“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”
Theo ghi nhận PV Thanh Niên vào chiều 26 và sáng 27.10, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, trên địa bàn Quảng Nam lặng gió, không có mưa. Song điều này càng khiến nhiều người dân lo lắng, vì theo kinh nghiệm dân gian, “mưa lặng gió dừng” là dấu hiệu của bão lớn.
|
Trước những lo lắng đó, nhiều người dân đã dùng dây, bao cát chằng chống nhà cửa nhằm giảm thiệt hại sau khi bão đổ bộ. Tại âu thuyền Tam Quang (xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) hàng trăm chiếc tàu cá đã được ngư dân neo đậu an toàn. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khác cũng tìm đủ cách để ứng phó với bão.
Đang cố gắng kéo từng bao cát chằng chống ngôi nhà cấp 4 của gia đình mình, ông Nguyễn Văn Mười (65 tuổi, ở xã Tam Hải, H.Núi Thành), cho biết sống ở xã đảo, bao năm phải hứng chịu bão rồi nên không thể chủ quan. “Nhìn trời lặng gió tôi rất lo, rút kinh nghiệm những đợt bão trước, chúng tôi phải chèn chống nhà thật kỹ để giảm thiệt hại”, ông Mười nói.
Cũng đang kéo từng bao cát đưa lên nhà, ông Phan Thảo (54 tuổi, ở xã Tam Hải) cho hay, nhà gần biển nên rất dễ bị đánh bay khi bão đổ bộ vào đất liền.
“Con cái chúng tôi sẽ đưa đi sơ tán đến những nơi an toàn. Riêng nhà cửa là phải chằng chống để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại không đáng có khi bão ập đến”, ông Thảo nói.
|
Ông Nguyễn Công Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Hai cho hay, đối với công tác ứng phó với bão đổ bộ, địa phương đã sử dụng tất cả phương tiện truyền thông để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn người dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng chống bão.
“Trong sáng nay (27.10) địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh sơ tán 250 người dân ở thôn Long Thạch Tây qua xã bạn Tam Giang. Riêng thôn Xuân Mỹ gần 200 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu thì chỉ sơ tán khoảng 50% đến nhà văn hóa, trường học và các nhà kiên cố trong thôn”, ông Tiến nói.
Hoàn thành di dời dân trước 16 giờ ngày 27.10
Đang chuẩn bị đồ để sơ tán, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) cho hay, nhà ở gần biển nên khi nghe tin bão lại rất lo, bởi mỗi lần bão đổ bộ vào là thiệt hại rất lớn dù đã chủ động ứng phó trước đó.
“Nghe đâu cơn bão số 9 này lớn lắm. Giờ cả xã với hàng ngàn hộ dân đều được yêu cầu đi sơ tán khẩn cấp. Chúng tôi đang chuẩn bị đồ đạc để chiều cán bộ đến đưa đi sơ tán đây. Trước những cơn bão lớn bao giờ cũng trời quang mây tạnh nên người dân đều lo lắng nên không ai dám chủ quan”, bà Hoa nói.
|
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, đến 7 giờ sáng nay đã di dời xen ghép được 2.130 hộ với gần 6.000 khẩu. Sơ tán tập trung đang triển khai tại 3 xã Tam Thanh (sơ tán 100%), Tam Thăng và Tam Phú khoảng 2.620 hộ/7.200 khẩu sẽ hoàn thành trước 16 giờ ngày 27.10.
Theo ông Ảnh bão số 9 hướng đi phức tạp, nên thành phố đã chủ động triển khai ngay từ đầu. Nhất là công tác di dời dân vùng thấp, vùng nguy cơ đến nơi an toàn.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị các địa phương cần chủ động đánh giá địa hình nguy hiểm, có khả năng có tác động đến an toàn của người dân để có phương án chủ động triển khai khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Thanh cũng yêu cầu các hồ chứa thủy lợi, có phương án nếu hồ đập không an toàn thì phải có phương án sơ tán dân. Không để tình trạng sơ tán dân mà không kiểm soát, dẫn đến tình trạng họ đến nơi ở mới không đảm bảo, rồi quay về chỗ cũ. Đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng có nguy cơ cô lập, chia cắt do ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Bình luận (0)