Ô tô, xe máy 'chôn chân' suốt 5-6 tiếng trên quốc lộ sau kỳ nghỉ lễ

02/05/2018 09:33 GMT+7

Ngày 1.5, người dân ùn ùn trở về Hà Nội, TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ khiến giao thông các khu vực trọng điểm kẹt nghiêm trọng; ô tô, xe máy 'chôn chân' trên quốc lộ nhiều giờ liền.

21 giờ, cầu Rạch Miễu vẫn tê liệt
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ khoảng 15 giờ cùng ngày, xe gắn máy từ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh đổ dồn về QL60 hướng lên cầu Rạch Miễu. Các phương tiện di chuyển rất chậm ngay từ đoạn bùng binh Bình Nguyên (P.6, TP.Bến Tre, cách cầu Rạch Miễu khoảng 15 km).
VIDEO: Giao thông hỗn loạn, ùn tắc gần 5km trên cầu Rạch Miễu sau lễ
Đến khoảng 16 giờ, hàng ngàn xe gắn máy bị ùn ứ từ khu vực ngã tư An Khánh (H.Châu Thành) kéo dài khoảng 5 km hướng lên cầu Rạch Miễu. QL60 đoạn từ TP.Bến Tre đến cầu Rạch Miễu có 4 làn đường kẹt cứng xe cộ, vỉa hè cũng bị các phương tiện “trưng dụng” để di chuyển.
Kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có vụ va quệt giữa 2 xe máy trên cầu Rạch Miễu. Lực lượng chức năng kịp thời cẩu 2 xe máy khỏi hiện trường, nhưng xe cộ vẫn “chôn chân”.
ĐCác phương tiện chôn chân trên QL60 - Ảnh: Bắc Bình
Để hạn chế ùn tắc, từ khoảng 17 giờ trạm BOT cầu Rạch Miễu đã xả các Trạm thu phí, đồng thời sử dụng toàn bộ 6 làn xe cho hướng đi từ Bến Tre, nhưng giao thông vẫn không được cải thiện. Cùng thời điểm, CSGT Tiền Giang chỉ cho xe gắn máy qua cầu Rạch Miễu đi Bến Tre, khiến ô tô xếp dài nhiều ki lô mét trên QL60 qua địa bàn TP.Mỹ Tho.

Càng về tối, tình trạng giao thông càng trở nên hỗn loạn dù lực lượng chức năng Tiền Giang, Bến Tre đã rất nỗ lực. Đến 20 giờ 30, lượng phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Miễu trên QL60 thuộc địa bàn xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho tăng đột biến nên hướng TP.HCM về Bến Tre cũng tê liệt. Nhiều hành khách chờ quá lâu phải bỏ xe đi bộ qua cầu. Đến gần 21 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng Tiền Giang và Bến Tre căng sức điều tiết nhưng giao thông khu vực cầu Rạch Miễu vẫn rất căng thẳng.
Cho xe đi ngược chiều quốc lộ
Khu vực cầu Mỹ Thuận từ khoảng 15 giờ lượng ô tô trên QL80 và QL1 đổ về Vĩnh Long để qua cầu tăng cao dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Trên QL80, đoạn thuộc xã Tân Hội, TP.Vĩnh Long (Vĩnh Long), nhiều xe phải nhích từng chút và mất gần 2 giờ cho đoạn đường khoảng 4 km để qua được cầu. Tương tự, phía nội ô TP.Vĩnh Long hướng lên cầu Mỹ Thuận xe cũng phải nhích từng chút một để lên cầu.
Trong ngày, CSGT Tiền Giang đã có mặt tại những cầu hẹp có nút thắt cổ chai trên QL1 như cầu An Cư, Bà Đắc, Rạch Miễu (H.Cái Bè), cầu Sao (H.Châu Thành)… chặn xe từ hướng TP.HCM về miền Tây và điều tiết cho ô tô lưu thông ngược chiều. Nhờ vậy đến 18 giờ cùng ngày, giao thông qua địa bàn Tiền Giang theo hướng Mỹ Thuận về TP.HCM không bị ùn tắc.
Mệt mỏi chờ qua phà
Kẹt xe cũng xảy ra ở nhiều bến phà trọng điểm miền Tây. Khoảng 13 giờ ngày 1.5, lượng phương tiện qua phà Đình Khao (QL57, xã Thanh Đức, H.Long Hồ, Vĩnh Long) tăng đột ngột gây ùn tắc giao thông kéo dài. Tại vòng xuyến ngã tư phà Đình Khao, ô tô chen chúc hàng 2, hàng 3 khiến các phương tiện khác không thể di chuyển. Trên QL57 hướng từ TP.Vĩnh Long đi Bến Tre, ô tô đậu bít luôn làn đường dành cho xe máy. Đến hơn 16 giờ 30, khi CSGT tăng cường điều tiết thì giao thông mới bớt căng thẳng.
Theo lãnh đạo bến phà Đình Khao, do lượng xe đi TP.HCM theo tuyến QL57 tắt qua Bến Tre sang Tiền Giang tăng đột biến gây ra ùn tắc. Bến phà đã huy động hết công suất các phương tiện vẫn không thể tải nổi.

