Phong tỏa Lombardy vì dịch Covid-19: Người Việt ở Ý ‘cố thủ’, không trữ thực phẩm

09/03/2020 12:17 GMT+7

Sau khi có lệnh phong tỏa cách ly 10 triệu người tại vùng Lombardy ở miền bắc nước Ý để ngăn dịch Covid-19 lan rộng, người Việt sống ở đây hạn chế ra đường, ‘cố thủ’ trong nhà. Nhiều người quyết không dự trữ thực phẩm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Như Ngọc (du học sinh Việt sống ở “tâm dịch” Milan), cho biết sau khi lệnh phong tỏa vùng Lombardy dịch Covid-19  có hiệu lực (ngày 8.3), người dân trong vùng khá hoảng sợ, có người tìm cách chạy đến nơi khác.
“Tối hôm 7.3, khi vừa nhận được thông tin nơi mình sống sẽ bị cách ly, không riêng gì dân địa phương, mà cả du học sinh như chúng mình cũng đều khủng hoảng", chị Như Ngọc chia sẻ.

Siêu thị ở vùng phong tỏa của Ý vẫn đầy đủ hàng hóa

Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, bản thân chị cho biết cách duy nhất là “ai ở đâu thì ở yên đấy” và ẩn trú trong nhà. “Chỉ mong mọi người xung quanh hiểu được tầm quan trọng của lệnh phong tỏa để bảo vệ cộng đồng”, chị Như Ngọc cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, rất nhiều người Việt lâm vào cảnh “bế quan tỏa cảng”, không thể di chuyển đến nơi khác.
Theo chị Ngọc, những người sống trong khu vực cách ly, nếu muốn ra ngoài phải được xem xét mức độ cần thiết hay do công việc cấp bách thì mới được phép.

[VIDEO] Ý tăng ngân sách chống dịch khi cả nước thành vùng phong tỏa

Chị Tú Anh (sống ở Milan) cũng cho biết, rất nhiều người dân địa phương hoảng sợ ngay khi nghe lệnh phong tỏa. Họ kéo nhau thu gom hàng hóa trong siêu thị theo hiệu ứng đám đông.
“Tôi thấy mọi người kéo nhau đến siêu thị rất đông. Họ xếp hàng để mua các nhu yếu phẩm. Riêng tôi, tôi sợ tập trung nơi đông người, như thế sẽ dễ lan nhiễm dịch bệnh hơn”, chị Tú Anh nói.
Chị còn cho biết thêm, chị không sợ thiếu hàng, vì các siêu thị ở đó cũng cố gắng cung đầy đủ hàng hoá. Vì thế, chị quyết định đi siêu thị vào đầu tuần cho vắng người.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm không thiếu cho người dân ở Ý

Ảnh: Như Ngọc

Trong khi đó, anh Đỗ Kiên (sống ở Venice, vùng Venoto) chia sẻ anh vẫn bình tĩnh khi thấy mọi thứ còn ổn định và bình thường. Anh nói: “Người dân ở đây vẫn đi lại trên phố. Nhà hàng, quán xá khách thưa thớt nhưng chưa đóng cửa. Các tuyến xe vẫn hoạt động bình thường”.
Anh Kiên cũng không dự trữ thực phẩm vì anh thấy siêu thị luôn đầy đồ ăn thức uống. “Không có việc khan hiếm hàng hóa, hay hiện tượng chen lấn mua hàng,” anh chia sẻ.
Số lượng ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, bệnh viện thì quá tải nên với nhiều người Việt ở Ý lúc này, họ không dám ra ngoài khi không cần thiết.
Anh Tiến Đạt (sống ở Rimini, vùng Emilia Romagna), cho biết thành phố Rimini thuộc danh sách “red zone” của Ý (“red zone” là vùng cảnh báo, nơi có số ca nhiễm tăng nhanh theo ngày).

Nhiều người Việt tại Ý cho rằng, sẽ không có cảnh thiếu hàng ở siêu thị

Ảnh: Như Ngọc

Anh cho biết: “Mặc dù nơi mình ở không cách ly như Lombardia, nhưng 6 - 7 ngày qua, mình tự giác ở nhà, hạn chế đi ra đường".
Và anh Tiến Đạt vẫn tự trấn an bản thân bằng việc tuân theo các chỉ định của chính phủ Ý: “Lúc này điều cần thiết nhất là sự bình tĩnh. Mình không thấy lo lắng, cứ tuân thủ và làm theo những gì họ yêu cầu thôi. Mặc dù biết số ca cũng tăng nhanh, nếu mình lo quá thành ra cũng stress. Đôi khi, mình cũng mệt đấy, cơ mà chắc cũng không đến nỗi phải buông xuôi đâu”.

[VIDEO] Giữa phong tỏa vì Covid-19, người Ý kêu gọi nhau ở nhà, không lách luật

Anh Tiến Đạt cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay tình trạng sức khỏe của mình vẫn ổn. Song, để đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nếu về được Việt Nam, mình sẽ tự giác cách ly”.
Tính đến ngày 9.3, số người tử vong vì virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19 tại Ý đã tăng lên thành 366 với 7.375 ca nhiễm. Quốc gia châu Âu này  trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, theo Reuters.
Chính phủ Ý đã áp đặt lệnh phong tỏa vùng Lombardy và 14 tỉnh khác của nước này với khoảng 16 triệu người nhằm đề phòng dịch Covid-19 lan rộng. Thủ tướng Giuseppe Conte cho hay lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8.3 đến ngày 3.4 và tất cả người dân hạn chế đi lại, không được rời khỏi vùng này, người bên ngoài cũng không được vào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.