, máu chảy xuống... được anh T. lấy khăn quấn lại”, chị Gấm kể lại.

Chiến đấu với Thần Chết, cứu người cầm rắn hổ mang chúa vào bệnh viện

Bước xuống xe, chị Gấm mới phát hiện con rắn lớn nên sợ hãi quay trở về xe đóng cửa lại, một lúc sau bình tĩnh hơn mới lại xuống xe. Lúc đó, chị Gấm đang gấp đi chùa nhưng cũng nán lại quan sát tình hình xem có ai chở anh T. đi bệnh viện không. Lúc đó trên đường có rất nhiều xe cộ qua lại và cũng có một vài người dừng xe xem có chuyện gì.
“Tôi nói một anh chạy xe khách chở anh T. đến bệnh viện nhưng người này từ chồi, tôi nói với một anh khác chạy xe máy người này cũng sợ hãi mà quay đầu xe chạy mất tiêu luôn”, chị Gấm nói. Lúc này anh T. tuyệt vọng vì không ai giúp đỡ liền van xin: “Cô ơi cô cứu tôi đi, chứ 30 phút là tôi chết”.
Ban đầu chị Gấm dự tính cho anh T. lên xe đi luôn nhưng nghĩ lại nên gọi 2 nhân viên khác đang ở trên xe xuống. Để một mình anh Thắng chở anh T. đến bệnh viện. Ba người xuống giữa đoạn đường rừng không có nhà cửa nên đi bộ một đoạn tìm quán cà phê ngồi đợi.

Anh Thắng là tài xế xe du lịch đã 6 - 7 năm và thường xuyên chở giúp các bệnh nhân hấp hối đến bệnh viện

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Anh Thắng cho biết đó là lần đầu tiên thấy rắn hổ mang chúa lớn như thế nên khá lo sợ.  “Sợ chứ, nhưng ban đầu thôi, lúc lái xe là không sợ gì nữa. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyện cứu người. Tôi cố gắng trò chuyện với anh T. suốt vì sợ anh ngất xỉu không ai giữ con rắn, nó xổng ra cắn thì tôi cũng chết. Nên là anh T. không nói gì tôi cũng bắt chuyện cho nói, cứ đến ngã tư là tôi lại bảo sắp đến bệnh viện rồi để anh T. giữ được tỉnh táo”, anh kể lại.
Quãng đường từ nơi phát hiện anh T. đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh dài khoảng 10km, anh Thắng mất khoảng 15 phút để đưa anh T. đi. Khi đến bệnh viện, liên hệ với chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (vợ anh T.), đợi chị Tuổi đến bệnh viện với chồng xong anh Thắng mới ra về.

Người đàn ông mang rắn hổ mang chúa vào bệnh viện đã tự thở tốt

Từng chở giúp nhiều bệnh nhân

Anh Thắng làm tài xế xe du lịch được 6 - 7 năm. Anh để tên trên trang cá nhân Facebook là Thắng nên những ai không biết thường gọi anh bằng tên này riết anh cũng quen luôn.
Anh Thắng ngụ H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Sau khi hôn nhân tan vỡ anh chuyển lên ở trọ tại tỉnh Long An và thường xuyên nhận chở khách đi du lịch các tỉnh lân cận. Anh Thắng tâm sự vì không có gia đình lại làm nghề tài xế nên anh ăn ngủ trên xe còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều khi về chưa kịp ăn uống tắm rửa lại có người gọi xe, thế là anh tiếp tục đi.
Ngoài nhận chở khách, anh Thắng còn nhận chở các bệnh nhân cần cấp cứu đến bệnh viện với “giờ nào cũng nhận, giá nào cũng nhận”. Anh kể lại nhiều lúc có cuộc gọi vào 1 - 2 giờ sáng, đang ngủ anh cũng dậy để chở bệnh nhân đến bệnh viện.

Anh Thắng cùng chiếc xe du lịch gắn bó với mình nhiều năm

Ảnh: NVCC

“Thường giờ đó gọi xe khó lắm nên nhiều người có số điện thoại mình người ta lưu lại để có việc cần người ta gọi. Mình thì sẵn sàng nếu có ai đang bệnh nặng hấp hối là đi ngay không chần chừ”, anh kể.
Sau khi trở về từ Tây Ninh, chị Gấm quyên góp tiền từ người quen, nhân viên công ty được 7.500.000 đồng, chị Gấm góp thêm 2.500.000 triệu đồng để được 10.000.000 đồng ủng hộ cho anh T. bị rắn cắn.
Ngày 25.8, chị Gấm cùng anh Thắng đến Bệnh viện Chợ Rẫy để trao tiền cho chị Tuổi và thăm anh T.

Chị Gấm cùng nhóm của mình giúp anh T. đến bệnh viện sau đó tiếp tục quyên góp hỗ trợ gia đình anh T.

ẢNH: NVCC

“Sau khi ra về tôi luôn theo dõi thông tin, tin tức về anh T., thấy gần đây báo đài đưa tin anh đã khỏe hơn, có thể giữ lại một chân, hoàn cảnh của anh cũng được nhiều người ủng hộ giúp đỡ thì tôi mừng lắm. Nghe về một người đàn ông vì đóng tiền học cho con mà liều mình như vậy thì ai mà trách cho được. Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến anh Thắng vì lúc đó bảo anh chở anh T. đến bệnh viện vì lỡ anh T. xỉu dọc đường rồi anh Thắng bị gì thì tôi cũng không biết làm sao. Nhưng lúc đó tôi không suy nghĩ nhiều như thế mà chỉ suy nghĩ đến việc phải cứu người”, chị Gấm bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.