Khoảng 14 giờ, phà Vàm Cống (nối An Giang và Đồng Tháp) phía bờ TP.Long Xuyên (An Giang) cũng ùn ứ do phương tiện dồn về. Nhiều thời điểm xe đậu kéo dài hơn 2 km trên QL91 chờ qua phà. Bến đã huy động 10 phà chạy liên tục, nhưng giao thông vẫn căng thẳng tới cuối ngày.
Cao tốc, cửa ngõ cũng tắc
Tại Hà Nội, chiều 1.5 người dân đổ dồn về TP khiến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài. Từ 16 giờ 30, hướng đi vào nội thành ùn tắc hơn 1 km sau trạm thu phí, chủ yếu là xe khách, xe con. Từ khoảng 17 giờ, trạm thu phí mở thêm 2 làn chiều về trung tâm TP để giảm tải, nhưng do phương tiện đông nên xe di chuyển rất khó khăn.
Đại úy Nguyễn Việt Dũng, Đội CSGT số 7 trực điều tiết giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết do là ngày cuối của kỳ nghỉ lễ nên lượng phương tiện từ các tỉnh thành đổ về Hà Nội dồn ứ nhiều; đồng thời nhiều tài xế xe khách dừng đón trả khách khiến đường cao tốc sau trạm thu phí ùn ứ.
Trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Công ty CP dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN (VEC E) cho biết trong ngày 1.5 đã phục vụ gần 60.000 lượt phương tiện di chuyển. Từ 14 giờ, phương tiện đổ về đông, trạm thu giá Long Phước phải mở 12 cửa hướng Đồng Nai về TP.HCM cho xe lưu thông. Đáng lưu ý, trong ngày có gần 800 xe máy cố tình vượt chốt kiểm soát để di chuyển trên cao tốc, gây tình trạng mất an toàn trên tuyến.
Xe cộ nối đuôi nhau ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM - Ảnh: An Huy
Khu vực cửa ngõ phía tây TP.HCM chiều qua ùn ứ nặng do phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ dồn về cùng lúc. Lúc 17 giờ 30, trên QL1 đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh - giao đường Võ Văn Kiệt (H.Bình Chánh, TP.HCM) xe máy nối đuôi nhích từng chút, nhiều người chạy xe lên vỉa hè.
Các nút giao thông như vòng xoay An Lạc, cầu Bình Điền cũng bị ùn ứ dù có CSGT và TTGT trực điều tiết. Tại phà Cát Lái (Q.2), càng về tối, xe máy hướng từ Đồng Nai đổ về càng đông dẫn đến kẹt xe nhiều ki lô mét. Đại diện đơn vị quản lý phà Cát Lái cho biết trong ngày có gần 100.000 người và phương tiện qua phà, tăng gấp đôi ngày thường và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
79 người chết vì TNGT dịp nghỉ lễ
Báo cáo nhanh của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi Chính phủ chiều 1.5 cho biết, trong ngày nghỉ lễ cuối cùng (1.5), cả nước xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 27 người, bị thương 33 người. Tổng cộng 4 ngày nghỉ lễ, cả nước xảy ra 113 vụ TNGT làm chết 79 người, bị thương 79 người, đều giảm sâu so với cùng kỳ nghỉ năm ngoái.
Trong khi đó, Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) cho biết trong ngày 1.5 vẫn có thêm các trường hợp cấp cứu do TNGT nhập viện. Trước đó, ngày 28.4 BV tiếp nhận 39 bệnh nhân TNGT (tăng nhẹ so với bình thường) và số TNGT vào viện chỉ chiếm 20 - 30% số ca cấp cứu tại BV.
Nhưng trong ngày 29 và 30.4 số ca TNGT vào cấp cứu tăng lên 65 trường hợp mỗi ngày, chủ yếu chuyển từ tuyến dưới lên, ước chiếm đến 50% số cấp cứu do tai nạn tại BV. Tình trạng đa chấn thương tạng chiếm tới 70 - 80% số bệnh nhân cần cấp cứu do TNGT; nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong máu cao. Còn theo báo cáo của các BV thuộc Sở Y tế TP.HCM, số ca cấp cứu do TNGT tăng từng ngày trong dịp nghỉ lễ: ngày 28.4 có 278 ca thì 29.4 tăng lên 320 và 30.4 là 355 ca, trong đó có 4 ca tử vong. BV cũng tiếp nhận 207 ca nhập viện do đánh nhau. Tại BV Chợ Rẫy, từ 28 - 30.4 đã tiếp nhận hơn 850 ca cấp cứu, trong đó cấp cứu do TNGT chiếm gần 20%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.