Những bóng hồng quên ngày 20.10: Mẹ đơn thân chạy Grab nuôi 2 con đại học

Hoài Nhân
Hoài Nhân
20/10/2019 08:32 GMT+7

Hôn nhân tan vỡ, chị Lan Anh vừa phải làm mẹ, vừa phải làm cha để lo cho các con. Quên cả ngày 20.10, những chuyến xe chị vẫn tất tả ngược xuôi, chở trên đó cơm ăn áo mặc của cả một gia đình .

Chạy xe ôm nuôi 2 con đại học

Gặp chị Trần Thị Bạch Lan Anh (48 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khi chị vừa ăn vội hộp cơm trong một quán cà phê lề đường. Bữa trưa của chị bắt đầu lúc 2 giờ, bởi những đơn hàng hôm nay cứ nối tiếp nhau làm chị chẳng kịp nghỉ ngơi.

Một ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến tận 9 - 10 giờ đêm. Trừ mùng 1 – 3 Tết phải ở nhà cúng kiếng, còn lại lễ lộc gì chị cũng chạy, bởi nhu cầu khách hàng tăng cao, trong khi nhiều tài xế khác sẽ nghỉ ngơi hoặc về quê

HOÀI NHÂN

Một ngày của người mẹ đơn thân bắt đầu từ tận 5 giờ sáng. Sau khi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chị ra đường chạy cuốc xe đầu tiên chở khách hoặc chở hàng. Đến trưa, khi nhu cầu ăn uống tăng cao, chị chuyển sang giao thức ăn. Có hôm chẳng kịp nghỉ trưa, những cuốc xe miệt mài đến tận 9 – 10 giờ đêm mới về.
“Ngày nào cũng chạy 15 - 16 tiếng, riết quen rồi. Còn có một mình, phải cố gắng thôi…”, chị Lan Anh hạ giọng khi nhắc về biến cố gia đình cách đây 5 năm. Hôn nhân tan vỡ, các con chọn theo mẹ. Bắt đầu hành trình đơn thân, chị phải học cách mạnh mẽ để gồng gánh một gia đình.
Cầm ly cà phê đen đá – thứ thức uống thường chỉ dành cho cánh đàn ông – chị để lộ bàn tay gân guốc, chai sạm vì nắng gió. Đôi tay đã làm biết bao nhiêu công việc, miễn là chân chính, miễn là có tiền nuôi con. Còn nặng nhọc, vất vả chẳng bao giờ chị nề hà.
“Tạp vụ, giúp việc nhà, in thiệp cưới,… hết nghề này tới nghề kia, tích cóp lấy từng đồng. Khó khăn nhất là lúc con trai lớn vào đại học, mình phải xoay sở đủ bề. Đáng lo là từ sau khi ba tụi nhỏ bỏ đi, con trai út mình có dấu hiệu tự kỷ, lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Cảm thấy không ổn, mình chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, để chủ động về thời gian, có thể về nhà chăm sóc, coi ngó mấy đứa nhỏ”, chị bộc bạch.

Đổi lại những chuyến xe nắng gió...

HOÀI NHÂN

... là 3 đứa con hiếu thảo, chăm lo học hành

NVCC

Đổi lại tất cả công sức của chị, là 3 đứa con hiếu thảo với bà với mẹ và chịu khó học hành. Con trai lớn nay đã tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và tìm được công việc ổn định. Con gái kế sau nhiều ngày “dùi mài kinh sử”, cũng đã đậu vào ngành marketing cùng trường với anh mình. Còn con trai út hiện đang học lớp 9, cũng đang cố gắng nuôi ước mơ giỏi giang như anh chị.
Đó là những “quả ngọt” xua tan mệt mỏi, áp lực trên con đường mưu sinh của người mẹ đơn thân đã gần bước sang tuổi 50.

