Ngang nhiên cưa trộm suốt 3 giờ đồng hồ
Bà Trần Thị Mai Phương (ngụ đường Trần Bình Trọng, P.5, TP.Đà Lạt) cho hay nhà bà vừa bị trộm đào mất cây hồng cổ (dạng leo) giống Pháp khoảng 15 năm tuổi, đường kính hơn 10 cm trồng trước sân.
“Nhà tôi cũng thuộc dạng “kín cổng cao tường” và ở khu vực an ninh tốt, thế mà bọn trộm vẫn liều lĩnh đột nhập dùng cưa cắt ngang thân cây rồi đào luôn phần gốc. Điều đáng nói, qua xem lại camera tôi thấy để trộm cây, đối tượng thực hiện trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ (từ 0 giờ đến gần 3 giờ sáng). Tôi cảm thấy rất bất an bởi kẻ trộm ngang nhiên cưa, đào trong suốt nhiều giờ đồng hồ như chốn không người!”, bà Phương bức xúc.
Sau vụ trộm hồng cổ nhà bà Phương 2 ngày, tối 3.8 kẻ trộm đột nhập khuôn viên gia đình bà Đỗ Quyên (đường Phan Bội Châu, P.1, TP.Đà Lạt) đào một gốc hồng cổ Sa Pa 17 năm tuổi có giá trên 15 triệu đồng.
|
Trước đó, sáng 15.7, ông Hồ Phước Đức (ngụ khu Hòn Bồ, P.12, TP.Đà Lạt) phát hiện kẻ trộm bứng mất 2 cây hoa hồng Sa Pa cổ có tuổi đời hơn 20 năm đang ra hoa rất đẹp của gia đình.
Vụ này, Công an TP.Đà Lạt đã phá án, khởi tố, bắt tạm giam 4 người (từ 23 - 31 tuổi) và trả lại cây cho khổ chủ. Khám xét nơi trú ngụ của các đối tượng này ở khu Nam Hồ, công an phát hiện thêm 15 gốc hồng cổ khác đang được cất giấu tại đây. Bước đầu, các đối tượng khai nhận những gốc hồng trên đào trộm tại các điểm công cộng mang về chăm sóc cho nảy mầm rồi bán tại cho các điểm kinh doanh cây cảnh trên địa bàn.
Lợi nhuận khổng lồ cho người bán cây
tin liên quan
Phong cách Đà Lạt, làm gì để giữ?Ông Nguyễn Văn Thanh Bình, một người chuyên chơi cây cảnh “độc” ở Đa Thiện (P.8, TP.Đà Lạt), nhận định: “Để có cây hồng cổ đường kính gốc từ 10 - 15 cm, người trồng phải mất 20 - 50 năm, còn chiết cành trồng thì ít nhất cũng mất 10 - 20 năm, nên người chơi mới tính đến chuyện mượn gốc ghép. Từ gốc cây hồng cổ, người chơi ghép vào nhiều loại hoa hồng khác, chỉ cần mắt ghép của loài này sống được, cây sống được thì lập tức họ có cây hoa hồng giá trị cao. Ở Đà Lạt, cây hoa hồng cổ rất quý và hiếm nên trở thành mục tiêu của bọn trộm”.
Theo ông Hồ Phước Đức, một người chơi hồng cổ: “Loại cây này có giá trị rất cao và là giống đặc hữu, trồng rất lâu mới có cây lớn. Kẻ trộm cây về bán cho các điểm kinh doanh cây cảnh với giá chỉ khoảng 800.000 - 1 triệu đồng, nếu các điểm này sang tay lại giá khoảng vài ba triệu, nhưng nếu như họ dùng làm thân ghép thì sau mấy tháng thì đã có giá hàng chục triệu, thậm chí nếu tạo thế bonsai lên đến hàng trăm triệu đồng".
"Đặc biệt, phải có gốc và thực hiện việc ghép ở Đà Lạt thì cây mới dễ sống, nên kẻ trộm mới cố đào cho được gốc, đồng thời được sự “tiếp tay” của các điểm thu mua ngay tại Đà Lạt nên bọn trộm mới hoạt động mạnh như vậy”, ông Đức nói thêm.
Theo Công an TP.Đà Lạt, đây là loại trộm cắp tài sản mới xuất hiện trên địa bàn. Hoa hồng cổ thường được các gia đình trồng làm cảnh, trang trí trước nhà nên dễ bị kẻ trộm để ý. Công an Đà Lạt đang tiếp tục điều tra xử lý các vụ việc người dân trình báo mất trộm, đồng thời tăng cường tuần tra ban đêm để bảo vệ tài sản cho dân.
Bình luận (0)