Rằm tháng 7: Lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân có phải là một?

02/09/2020 10:29 GMT+7

Ngày Rằm tháng 7 âm lịch cũng được nhiều người gọi là lễ Vu Lan hoặc ngày Xá tội vong nhân, tết Trung Nguyên. Vậy thực chất các tên gọi này như thế nào, có giống nhau hay không?

Các chuyên gia văn hóa, phong tục cho rằng cùng là ngày Rằm tháng 7 nhưng được gọi với nhiều tên khác nhau như Vu Lan, Xá tội vong nhân hay tết Trung Nguyên là do sự giao thoa văn hóa, pha trộn giữa đông tây, tín ngưỡng và phong tục truyền thống.
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương để làm rõ vấn đề này. Theo ông Hải, các tên gọi trên cho dù ý nghĩa là giống nhau nhưng bản chất lại khác nhau bởi nguồn gốc xuất xứ của phong tục, nghi lễ.

Ngày Vu Lan ra đời thế nào?

Ông Hoàng Triệu Hải cho biết, với người miền Bắc, lễ Vu Lan mới chỉ được biết tới trong những năm gần đây và ngày này được coi trọng ở miền Nam.
Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu có nguồn gốc từ Đạo Phật Bắc Tông (Đại thừa), là một ngày lễ chính của Bắc Tông. Câu chuyện nguồn gốc ra đời của ngày này liên quan đến sự tích về đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Từ đó, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Ông Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương

Theo kinh Vu Lan bồn, Mục Kiền Liên sau nhiều lần tìm cách cứu mẹ bất thành đã quay về tìm Phật để hỏi cách, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Tết Trung Nguyên, Xá tội vong nhân

Theo ông Hải, trong văn hóa dân tộc Việt Nam ta thì tháng cô hồn chỉ tháng 7 âm lịch và thường sẽ được tổ chức ngày “Xá tội vong nhân” vào ngày rằm tức 15 âm lịch - ngày mà được cho là Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để ma quỷ được tự do trở về dương thế.
Chính vì thế mà theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối, tiền vàng và quần áo cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Ngày Xá tội vong nhân chính là tết Trung Nguyên, là một trong những ngày tết quan trọng trong văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều người cho rằng ngày lễ này ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nhưng thực chất phong tục này thuộc về nền văn hiến Việt.

Đến rằm tháng 7, người dân thường tìm mua các loại giấy tiền vàng, đồ vàng mã bằng giấy đốt cho người cõi âm

Ảnh: Vũ Phượng

Tháng 7 âm lịch, người ta kiêng tất cả, từ buôn bán kinh doanh, ký kết hợp đồng, nhập trạch, mua bán... và cố gắng chơi cho hết tháng 7. Dân gian cho rằng đây chính là tháng của vong hồn lên ngao du cõi dương từ góc nhìn thần thánh, vong hồn, ma quỷ. Nhưng cũng chính từ sự nhân văn trong dòng máu Việt tộc, uống nước nhớ nguồn mà biến ngày rằm - ngày cực thịnh của Âm khí hay chính là ngày mặt trăng tác động lớn nhất lên trái đất trở thành ngày Tết - nhớ về tổ tiên ông bà và những người đã khuất.
“Việc đốt vàng mã, quần áo cúng những người đã khuất chính là để cân bằng lại âm dương khi khí âm cực vượng. Sự thất truyền của một bộ môn khoa học cổ bị lạm dụng biến sự kiên cữ thành thái quá và mê tín”, ông Hải nhận định.

Đi chùa cầu an lạc cho đấng sinh thành dịp Vu Lan

Ảnh: Độc Lập

Sau cùng, ông Hải kết luận, ngày Vu Lan, Xá tội vong nhân giống hay khác nhau quan trọng hay không khi đó đều là những lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Cả hai lễ đều mang ý nghĩa thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với các bậc sinh thành, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí. Đây chính là sự thể hiện tính nhân văn của con người Việt Nam, luôn hướng về tổ tiên uống nước nhớ nguồn và báo hiếu đấng sinh thành.
Ông Hải nêu quan điểm: “Chúng ta cần giữ gìn phong tục tập quán truyền thống của cha ông ta đã gìn giữ và lưu truyền suốt hàng ngàn năm. Những phong tục tập quán ấy không chịu chi phối hay ảnh hưởng từ bất kỳ tôn giáo tín ngưỡng nào mà nó thể hiện một nền tảng của sự nhận thức “Thiên - Địa - Nhân” cũng như những tri thức khổng lồ của tổ tiên mà chúng ta cũng chưa thể giải mã được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.