Tính đến ngày 4.6, đã 5 ngày Q.Gò Vấp thực hiện phong tỏa toàn quận theo Chỉ thị 16. Việc phong tỏa này được thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường, do đó đường sá nơi này những ngày qua vắng vẻ lạ thường. Cuộc sống người dân những ngày phong tỏa ra sao?
“Chưa thấy được chốt kiểm dịch”
Theo ghi nhận của Thanh Niên chiều 3.6, dù là thời điểm tan tầm nhưng những con đường nổi tiếng đông xe của Q.Gò Vấp như Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung, Dương Quảng Hàm.... vắng vẻ hơn so với ngày thường. Phần lớn các cửa hàng, nhà dân đều đóng, chỉ còn lại những cửa hàng thiết yếu vẫn hoạt động. Ai ra đường cũng kín mít khẩu trang, giữ khoảng cách giữa những ngày phong tỏa.
Anh Phan Long (25 tuổi, ngụ P.5, Q.Gò Vấp) cho biết từ khi biết tin quận mình ở bị phong tỏa anh đã nhanh chóng đi mua thực phẩm về dự trữ rồi ở yên trong nhà.
|
|
“Tôi cũng xin cơ quan cho tôi được làm việc tại nhà, nên mấy bữa nay tôi ở trong phòng suốt, hiếm khi nào đi ra ngoài lắm. 4 ngày rồi, tôi đọc báo thấy Gò Vấp có mấy chốt kiểm dịch nhưng tôi cũng chưa thấy nữa, chỉ xem trên báo thôi. Bình thường tôi ghé mấy tiệm gần nhà mua thực phẩm, rồi tranh thủ về liền chứ dịch này lơ là là không ổn”, anh nói thêm.
Qua cửa sổ của phòng trọ, anh Long nói mình có thể nhìn xuống đường Nguyễn Thái Sơn. Những ngày qua đường phố vắng tanh nên anh có chút không quen. “Từ lúc ở đây tới giờ, lần đầu tôi thấy đường phố vắng vẻ tới vậy đó. Thường cứ sáng sớm hay chiều chiều lúc tan tầm là người xe chen chúc, mà hôm nay xe cộ chạy thoải mái luôn. Nhưng tôi nghĩ đây cũng là một tín hiệu vui, vì điều đó cho thấy người dân ý thức ở trong nhà”, anh chia sẻ.
|
|
Sống trong những ngày giãn cách xã hội, anh Long nói mình không thấy nhàm chán vì luôn tìm việc để làm. Những lúc rảnh rỗi, anh cũng tranh thủ dọn nhà, nấu ăn nên thấy thời gian trôi nhanh hơn. “Chỉ cần không quá đặt nặng việc ở một chỗ khiến mình mất tự do, giữ tâm lý thoải mái thì 15 ngày cũng trôi qua nhanh thôi”, anh nói.
Tương tự, ông M.T (49 tuổi) cũng cho biết những ngày qua, mình cùng gia đình ở nhà và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Ông nói ngày đầu tiên thực hiện việc giãn cách, ông vẫn tranh thủ xin ra chốt kiểm dịch Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng để đi làm.
“Bữa đó đông kinh khủng, tôi chờ lâu mà thêm nắng nữa nên tởn luôn, với lại đông người cũng sợ dịch này kia. Sau bữa đó tôi xin công ty nghỉ, hết phong tỏa thì đi làm lại”, ông T. tâm sự thêm.
Ở trong nhà hoài, ông nói mình cũng thấy ngột ngạt nên đôi lúc cũng đứng trước nhà nhìn ra đường cho đỡ buồn. Chỉ vào con đường phía trước lưa thưa xe cộ qua lại, ông nói rằng Gò Vấp đang trong những ngày bình yên giữa bão Covid-19.
|
|
“Sau này hết dịch, đường này lại đông đúc trở lại thôi. Nhưng đường vắng vẻ cũng có cái hay riêng, đỡ ồn ào, khói bụi. Thôi thì cứ lạc quan chờ đến hết ngày giãn cách, hết dịch bệnh. Tôi tin là chỉ cần người dân tuân thủ tốt quy định của chính quyền địa phương thì mọi việc đâu sẽ lại vào đấy”, ông T. cũng lạc quan nói thêm: “Hết dịch, chắc chắn tôi sẽ cùng mấy ông bạn nhậu một bữa cho đã, bù lại cho mấy ngày này”.
“Đường vắng người nên túi trống không”
Đường sá ít người qua lại cũng là nỗi lo cho những người bán hàng rong trong Q.Gò Vấp. Họ nói giãn cách xã hội, ai cũng muốn ở nhà nhưng vì mưu sinh nên họ vẫn lao ra đường để bán. Dù vậy, họ vẫn tuân thủ tốt 5K để giữ an toàn.
Bà Tô Thị Thu Hương (55 tuổi, ngụ P.8, Q.Gò Vấp) nhìn ra đường Quang Trung vắng vẻ, rồi nhìn lại chiếc xe bánh tráng trộn của mình rồi thở dài. Bán bánh phía trước chợ Hạnh Thông Tây hơn 10 năm qua, bà nói chưa bao giờ mình gặp phải cảnh này.
|
|
“Hôm trước khi có lệnh phong tỏa, tiểu thương chợ đóng sạp hết, chưa bao giờ tôi thấy chợ này vắng vẻ tới vậy. Tôi thì vẫn bán vì bao nhiêu chi phí phải lo, nếu lỡ nghỉ ở nhà 15 ngày thì biết phải làm sao đây”, bà phân trần.
Từ sáng đến giờ, bà nói đường sá vắng người qua lại nên việc buôn bán của mình không được bao nhiêu. Bình thường bà bán 10, nay chỉ còn 1 nhưng được đồng nào hay đồng đó, nhất là trong thời điểm này thì bấy nhiêu đó cũng là lớn lắm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu (50 tuổi) bán trái cây gần chợ Gò Vấp cho biết mấy ngày qua, bà ở trong nhà không dám đi đâu. “Nhưng mà nghỉ mấy ngày ngứa tay ngứa chân, nên tôi cũng ra bán thử coi sao. Hàng mình cũng là nhu yếu phẩm cần thiết mà. Nhưng sáng giờ ế quá, bán cả một ngày mà được có 5 ký thì thua rồi. Đường ít người nên túi trống, xẹp lép. Tôi đang tính xem mai có tiếp tục bán không”, bà tâm sự.
|
Thấy có khách đến mua, bà Thu vui mừng tư vấn cho khách sau 2 lớp khẩu trang dày cộm. Bà giữ khoảng cách, nhờ khách tự lựa trái cây rồi để tiền lại, khách đi bà mới ra lấy tiền.
“Dịch nên dù buôn bán vẫn phải tuân thủ tốt việc giữ khoảng cách. Trưa giờ mấy chị em ai cũng xôn xao việc F3 mà cũng bị nhiễm bệnh, nên lại càng sợ hơn”, bà lo lắng.
Bà Thu tâm sự sở dĩ bà vẫn muốn đi bán trong thời điểm này phần là vì “ngứa tay ngứa chân”, phần là vì bà cũng muốn có tiền để trang trải các chi phí trong gia đình. Bà tiếp lời: “Nào là tiền trọ, tiền ăn uống, tôi bán ngày nào ăn ngày đó chứ không dư dả nên giờ còn bán được thì ráng bán thôi. Mong sao dịch bệnh sớm qua để Gò Vấp nhộn nhịp như trước kia. Nhớ lắm!”.
Bình luận (0)