Theo ghi nhận, không khí Phật đản đã về rộn ràng trên đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mới đây, 7 bông hoa sen vàng lớn đã được hạ thủy trên kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè để kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565 bởi trụ trì Quan Âm Tu Viện (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và Phật tử.
Chia sẻ với Thanh Niên, Thượng tọa Thích Tâm Hải (Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM) cho biết nhằm tránh tập trung đông người và đáp ứng nhu cầu nghe pháp của Phật tử, trong Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565, Ban Hoằng pháp kết hợp với Ban Thông tin - Truyền thông và Báo Giác Ngộ tổ chức thực hiện thuyết giảng online mỗi ngày vào các khung giờ 8 giờ 30 phút mỗi sáng và 14 giờ 30 phút buổi chiều từ ngày 8.4 đến 15.4 (âm lịch).
Hòa thượng Thích Giác Toàn (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó tổng biên tập thường trực Báo Giác Ngộ, trụ trì Pháp viện Minh Đăng Quang) cho biết năm nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Đại lễ Phật đản tại chùa được thực hiện đơn giản và áp dụng đầy đủ các biện pháp 5K để phòng dịch.
"Năm bình thường Đại lễ sẽ tổ chức lớn lắm, các tịnh xá ở trong thành phố về chùa nên cũng trên 1.000 người, nhất là vào các buổi chiều tối từ 17 giờ đến 19 giờ. Năm nay chùa cố gắng gói gọn. Chùa cũng tối giản việc treo cờ, chỉ treo bằng 1/5 những năm không có dịch", Hòa thượng chia sẻ.
|
|
|
Trước đó, Ban trị sự Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã phổ biến công văn hướng dẫn tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2565 tại TP.HCM. Theo đó, Giáo hội cấp Thành phố sẽ chính thức cử hành Đại lễ Phật đản Phật lịch 2565 từ 6 giờ đến 7 giờ 30 ngày 26.5 (ngày 15.4 âm lịch).
Đối với Giáo hội cấp quận huyện, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN 24 quận huyện phải có văn bản báo trình về công tác tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2561 tại địa phương với Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN Thành phố và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp quận huyện để biết và quan tâm hỗ trợ.
Địa điểm, tại trụ sở các Ban Trị sự Phật giáo quận huyện, có thể linh hoạt chọn cơ sở tự viện khác tại địa phương nhằm hội đủ không gian, đáp ứng được quy chuẩn phòng, chống dịch Covid-19 theo đề nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và chính quyền địa phương, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhưng phải thể hiện tính đoàn kết, phù hợp tinh thần Đạo pháp - Dân tộc.
Thời gian tổ chức tương tự như Ban Trị sự Phật giáo Thành phố triển khai, thực hiện tại kế hoạch số 170/KH-BTS; Thành phần tham dự gồm chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tại địa phương (không quá 30 vị), không tập trung Tăng Ni, Phật tử đại chúng tham dự. Nội dung, chương trình các Ban có thể linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện, tình hình và nhu cầu thực tế tại địa phương.
|
|
|
Đối với các cơ sở tự viện Giáo hội trên địa bàn thành phố, thời gian tổ chức Đại lễ Phật đản tương tự như Ban Trị sự Phật giáo Thành phố triển khai, thực hiện; có thể vận dụng thời gian sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế từng cơ sở.
Tại tư gia Phật tử, tín đồ Phật giáo trên địa bàn TP.HCM vận dụng các tiện ích trên các phương tiện công nghệ kết nối online với các cơ sở tự viện, Giáo hội cấp quận huyện và thành phố về nội dung Phật đản để thể hiện lòng tôn kính Đức Phật và cầu nguyện “Quốc thái dân an”, nạn dịch Covid-19 sớm kết thúc.
|
|
|
Bình luận (0)