Cha “tiên phong” chọn nghề bán vé số dạo
Sống ở vùng nông thôn xã Tường Lộc, H.Tam Bình (Vĩnh Long), vợ chồng cụ Nguyễn An (80 tuổi) và cụ Lê Thị Hường (72 tuổi) khá vất vả mưu sinh. Ở quê nhưng không đất đai, lớn nhỏ đều đi làm thuê kiếm sống. Trong 7 người con của ông bà, người học cao nhất cũng chỉ vừa bước qua cấp 2 rồi phải nghỉ, rày đây mai đó, ai thuê gì làm nấy. Vì vậy, năm 1997, cụ An bàn với gia đình rằng ông sẽ đến Long An tìm nghề mới sinh sống, đó là nghề bán vé số dạo.
“Nghe nói trên đó đang phát triển, dân khá giả và người chơi vé số cũng nhiều nên chồng tôi thử một chuyến. Ngày đón xe rời quê, ổng chỉ có 2 bộ quần áo nhàu nát, tiền mang theo vừa đủ mua hơn 100 tờ vé số và ít bạc lẻ để ăn xôi, uống trà đá”, cụ Hường nhớ lại.
4 tháng rồi 5 tháng trôi đi, gia đình mòn mỏi đợi tin cụ An báo về nhưng vô vọng. Các con nhớ cha lo lắng chẳng biết biết tìm ở xứ nào, muốn đi không có tiền, cứ thấp thỏm chờ đợi bóng dáng của người cha khắc khổ.
Đúng nửa năm sau. Khi màn đêm buông xuống, nhà nhà lên đèn, cụ An bất ngờ xuất hiện: “Tôi về rồi nè má nó và các con ơi”. Cả gia đình vui mừng không cầm được nước mắt. Lúc đó, cụ An cầm xấp tiền hơn 5 triệu đồng, giọng run run: “Ăn uống, chi phí nhà trọ còn dư được chừng đó cũng thấy kha khá đúng không. Ở trên đó nhiều khu công nghiệp, đời sống người dân khá giả, dễ thở hơn dưới mình, hay là cho hai đứa lớn theo tôi”.
Đêm đó, gia đình ngồi bàn bạc rồi cuối cùng quyết định cho hai cô con gái là bà Nguyễn Thị Mai (nay đã 45 tuổi), bà Nguyễn Thị Cảnh (nay 36 tuổi) lên Long An “lập nghiệp” với cha bằng nghề “ai mua vé số không”.
Bị khách chửi “con gái gì vô duyên”
Từ chỗ chân ướt, chân ráo đến nay, 3 người con gái lớn của cụ An là bà Mai, bà Cảnh và bà Nguyễn Thị Nga (34 tuổi) đã có gia đình, cuộc sống ổn định tại Long An. Họ xem đây là quê hương thứ hai của mình. “Ngày đó khó khăn lắm nhưng tụi tôi cố gắng bán từ sáng sớm đến khuya. Mong vé số bán ngày càng tăng để có tiền phụ cha mẹ và sửa nhà cửa dưới quê cho ổn định”, bà Mai kể.
|
Bà Mai kể lần đầu cầm xấp vé số đi mời khắp cả tiệm ăn uống, rồi ra bến xe, bến tàu và đi bộ dọc các con đường… cứ nơi nào có bóng người là chị “sáp” tới liền. Tờ mờ 5 giờ sáng, chị em chị rời nhà trọ đến 3 giờ chiều mới về, nụ cười luôn nở trên môi vì bán được 250 tờ, còn cụ An bán 200 tờ. Thấy nhiều người uống cà phê, đi chơi ở công viên, hai chị em bàn nhau lấy số tăng lên và bán cả ban đêm.
Bà Cảnh nhớ lại, do mới tập tễnh vào nghề nên không ít lần mời mua bị khách chửi ngay tại bàn ăn. Một lần, hai chị em cùng bước vào quán ăn rất đông khách, nhiều đôi nam nữ đang ăn vui vẻ, bà đưa xấp vé số mời mua liền bị đáp lại: “Lịch sự tí đi, bộ đui hay sao, người ta ăn mà dí vé số vào miệng. Con gái gì vô duyên”. Nghe vậy, nhiều người nhìn về một hướng chú ý. “Lúc đó, chị em tôi muốn độn thổ. Tôi lí nhí xin lỗi rồi bước ra”, bà Cảnh kể.
Con dâu “nối nghiệp” ngoại và mẹ chồng
Năm 2003, bà Nga cũng theo cha và 2 chị lên Long An gia nhập nghề bán vé số. Ba chị em bán cho khách trúng một số giải độc đắc, mỗi lần như vậy được họ thưởng cho vài chục triệu đồng.
Bán lâu năm ở trung tâm TP.Tân An, nhiều khách mua thành bạn hàng thân thuộc nên mỗi người bán trung bình ngày 400 vé, tiền lời 440.000 đồng/ngày. Thu nhập này có thể nói là rất cao so với đồng lương lao động phổ thông khác.
Ít lâu sau, bà Mai lấy chồng làm nghề phụ xe ở TP.Tân An. Sau đó chồng bà Mai bỏ nghề, theo vợ bán vé số. Nhiều người thầm khen vì vợ chồng chị bán trung bình 800 tờ/ngày (lời 880.000 đồng). Năm 2018, bà Mai có dâu. Cô con con dâu cũng theo mẹ chồng làm nghề bán vé số. Mỗi lần gặp, cô này luôn khoe: “Con bán gần 200 tờ chứ không ít đâu".
Bây giờ, ba chị em bà Nga đều có chồng tại TP.Tân An, gia đình đều có cuộc sống tương đối ổn định. Thế nhưng, hằng ngày họ vẫn len lỏi khắp các ngã đường để bán vé số dạo.
“Cách đây 7 năm, ba tôi sức khỏe yếu nên nghỉ về quê, sau đó ông mất vì tuổi già. Tụi tôi nhớ hoài lời ba hay nói: Bán vé số cực khổ, vất vả nhưng thu nhập vẫn tốt hơn so với nhiều nghề khác. Mình làm ăn chân chính, trung thực là khách sẽ quý mình”, bà Nga chia sẻ.
|
Bình luận (0)