Luôn hướng về gia tiên
Mỹ và Ấn Độ là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm qua. Người gốc Việt sống tại những quốc gia này đều đã trải qua khoảng thời gian đầy biến động và họ vô cùng nhớ quê nhà vào thời điểm cuối năm khi Tết cổ truyền Việt Nam đang đến gần.
Vợ chồng chị Jane Nguyen hiện đang sống tại thành phố Thrissur, bang Kerala, Ấn Độ. Chị cho biết đây là cái Tết thứ 2 chị ở lại Ấn Độ và không được đón năm mới với cha mẹ mình tại Việt Nam. Với chị, sau một năm đầy biến động, lúc này chị cảm thấy rất nhớ nhà, nhớ không khí Tết Việt Nam.
|
“Ở đây số người Việt không nhiều và ở cũng xa nhau. Lại thêm đại dịch nữa nên mọi người năm nay ít đi lại thăm hỏi nhau hơn, chắc là chỉ chúc mừng nhau qua mạng xã hội. Người Việt Nam ở Ấn Độ có một nhóm trên mạng xã hội để mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện, bán những đồ truyền thống của Việt Nam…”, chị Jane Nguyen nói.
Dù ở xa nhưng chị luôn hướng về gia tiên, chị sẽ làm những mâm cúng để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên dịp này. “Vợ chồng mình năm nay ở lại Ấn và chuẩn bị 1 số món ăn để cúng bàn thờ gia tiên ngày 30, mùng 1 tết để tưởng nhớ ông bà và hướng lòng mình về văn hóa Việt Nam. Ở đây mình chuẩn bị những món ăn truyền thống của người Việt Nam như thịt kho, canh khổ qua, mứt dừa, mứt gừng hay những loại trái cây cúng. Mình làm vậy nhằm chia sẻ mùi vị Tết Việt cho gia đình chồng là người Ấn để họ hiểu mình hơn, hiểu phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt Nam hơn”.
|
Dạy con về Tết của người Việt
Chị Kim Hiếu là người sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tại gia đình chị sống chủ yếu ở bang Washington (Mỹ), đến mùa đông chị chuyển sang nhà tại Maui (Hawaii). Sang Mỹ được 6 năm, chị Hiếu có 6 cái Tết ở nơi xa xứ này.
Người phụ nữ xúc động kể rằng chị có em bé khi mới sang Mỹ nên ở nhà chăm con và vun vén gia đình. 4 năm đầu, chị về Việt Nam thường xuyên do chồng chị hay về công tác, có khi một năm về 2 lần. Nhưng chưa khi nào về trùng dịp Tết để ăn Tết với gia đình. Năm nay cả gia đình có dự định về ăn Tết Việt Nam nhưng lại vướng dịch Covid-19, một lần nữa chị lỡ hẹn với Tết quê nhà.
|
Tâm sự với Thanh Niên, chị Hiếu nói: “Tết ở Mỹ không phải là ngày nghỉ, nên không rộn ràng như ở Việt Nam. Mấy năm đầu mới sang, tôi rất buồn, khi đó mới sinh nên nhạy cảm nữa. Có khi dịp Tết rơi vào đợt ông xã đi công tác, chỉ có 2 mẹ con ở nhà, lại không có nhiều bạn bè, chỗ ở xa cộng đồng người Việt, tôi chưa biết lái xe nên rất là tủi thân, khóc hoài. Dù vậy tôi vẫn cố gắng nấu nướng cúng trong nhà và cúng giỗ ba vì ba tôi mất vào dịp Tết”.
“Cái Tết đầu bên này, con trai tôi chưa đầy 2 tháng tuổi, ông xã đi công tác, tôi ở nhà vừa chăm con, vừa cố gắng làm bữa cơm chay cúng giỗ. Lúc loay hoay làm thì con khóc đến lúc xong dọn lên cúng, vừa đốt nhang chưa kịp khấn thì tôi bật khóc nức nở. Cảm giác lúc đó không biết nói sao nữa, chữ buồn không thể tả hết được tâm trạng” chị Hiếu xúc động.
|
Những năm về sau con trai chị dần lớn, chồng chị cũng tránh ngày công tác vào dịp Tết nên không khí Tết trong gia đình chị vui hơn. Con trai chị luôn được chị cho diện áo dài và nhà cửa luôn được trang trí tươm tất để đón Tết. Mỗi năm, dù không rình rang nhưng gia đình chị đều trang trí nhà cửa, gói bánh tét, khắc dưa, dạy con chúc Tết và lì xì đầu năm để con biết về văn hoá Tết cổ truyền Việt Nam.
Chị kể: “Phía sân sau nhà tôi còn dựng hẳn một góc quê có lu nước mưa, gáo dừa và chum vại với hình ảnh quê hương để cho con lớn lên với những kỷ niệm tuổi thơ mang hồn Việt trong đó. Tôi nhớ năm ngoái, lúc đang khắc dưa bé hỏi tôi “Mami, is that for Tet?". Lúc tôi nghe chữ Tết phát ra từ miệng con, dù ngọng nghịu chưa tròn nhưng tôi vui vô kể vì tôi biết ý nghĩa của Tết đã dần hình thành trong đầu con rồi”.
Hiện tại gia đình chị đang đón Tết Việt dưới bầu trời Mỹ, bánh tét. Thiếu gia đình và bạn bè, chắc chắn những Việt kiều này sẽ rất buồn trong thời điểm này nhưng họ vẫn luôn thầm biết ơn vì gia đình họ được sức khỏe, bình an.
Bình luận (0)