Tết Hàn Thực, tiết Thanh Minh: Nguồn gốc và ý nghĩa việc cúng bánh trôi, bánh chay

26/03/2020 09:34 GMT+7

Trong đời sống người Việt , đặc biệt là các dân tộc ở miền núi phía Bắc, tết Hàn Thực (mồng 3 tháng 3 âm lịch) là ngày lễ lớn. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa của tết Hàn Thực, tiết Thanh Minh thế nào?

"Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh" - hai câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Trước khi bắt đầu tiết Thanh Minh (năm nay vào khoảng 12 tháng 3 âm lịch), mồng 3 tháng 3 âm lịch còn là tết Hàn Thực trong tiềm thức văn hóa người Việt.
Tết Hàn Thực là ngày Tết được lưu truyền theo quan niệm dân gian. Đây là ngày lễ lớn đối với các dân tộc miền núi phía Bắc và các tỉnh miền xuôi thì xem đây là ngày "bánh trôi bánh chay" thắp dâng hương lên bàn thờ tổ tiên. Vậy nguồn gốc, ý nghĩa của tết Hàn Thực là gì? Thanh Niên xin giới thiệu đến độc giả ý kiến của nhà nghiên cứu Hoàng Triệu Hải - Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương.

Nguồn gốc tết Hàn Thực?

Hàn Thực (thức ăn lạnh) vốn được coi có nguồn gốc từ Trung Quốc thông qua tích của ông Giới Tử Thôi thời Đông Chu liệt quốc. Theo điển tích này, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế.

Quán chè 30 năm ở Hà Nội, người người xếp hàng

Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm.
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Các năm trước, người Hà Nội thường xếp hàng từ sáng sớm để chờ mua bánh trôi, bánh chay

Ảnh: Lê Nhàn

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 âm lịch hàng năm).
Qua đây, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng ngày 3 tháng 3 âm lịch chẳng liên quan tới ngày mất của ông Giới Tử Thôi này. Nó như một sự gán ghép kiểu “đẽo chân cho vừa giày”, lấy một tích nào đó để mô tả cho ngày tết Hàn Thực.
Các bài phân tích của Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương luôn khẳng định, tết Hàn Thực cũng như các ngày lễ, Tết liên quan tới âm lịch và nền văn minh lúa nước đều không phải của người Trung Quốc, mà nó hoàn toàn liên quan tới nền văn minh của người Việt.

Với người Hà Nội, món bánh này không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày tết Hàn Thực

Ảnh: Lê Nam

Ví dụ như 6 ngày tam nương được coi là ngày xấu trong một tháng âm và người Trung Quốc ghép vào là ngày mất của ba nàng Muội Hỉ, Bao Tự, Đát Kỉ là những người bị coi là "hồng nhan họa thủy" mang lại xui xẻo. Có ba nàng nhưng lại có 6 ngày và lịch sử cũng ko có ghi ba nàng này chết vào ngày nào.
Trong khi đó, theo phân tích của trung tâm thì đây chính là các ngày thuộc giao điểm của các pha Mặt Trăng. Nó gây nên các tương tác tiêu cực lên Trái đất và con người và vì vậy được coi là các ngày xấu trong tháng.
Trong lý học Đông Phương thì tháng 3 là tháng Thìn, thuộc ngũ hành Thổ và là tháng thứ năm tính từ tháng Một (tức là tháng 11 rồi tới tháng Chạp, tháng Giêng..) do chúng ta đang sử dụng lịch Kiến Dần (Dần là tháng Giêng).

Những thành viên trong gia đình cùng nhau ngồi làm bánh

Ảnh: Lê Nhàn

Một năm 12 tháng, chúng ta có 4 tháng thuộc Thổ để đánh dấu thời kỳ chuyển mùa, và từ mùa Xuân bước qua mùa Hạ, chúng ta có tháng 5 là tháng Thìn. Tháng Thìn thuộc dương Thổ do nó là tháng thứ 5, theo Hà đồ và vì vậy khi vào cung Dương thổ thì âm khí sinh. Đó chính là lý do vì sao chúng ta có tiết gọi là Thanh Minh, là thời điểm chúng ta đi tảo mộ, thăm nom chăm sóc mồ mả gia tiên.
Thanh Minh là làm cho mồ mả gia tiên trở nên thoáng đãng, cắt tỉa bớt cây cỏ để âm khí và dương khí tương tác tốt hơn. Cắt tỉa cây cũng chính là dấu hiệu của sự kết thúc Mộc Khí thuộc mùa Xuân, tại tháng Thìn thuộc Dương thổ và chuẩn bị cho Hỏa khí của mùa Hạ.

Vì sao người Việt cúng bánh trôi, bánh chay?

Hàn Thực tức là ăn món lạnh mong cho mùa Hạ bớt nóng và ngày thứ ba trên Hà Đồ thì số 3 thuộc Dương Mộc. Ngày đó là đánh dấu ngày kết thúc của Mộc Khí nên đó là ngày không dựa vào lịch Can Chi, Dương lịch hay bất kỳ một ngày quy ước của tôn giáo, đạo giáo nào mà đó là quy ước theo âm lịch và âm dương ngũ hành.
Tổ tiên chúng ta sáng tạo ra món bánh trôi bánh chay để thắp hương và dâng lên hương linh gia tiên là hoàn toàn dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành chứ không hề liên quan tới Phật giáo hay Đạo giáo.

Không khí ngày Tết hàn thực rộn ràng trên khắp các con phố Hà Nội. Ảnh chụp tại thời điểm các năm trước khi chưa có dịch Covid-19

Ảnh: LN

Món lạnh quy về ngũ hành thuộc Kim, bánh trôi bánh chay màu trắng thuộc Kim. Bánh trôi thường có nhân đường cắt hình vuông, bên ngoài bột vỏ nặn tròn: Dương sinh âm cũng như câu "mẹ tròn con vuông". Bánh chay nhân đậu xanh màu vàng thể hiện âm, vỏ bánh cũng tròn màu trắng để thể hiện tính dương và đó là tính chất của âm dương giao hòa. Như vậy, Hàn Thực là để mong muốn cho thời tiết thuận lợi hài hòa, cũng như mùa hè không quá nóng bức.
Với ý nghĩa đó, chúng ta thấy rằng không chỉ tết Hàn Thực mà mọi ngày tết, lễ của dân tộc Việt Nam là hoàn toàn dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành, bởi chúng ta mới là chủ nhân đích thực của học thuyết này. Việc gìn giữ qua hàng ngàn năm vẫn sẽ được chúng ta tiếp nối cho các thế hệ sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.