Thay đổi trong cơn bão Covid-19: Thói quen mới và học cách... biết ơn

29/08/2020 19:37 GMT+7

Đại dịch Covid-19 ập đến đánh tan những ngày tháng bình yên và phẳng lặng của những người sống ở Ý và các quốc gia khác. Nó buộc tất cả mọi người phải thay đổi cách sống, cách sinh hoạt và làm việc để thích ứng.

Nhìn lại để thay đổi

Tác động đầu tiên là bắt buộc chúng ta phải sinh hoạt tại nhà và từ đây, mọi thói quen dù muốn dù không cũng phải thay đổi.
Tất nhiên có người thích ứng tốt vì đã quen sống ở nhà. Nhưng cũng có người cho đó là cực hình vì xưa nay chỉ xem căn nhà là nơi để ngủ nghỉ chứ không phải nơi để làm việc và... ở cạnh người thân 24/24.
Matteo hôm qua gọi điện nói với tôi là phải nhìn lại tất cả, từ vui chơi, công việc, du lịch hay mua sắm vì mọi thứ không còn như xưa. Những sự kiện đông người chuyển sang trực tuyến, mọi người đang nỗ lực tìm cách để đảm bảo an toàn. Do kinh tế chững lại, việc làm bất ổn nên cần tiết kiệm, không mua những mặt hàng phù phiếm. Đồ “cũ” vứt bỏ là thứ không còn sử dụng được nữa chứ không phải vì vừa mua thứ “mới hơn”. Phải tính và phòng ngừa khi mất việc.

Covid-19 khiến người dân hạn chế ra đường. Những nơi trước đây tập trung đông người ở Ý giờ trở nên vắng lặng

Các cháu của tôi đang khám phá ra cách làm việc tại nhà, dạy và học từ xa thời dịch Covid-19. Rồi sẽ có người phải đổi việc hay thích ứng với việc làm mới, tự thách thức bản thân để khám phá ra thế mạnh và yếu của mình.
Nhìn chung, các bạn tôi biết tận dụng internet. Nhiều người bắt đầu giao tiếp, mua sắm qua mạng, có người chẳng muốn đi đâu, “nằm nhà cho an toàn” hay nếu thích có thể thăm viếng online các bảo tàng thế giới.
Có bạn quan tâm chăm sóc sức khoẻ của mình hơn, chịu tập thể dục, siêng rửa tay và sử dụng gel diệt khuẩn. Nhất là ở chỗ làm, khi ra tiệm hoặc di chuyển trên các phương tiện công cộng.

Mọi sinh hoạt, việc làm hầu như diễn ra ở tại nhà hoặc qua mạng để hạn chế dịch bệnh lây lan. Cuộc sống mưu sinh vẫn tiếp diễn nhưng con người đã thay đổi

'Lịch sử là chính chúng ta'

Chị Adriana cho rằng cơn đại dịch Covid-19 vừa gửi cho chúng ta một thông điêp: Lịch sử chính là ta. Tất cả những gì xung quanh đều do tác động từ những gì ta làm, ta nghĩ và ta sống.
Chúng ta cần học cách chung sống và cho nhau niềm vui để thế giới kỳ diệu mỗi ngày. Từ buổi sáng thức giấc với ý nghĩ là mình có một ngày làm việc vui vẻ đến buổi tối mùi vị ngọt vẫn còn đọng trên môi. Chính chúng ta là chứng nhân cho những hạnh phúc khổ đau của mình. Chiến thắng hay thua cuộc đều tuỳ thuộc vào mình.
Cùng một ý ấy, nhưng Gianni đã nói với tôi bằng cách khác. Có người nói với Gianni rằng họ không có gì. Gianni bảo họ hãy nhìn quanh, có bao nhiêu quà tặng mà thiên nhiên và cuộc sống mang đến: biển; ánh nắng ban mai; những người thân yêu mang cho ta một vòng ôm ấm áp khi tâm hồn ta chao đảo hay chìa bàn tay nâng lên khi ta vấp ngã… Có biết nếm trải và đánh giá đúng những quà tặng ấy thì chúng ta mới hiểu được giá trị siêu việt của đời sống.
Gianni ví dụ ở thung lũng Silicon, nơi nổi tiếng sinh ra và phổ biến các mốt lạ lùng, như đồ uống thay thế bữa ăn cho những nhân viên “quá bận không đủ thời gian ăn”. Thực ra, họ chỉ lo cắm đầu vào màn hình thì thời gian đâu mà tận hưởng một bữa ăn trọn vẹn!

"Sống không chỉ là sống, mà còn cần nhau, mỗi người đều cần người khác"

Cần biết ơn, quan tâm người khác để sống tử tế

Một mai, khi đại dịch qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, chúng ta sẽ được bắt tay những người bạn, chào hỏi người người quen, ôm lấy người thân và vui hưởng thiên nhiên tươi đẹp trên đất nước yêu thương của mình.
Khi bình thường, dù kinh tế khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể nghĩ về dài hạn, về những dự án mới, cùng nhau rồi sẽ vượt qua. Thực hiện công việc của mình nghiêm túc với ý thức trách nhiệm và tôn trong cộng đồng. Bằng cách ấy, chúng ta có quyền hy vọng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ngay lúc này, tuy đại dịch chưa dứt hẳn, nhưng đã có dấu hiệu giảm dần. Chúng ta cần phải nhìn nhận sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ. Nhiều người đã hy sinh cả tính mạng để ngăn dịch vì ý thức cộng đồng, việc làm đẹp ấy đáng kính trọng, được tạo ra từ trách nhiệm và lòng nhân ái.
Nói như triết gia Ý Seneca: “Sự tử tế quên mình của các bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình!”. Chúng ta không thể làm ngơ và cần phải hợp tác với họ. Chúng ta cần phải tuân thủ những khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trước mắt để bảo vệ chính mình và người khác nhưng quan trọng là không thể triệt tiêu những kết quả tích cực nhờ biện pháp giãn cách xã hội vừa qua. 
Hôm chủ nhật vừa rồi, khi gặp lại vợ chồng Enrica, một tiến sĩ Hoá từng cộng tác với tôi, tôi có nói về một ý đã viết trong tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần”: “Sự tương tác và tình cảm của những người sống quanh ta là một điều quan trọng. Vì sống không chỉ là sống, mà còn cần nhau, mỗi người đều cần người khác. Bởi sống là mang nợ lẫn nhau. Trong những nhân duyên tương ngộ ngắn ngủi sao không dùng cái tâm lành mà cư xử với nhau?”.
Enrica đồng tình: “Đúng rồi anh! Cuộc đời chỉ đẹp khi ta hạnh phúc, nhưng càng đẹp hơn khi những người khác hạnh phúc nhờ ta. Em không nhớ là ai đã nói hay đọc ở đâu nhưng rất thích ý tưởng này: “Những dòng sông không bao giờ uống nước của nó. Những cành cây không bao giờ ăn trái của mình. Những loài hoa không toả ngát hương thơm cho mình. Sống cho người khác là một quy luật của tự nhiên".
Khi Elena nói: “Hay quá” thì Enrica còn nói thêm: “Sống mà không cống hiến thì sống cũng chẳng để làm gì!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.