Tình người ấm áp từ chùa Lá

Thanh Đông
Thanh Đông
24/02/2020 14:35 GMT+7

Chùa Lá hay chùa mang tên Phổ Hiền (ấp Vạn Hạnh, P.Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu). Nơi đây, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt đã cùng đồng đạo và các phật tử miệt mài hành trình trên con đường từ thiện.

 

Trụ trì chùa từ duyên thiện nguyện

Sinh ra và lớn lên ở TP.Huế, đến năm 10 tuổi (1968) ni sư Tâm Nguyệt xuất gia; quy y và theo học đạo tại chùa Liên Hoa (H.Bình Chánh, TP.HCM); năm 1981 thì theo sư bà về chùa Kiều Đàm (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trong quá trình tu học, vì thấy ni sư Tâm Nguyệt dễ mủi lòng trước những nỗi đau và sự cơ cực của người khác nên sư bà thường để ni sư thực hiện chương trình từ thiện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai.
Năm 2005, sư bà hướng dẫn ni sư Tâm Nguyệt lập chùa Phổ Hiền (gần chùa Kiều Đàm) để tiếp tục thực hiện tâm nguyện học đạo giúp đời của mình. Tại ấp Vạn Hạnh, tự lúc nào người dân địa phương trìu mến gọi ngôi chùa này là chùa Lá, vì chùa mái lá, mộc mạc đơn sơ, mọc lên từ một mảnh đất vốn trước đó rất cằn cỗi. Và nếu ai đó ở phương xa muốn đến chùa, khi hỏi tên này bà con đều tận tình chỉ bảo.
Chùa Phổ Hiền hiện thu hút hơn 1.000 phật tử đến sinh hoạt và có 30 đệ tử ngụ tại chùa tu học. “Cô đi nhiều nơi, thấy nhiều gia đình còn khó khăn về chỗ ở, nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, có khi thiên tai ập xuống bao làng quê. Từ đó, cô thấy không cần xây chùa to cổng lớn, chỉ cần đơn sơ nhưng trang nghiêm để thờ cúng Phật, còn tiền phật tử cúng dường, cô cùng phật tử đi giúp bà con”, ni sư Tâm Nguyệt chia sẻ.
Bước vào chùa, có cảm giác bình yên khi nhìn chánh điện đơn sơ với mái lá ở trung tâm khuôn viên. Sân chùa là nền đất nguyên thủy, không tô trát xi măng, gạch bông hiện đại. Bên cạnh chánh điện là vườn rau xanh mơn mởn và cây cổ thụ, hoa lá xanh mát bao quanh. “Tôi thích đến chùa Lá để lạy Phật và cũng để lòng cảm thấy bình yên trong không gian giản dị, đơn sơ, mộc mạc ở nơi này”, Nguyễn Dương, một phật tử, bày tỏ.

Đem yêu thương đến với bao người

Mấy chục năm qua, đồng hành cùng các phật tử, ni sư Tâm Nguyệt đã san sẻ yêu thương đến hàng ngàn gia đình, hoàn cảnh thương tâm. Đều đặn mỗi tháng, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ni sư cùng phật tử đến thăm và trao tặng quà trị giá 100 triệu đồng/tháng cho 320 gia đình nghèo tại khu chôn lấp rác Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ); thăm và tặng quà cho 118 gia đình tại trại phong Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) từ 30 - 50 triệu đồng/tháng; thăm và tặng quà cho các bệnh nhân tại Khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ 70 - 100 triệu đồng/2 tháng.
“Đó là những địa chỉ cố định chùa thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ từ nhiều năm nay. Tội lắm, nhìn những gia đình khốn khó phải mưu sinh từ rác, hay những bệnh nhi nghèo phải chống chọi với căn bệnh, lòng cô đau lắm”, ni sư tâm sự.
Ấn tượng nhất là chương trình tặng quà cho người mù nghèo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai dịp lễ Phật đản mỗi năm diễn ra tại chùa. Đến ngày giờ ấn định, hàng trăm người mù nghèo được đưa đến chùa từ sớm. Các cô, chú, các dì... bị mất đi nguồn ánh sáng được thưởng thức bữa sáng với món bún chay nóng hổi. Sau đó, ni sư Tâm Nguyệt cùng các phật tử thăm hỏi và tặng quà đến từng người. Ngoài tiền, quà cố định của chùa, các phật tử còn trao thêm tiền và quà, tính trung bình mỗi người nhận được từ 2 - 2,5 triệu đồng/lần/năm.
Không chỉ thế, mỗi khi xảy ra bão lụt, lũ quét, không hề ngại khó ngại khổ, ni sư Tâm Nguyệt đích thân ra tận vùng lũ Quảng Trị, Quảng Nam hay lên tận Yên Bái để trao quà, hỗ trợ bà con, giúp người dân có thêm niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn hoạn nạn. Mỗi ngày, đọc các thông tin liên quan đến thiên tai, hỏa hoạn hay các hoàn cảnh thương tâm trên Báo Thanh Niên, ni sư bắt xe đò lên tòa soạn để đóng góp, đồng hành cùng báo tổ chức cứu trợ, giúp đỡ kịp thời.
Ròng rã nhiều năm qua, ni sư Tâm Nguyệt cùng phật tử xây nhà tình thương cho các gia đình nghèo. Mới đây, ni sư tài trợ 1,2 tỉ đồng để xây dựng 30 căn nhà cho người nghèo ở H.Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ và H.Long Hải (thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu), mỗi địa phương 10 căn.
Tâm sự với chúng tôi, ni sư bộc bạch: “Những gì cô và các phật tử làm còn nhỏ bé lắm. Cô chỉ mong sao các hội đoàn, tu sĩ trên cả nước cùng chung tay giúp đỡ bà con gặp cảnh khó khăn, để ai cũng có được nơi ăn chốn ở ấm áp, đóng được hóa đơn viện phí khi gặp phải bệnh tật ngặt nghèo, hay vượt qua những tai ương của thiên tai, địch họa. Đó cũng là tâm nguyện lớn nhất của cô”.
Thật trân quý biết bao tấm lòng của ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt và quý phật tử chùa Lá, ngôi chùa bình dị đơn sơ, nhưng mang đến sự yên bình cho nhiều tâm hồn, giúp được bao gia đình trong cơn bĩ cực.
Khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn, ni sư Tâm Nguyệt nói ngay: “Nếu Báo Thanh Niên có địa chỉ nào cần giúp khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn phòng dịch bệnh, hãy gọi cô. Cô sẵn sàng tiếp ứng vì đã chuẩn bị sẵn hàng đây rồi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.