Ngày 18.6, đại diện Trạm y tế phường Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM cho biết, một tài xế GrabBike dương tính với Covid-19 lần 1 ngụ tại địa phương và những người liên quan đã được đưa đi cách ly tập trung.
Theo đó, tài xế GrabBike này sinh sống tại hẻm 224 đường TX22, tổ 24, khu phố 7, phường Thạnh Xuân, gần khu vực tài xế sống từng có 2 ca nhiễm Covid-19 đã được phong tỏa. Đại diện Trạm y tế cho biết, tài xế chỉ ở gần khu phong tỏa, suốt thời gian qua không tiếp xúc với 2 ca nhiễm trên. Khi thấy ngành y tế đang lấy mẫu tầm soát người dân sống trong hẻm thì tài xế vào lấy mẫu, kết quả xác định tài xế dương tính lần 1.
|
"Ngay khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi đã liên lạc với Grab để xác định các trường hợp tiếp xúc gần tài xế đưa đi cách ly tập trung. Khu vực tài xế sinh sống cũng được phong tỏa để truy vết những trường hợp liên quan", đại diện Trạm y tế phường Thạnh Xuân cho hay.
Thông tin trên khiến giới xe ôm công nghệ, shipper vốn đã nơm nớp lo sợ khi chạy xe trong những ngày dịch giã, nay càng thêm hoang mang vì những rủi ro của nghề.
"Có việc làm là may rồi"
Anh Nguyễn Gia Tĩnh (37 tuổi) - đối tác của Gojek cho biết, từ khi TP.HCM bùng phát dịch Covid-19, anh vừa chạy vừa run, nhưng vì áp lực nuôi 5 con nhỏ và các chi phí khác trong cuộc sống nên hằng ngày anh vẫn phải cắm mặt ngoài đường.
Anh kể, vì dịch Covid-19, công việc của vợ bị ảnh hưởng khá nhiều, trong khi anh vẫn còn kiếm tiền được, vì chén cơm manh áo phải ráng làm. "Thu nhập giới tài xế công nghệ bị ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng có việc làm là may rồi, nằm nhà tiền đâu mà sống. Khi giao đồ ăn vào khu cách ly, tôi không nhận tiền mặt mà nhờ khách chuyển khoản. Quán nào khuyến mãi có đông shipper quá thì tôi không nhận đơn. Trên xe lúc nào cũng có chai xịt khuẩn, cứ cầm vào tờ tiền là xịt cho chắc", anh bộc bạch.
|
Từ khi hàng quán không phục vụ tại chỗ, những bữa trưa của anh chỉ là ổ bánh mì hoặc hộp cơm nguột ngắt vào lúc 2 - 3 giờ chiều dưới bóng cây hoặc mái hiên của vài tòa nhà. Điều anh lo nhất là tình hình dịch kéo dài, công việc lại tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày, chẳng biết đâu mà lần. Về đến nhà, việc đầu tiên anh làm là tắm rửa sạch sẽ, rồi mới dám lại gần chơi cùng con.
Tương tự, ông Huỳnh Bá Phước (58 tuổi, tài xế GrabBike) cũng cho rằng, dịch vừa ế vừa sợ, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải mở app chạy xe hằng ngày. Đây là công việc mang lại thu nhập chính để ông nuôi vợ ung thư vú và phụ chăm cháu ngoại bị teo não do virus Zika cùng tiền nhà trọ hằng tháng. Cũng chính vì vậy mà ông đành phải tắt dịch vụ chở khách, chỉ nhận giao hàng và mua giúp đồ ăn, thức uống.
"Lúc nào trong xe cũng phải có chai cồn 1 lít, xong một cuốc là lại lấy lau tay, xịt lên khăn lau mặt đến chóc cả da, lau cả áo quần. Nghề của tôi rất nguy hiểm vì không kiểm soát được là mình sẽ gặp những khách hàng nào. Do đó, cứ chủ động tuân theo 5K và chủ động giữ khoảng cách. Khi giao hàng tôi không dám đưa trực tiếp cho khách, xác nhận xong để trên xe cho khách tự lấy, thấy cũng bất lịch sự nhưng tôi giải thích cho khách thông cảm. Khách cũng sợ nghề tôi chạy nhiều nên vui vẻ đồng ý", ông Phước chia sẻ.
|
Hơn 1 tháng qua, dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, dãy trọ của ông đã dán thông báo không cho người lạ đi vào, cháu ngoại ở cách chừng 2km ông cũng không dám ghé đến thăm vì sợ nhỡ có gì...
"Mỗi ngày tôi chạy sáng đến tối kiếm được khoảng 200 ngàn, lo thì lo mà chạy vẫn phải chạy, phải giữ sức khỏe để còn sống còn kiếm ra tiền, chứ chết làm sao kiếm tiền được, áp lực cơm áo gạo tiền lắm. Mới vừa phải cầm cà vẹt xe để có tiền đóng nhà trọ, không biết tới đây sẽ ra sao", ông Phước trầm giọng kể.
Sợ vẫn phải cày
Cả tháng qua, ông Ngô Văn Út (72 tuổi, tài xế GrabBike) vẫn đều đặn chạy từ Đức Hòa (Long An) xuống trung tâm TP.HCM để làm xe ôm công nghệ. Ngày hôm qua, đọc tin đồng nghiệp dương tính với Covid-19, tay chân ông run bần bật. Biết nghề này lắm rủi ro là vậy, nhưng là công việc, là nguồn thu cho cuộc sống tuổi già, ông không thể bỏ ngang.
Theo lời ông Út, nhiều đồng nghiệp ông quen đã bỏ nghề vì không chịu được cảnh ế ẩm vì dịch. Trưa đến, ông đậu xe ở dưới gốc cây quen thuộc trên đường Bà Huyện Thanh Quan cùng 2 tài xế khác để nghỉ ngơi, ăn ổ bánh mì hoặc hộp xôi.
|
"Bánh mì với xôi thì chỉ 20.000 đồng, cơm 30.000 đồng, ế quá thôi ăn bánh mì cho tiết kiệm. Tôi cũng có tuổi rồi nên dịch căng tôi không chở khách, chỉ chạy giao hàng thôi. Mà 2 ngày qua không có cuốc nào, cứ chạy xe không xuống rồi xe không về vậy thôi đó", ông nói. Để phòng dịch, lúc nào ông cũng đeo 2 khẩu trang, xong một cuốc lại xịt, lau tiền, tay và quần áo.
Ngược lại, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (34 tuổi, đối tác của Gojek) - người nổi tiếng vì là cô chủ quán hủ tiếu vỡ nợ đi chạy xe ôm công nghệ để làm lại từ đầu vẫn mở app chở khách, mua giúp đồ ăn và giao hàng trong những ngày dịch.
Dù là nữ tài xế nhưng lúc nào chị cũng lạc quan, cày cuốc ở ngoài đường từ sáng đến tận khuya. Từ đợt dịch năm ngoái đến nay, trên xe chị luôn có chai nước rửa tay khô và xấp khẩu trang để phòng dịch.
"Vì cuộc sống mà, xe ôm công nghệ cứ phải chạy thôi, sợ gì. Mỗi người có số cả rồi, mình phải chạy để lo cho cuộc sống của mình nên tôi không ngại", chị nói.
Bình luận (0)