Món quà 20.10 tuyệt vời nhất cho người 'mẹ siêu nhân'

Cánh đàn ông đôi khi còn ngán ngẩm với công việc bào mòn sức khỏe này, huống hồ là những “bóng hồng”. Chưa kể những nguy hiểm, rủi ro khó lường trước được.
“Người có người này người kia, khách cũng có khách này khách kia. Người ta đặt xe thấy mình là phụ nữ, hủy cuốc là chuyện bình thường. Khách nam ra thì đòi chở, mình phải thuyết phục và giải thích quy định không cho phép. Có khách say xỉn lại ôm eo, tay chân quờ quạng lung tung. Nhưng chạnh lòng nhất, vẫn là những câu nói đại loại “đàn bà con gái hết nghề rồi sao ra chạy xe ôm”, hay những bạn trẻ cũng tỏ ra xem thường mình. Nhiều lúc mệt mỏi muốn buông xuôi, nhưng lại nghĩ đến các con. Chúng đã thiếu tình thương của cha, mình không thể bỏ cuộc được. Vậy là lại xách xe đi”, chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Lan Anh bộc bạch, không còn người đàn ông bên cạnh, chị càng phải cố gắng gấp ba bốn lần

HOÀI NHÂN

Con gái chị trong ngày tốt nghiệp cấp ba, nay đã đỗ vào đại học cùng trường với anh mình

NVCC

Ngày đầu tiên chị mặc bộ đồng phục xe ôm về nhà, mẹ già và 3 con chị phản đối kịch liệt. Chẳng ai nghĩ một người phụ nữ như chị lại chọn làm và làm nổi công việc tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông.
“Thế rồi mình giải thích, thuyết phục mãi, các con cũng hiểu và dần cảm thông. Nhất là con trai lớn, chẳng những tự hào với mọi người vì có một người mẹ mạnh mẽ, mà còn “nối nghiệp” mẹ, đăng ký chạy xe lúc rảnh rỗi. Thằng bé hiểu chuyện, nên ngoài giờ học là tranh thủ đi làm thêm, rồi về coi ngó các em, chở thằng út đi học. Nhìn anh em nó hòa thuận, chở che đùm bọc nhau, chẳng có niềm vui nào bằng”, chị nói, giọng đầy tự hào.
Thời gian rảnh mình cũng ra chạy Grab phụ mẹ lo cho các em, nên hiểu công việc của mẹ cực lắm. Mẹ đi lúc tụi mình chưa dậy và trở về lúc cả nhà sắp ngủ, nên những bữa cơm chung là điều hiếm hoi. Tụi mình tự hào về một người mẹ “siêu nhân”, có thể làm mọi thứ chẳng thua kém một người đàn ông nào.

 Ngô Trần Gia Khang (22 tuổi, con trai chị Lan Anh)

Nhắc tới ngày 20.10, chị Lan Anh giật mình. Rong ruổi mưu sinh trên những cung đường, chị quên bẵng ngày dành cho phụ nữ Việt Nam

HOÀI NHÂN

Nhắc ngày 20.10 sắp tới, chị Lan Anh mới giật mình rồi cười: “Thiệt lo làm cũng không nhớ luôn. Thì vẫn chạy xe như mọi ngày thôi, nhưng sẽ tranh thủ về sớm mua gì đó tặng mẹ, rồi làm bữa cơm chung. Còn mình không mong muốn gì đâu, chỉ cần hôm đó lái xe được dăm ba lời chúc của khách, rồi được nhiều đánh giá 5 sao là ấm lòng rồi. Với lại, thấy 3 con luôn vui vẻ và thành đạt, đã là món quà tốt đẹp nhất cho bất kỳ người mẹ nào như mình rồi!”.
Câu chuyện đời tạm kết khi điện thoại chị Lan Anh rung lên báo có khách đi xe. Cứ thế, những chuyến xe lại nối tiếp những chuyến xe. Người mẹ đơn thân vẫn vững vàng tay lái, chở trên vai cả một gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.