TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 ở Q.7: ‘Thích nghi phòng dịch được… mà vẫn ngán!’

19/05/2021 20:35 GMT+7

Không quá hốt hoảng, lo lắng khi gần nhà có ca nhiễm Covid-19 , người dân Q.7 (TP.HCM) cho biết đã qua nhiều đợt dịch nên đã biết cách chủ động để thích nghi được… nhưng mà vẫn ngán.

Tối 18.5, cơ quan chức năng phong tỏa một đoạn đường số 3 (P.Tân Kiểng, Q.7) - nơi ở của ca nhiễm Covid-19 mới tại TP.HCM.
Sáng 19.5, theo ghi nhận của PV, hai đầu đường bị phong tỏa có hàng rào dây thép gai, để bảng: “Khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và bảng “Khu vực hạn chế đi lại”. Phía bên trong có 2 dân quân tự vệ và bảo vệ dân phố ngồi trực, hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa khi cần giao, nhận hàng.

Bệnh nhân Covid-19 ở quận 7 có lịch trình dày đặc: Đi Hải Phòng, làm tóc, nhà sách

Khu vực phong tỏa dài khoảng 100m

Ảnh: Vũ Phượng

Gần đó, một số cửa hàng đóng cửa hoặc chỉ bán mang về, đường phố vắng vẻ, ít người qua lại. Không giống với những đợt dịch trước, ở gần khu phong tỏa nhưng người dân vẫn khá bình tĩnh, nhịp sống không xáo trộn.

Lấy hết bàn ghế rửa xà phòng

Ông Quốc Khải (46 tuổi, bán cơm sát khu vực bị phong tỏa) cho biết, từ 17 giờ ngày 18.5, lực lượng chức năng chở hàng rào dây thép gai đến bắt đầu phong tỏa nhiều căn nhà trên đường số 3, đoạn giao nhau với đường số 10.
Thấy vậy, ông bắt đầu thu dọn bàn ghế chuyển sang bán mang về. Đến ngày hôm nay, quán cơm của ông cũng không phục vụ khách ăn tại quán, bàn ghế vẫn nằm trong góc quán, cả nhà đeo khẩu trang để bán hàng cho khách mua mang đi.

Quán ăn chuyển sang bán mang về

Ảnh: Cao An Biên

“Thu nhập của cả nhà tôi chỉ phụ thuộc vào quán cơm này nên chuyện gần đây có ca nhiễm Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng đến chuyện bán buôn. Bệnh tật không ai muốn cả, thấy vậy thì mình chủ động thay đổi cách thức bán để cùng chung tay vượt qua đại dịch thôi”, ông chia sẻ.
Gần đó, quán cà phê của ông T. đang khép cửa hờ và dán thông báo “chỉ bán mang về”. Phía trước cửa được kê một chiếc bàn chặn lại để tạo khoảng cách giữa người mua và người bán. Tất cả bàn ghế bên trong vừa được chủ quán rửa sạch sẽ bằng xà phòng rồi xếp vào góc gọn gàng.
Ông tâm sự: “Không phải từ hôm qua, mà ngay từ kỳ nghỉ lễ có vài ca Covid-19 trong cộng đồng tôi đã có ý định đóng cửa. Giờ gần nơi sống có bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì nghỉ bán tại chỗ là hợp lý. Đâu thể vì tiền mà đánh đổi sức khỏe, vợ chồng tôi cũng già rồi”, ông nói.

Dân quân tự vệ rửa tay sát khuẩn sau khi giao hàng cho shipper giúp người dân trong khu phong tỏa

Ảnh: Cao An Biên

Bà N.P (55 tuổi, chủ quán nước) thì cho hay, vì kế sinh nhai nên vẫn phải bán buôn, nhưng vừa bán vừa chủ động phòng dịch. Thấy ai đến mua không đeo khẩu trang thì bà P. nhắc nhở, mọi người cũng đều vui vẻ cười rồi lấy khẩu trang ra đeo.
Theo lời bà P. “Tôi bán ở trong quán nhưng vẫn đeo khẩu trang suốt vì không biết ai mắc bệnh ai không. Rồi đùng cái thấy người ta đến phong tỏa gần nhà, nhưng cũng trải qua nhiều đợt dịch rồi chứ đâu phải lần 1, lần 2 nên tôi cũng thấy bình thường”.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 38 tại Việt Nam tử vong – Bệnh nhân 3197

"Ngán dịch"

13 giờ, đường số 10 và đường Phan Huy Thực gần khu vực phong tỏa vắng hơn thường lệ, không gian yên tĩnh, người dân còn bán hàng đều đeo khẩu trang, những người khác vẫn sinh hoạt trước nhà bình thường, chủ động hạn chế tiếp xúc với nhau.
Đứng bên hàng rào phong tỏa chờ lấy đồ đi giao cho khách, một shipper cho biết: “Đến đây thấy vầy tôi cũng không lo lắm, vì thấy đồ mang ra hay mang vô khu vực phong tỏa này đều được dân quân tự vệ xịt khuẩn hết rồi. Ngay cả bản thân shipper cũng tự biết cách bảo vệ mình suốt từ khi có dịch đến nay”.

Gần khu vực phong tỏa vắng xe qua lại

Ảnh: Vũ Phượng

Mới khai trương bán cá cảnh chưa đầy một tuần thì nay gần nhà có ca nhiễm Covid-19, anh Hoàng Long cho biết: “Ai cũng thích nghi được thôi, không bán trực tiếp thì bán online không sao cả, nhưng mà vẫn ngán dịch”.
Trong khi đó, bà Trương Thị Ngọc Tú (56 tuổi, bán nước) thì dọn dẹp nghỉ bán luôn ngay từ chiều tối qua. “Giờ cứ an toàn, bảo vệ sức khỏe là trên hết nên nghỉ luôn cho chắc, nếu phong tỏa 21 ngày thì tôi nghỉ đủ 21 ngày mới tính tiếp. Tôi và người thân cũng hạn chế ra ngoài vào thời điểm này, cứ phải chủ động cho bản thân mình trước”, bà Tú bày tỏ.
Trải qua nhiều đợt dịch, giờ đây người dân TP.HCM không quá hoang mang, lo lắng mà bình tĩnh hơn, biết cách tự bảo vệ mình để phòng chống dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.