Sạt lở khoét sâu từng ngày ở Cà Mau, dân thấp thỏm lo nhà bị xóa sổ

05/11/2019 09:42 GMT+7

Khu vực bờ biển đông và ven sông ở Cà Mau hiện trong tình trạng sạt lở đáng báo động. Những năm qua, tình trạng này gây ra nhiều khó khăn, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 25 km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2 km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Tại những vị trí này, có nhiều nơi sạt lở đã "uy hiếp" các khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trong tỉnh có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân cần được xử lý gồm: cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy, cửa biển Hốc Năng (huyện Ngọc Hiển); khu dân cư thị trấn Năm Căn ( huyện Năm Căn); cửa biển Hố Gùi (huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn).
Hiện ở những điểm trên, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh, bình quân mỗi tháng lấn sâu vào bên trong khoảng 20 m, thậm chí có những điểm trên 50 m/tháng. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là hơn 26,7 km và cần được khắc phục khẩn cấp.
Ngoài sạt lở bờ biển, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông: Đầm Dơi, Năm Căn, H.Ngọc Hiển. Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4 km bờ sông bị sạt lở. Qua khảo sát, tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38 km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8 km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh

Khu vực vàm Kênh 5 còn khoảng 10 hộ dân bám trụ sinh sống. Họ là những ngư dân nghèo khó, hàng ngày phải cật lực giăng bắt cá tôm trên khu vực biển cạn để mưu sinh. Dù chính quyền địa phương vận động các hộ này di dời, nhưng họ chưa thể đi vì không có tiền mua nhà đất tái định cư.

Những hộ nghèo khó chưa có tiền sửa chữa ngôi nhà của mình, đành tạm gia cố, hoặc gắng gượng sống lay lắt trong căn nhà của mình, kèm với đó là nỗi lo lắng triền miên. Họ không biết rồi đây, căn nhà của họ có còn trụ vững trước con nước triều cường biến thiên, trước những con sóng, hay sẽ lại bị xóa sổ...

Những căn chòi ở tạm bợ của người dân khu vực vàm Kênh 5. Những căn chòi này cứ chạy theo con nước triều cường. Hễ triều cường dâng cao, sạt lở làm hư hỏng, mọi người lại tiếp tục chuyển chỗ dựng chòi vào phần đất phía trong.

Đáng thương trường hợp của gia đình chị Hạnh (40 tuổi), ngụ ở vàm Kênh 5. Khoảng 10 năm trước, căn nhà của chị trông khá tươm tất ven vàm biển này. Cách đây không lâu, triều cường dâng cao, khiến mọi thứ tan tành. Được nhiều người giúp sức, chị đã cất được một căn nhà bằng cây lá tạm để sống. Tác động của thiên tai đến cuộc sống gia đình chị là quá lớn và nhanh chóng, dường như đã vượt ngoài suy nghĩ của chị.

Chị Hạnh hiện một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, có đứa bị khuyết tật nặng. Áp lực cuộc sống mưu sinh đè nặng lên vai chị.

Từ góc cao, dễ thấy nhiều ngôi nhà tại cửa biển Vàm Xoáy, huyện Ngọc Hiển đang bị nước khoét sâu. Nhiều căn nhà đã hư hỏng, chỉ còn trơ lại phần khung sàn.

Nhiều người dân sống ở Vàm Xoáy rất lo lắng. Mỗi năm nơi này bị sạt lở hàng chục mét. Cách đây hơn 1 năm, hàng chục căn nhà của ngư dân khu vực này bỗng chốc bị lún. Nhiều người lo rằng không biết khi nào căn nhà của họ sẽ bị xóa sổ bởi biến cố triều cường, sóng lớn.

Khoảng 2 năm nay, cuộc sống của người dân Vàm Xoáy bị xáo trộn dữ dội bởi sạt lở đất. Nhiều hộ phải bỏ nhà, bỏ xứ đi làm thuê làm mướn khắp nơi.

Khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển hiện là 1 trong 4 điểm nóng nhất về tình trạng sạt lở đất. Cách đây khoảng 2 tháng, đây là cụm rừng phòng hộ khá xum xuê. Sau mấy đợt triều cường và sóng lớn, cụm rừng ngày nào chỉ còn trơ lại những mảng rễ gốc.

Chợ Tân Tiến, huyện Đầm Dơi là điểm nóng sạt lở trong tỉnh nhiều năm qua. Mỗi năm, có hàng chục căn nhà của người dân ven sông bị hư hỏng, nghiêng ngã hoặc đổ sập vì sạt lở đất. Một người đàn ông đang boăn khoăn vì cách đây ít ngày, căn nhà của ông bị sụp lún nghiêm trọng, phần sàn nhà vì thế cũng rệu rã dần.

Cũng tại chợ Tân Tiến, khoảng 3 năm trở lại đây, những hộ dân sống tại chợ đều phải sửa chữa và gia cố nhà của họ hàng năm, vừa tốn chi phí, lại tốn công sức. Nhiều hộ dân mong muốn ngành chức năng quan tâm, tìm giải pháp trợ lực cho mọi người ứng phó với sạt lở.

Thị trấn Năm Căn là một trong những điểm sạt lở nặng nề trong những năm qua. Triều cường dâng cao, dòng chảy mạnh khiến những công trình cầu cống, nhà ở của người dân hư hỏng. Một người dân khu vực bến phà đi Ngọc Hiển (cũ), thị trấn Năm Căn boăn khoăn vì sạt lở khoét sâu từng ngày vào chân nền nhà ông.

Tại thị trấn Năm Căn, nhiều căn nhà bị sạt lở nghiêm trọng thời gian gần đây. Nhiều nhà trong số đó đã hoang hóa, chủ nhà chuyển đi nơi khác sinh sống.

Một con lộ thuộc địa phận huyện Đầm Dơi bị sạt lở nặng vài tháng trước.

Các đây vài năm, Trạm kiểm soát biên phòng tại cửa biển Hố Gùi (Đầm Dơi – Năm Căn) vẫn hoạt động. Vậy mà giờ đây, cơ quan này hư hỏng hoàn toàn, đang chơ vơ giữa dòng nước biển. Sạt lở ở Hố Gùi những năm qua hết sức nặng nề.

Bở kè chống sạt lở đang được xây dựng tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Dù chưa thể khép kín kè, nhưng nỗ lực của tỉnh là rất đáng ghi nhận. Thực tế cho thấy, những khu vực có kè, tình trạng sạt lở giảm hẳn.

Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau tranh thủ các nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư hệ thống kè chống sạt lở phía biển đông và ven sông của tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay, một số cửa biển hiện có làm hệ thống kè ở cửa Tân Thuận (huyện Đầm Dơi), cửa Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) và một phần khu vực biển tại Đất Mũi. Nhìn chung, kết quả của việc đầu tư này là các điểm trên giảm hẳn việc sạt lở.
Để tiếp tục bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản người dân, tỉnh Cà Mau vừa đề nghị Trung ương hỗ trợ hơn 947 tỷ đồng để khắc phục 8 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nhiều đoạn rừng phòng hộ rất xung yếu trên đê biển Đông đã bị sóng biển đánh trôi.
Nguồn lực tài chính và con người là rất hạn chế. Tuy nhiên, quyết tâm giải quyết tình trạng sạt lở ở Cà Mau hiện nay là cấp thiết và cần được đẩy lên cao hơn. Những bước đi khởi đầu dù muộn và chưa cải thiện tốt tình hình, nhưng cũng góp phần hạn chế dần tình trạng sạt lở đáng báo động này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.