Vì sao cây xanh TP.HCM bật gốc, ngã đổ trong mùa mưa?

05/06/2020 19:47 GMT+7

Việc đô thị hóa, thi công vỉa hè, ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp thoát nước, đổ hóa chất vào gốc cây… làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nguy cơ bậy gốc, ngã đổ của cây xanh ở TP.HCM.

Ngày 26.5, cây phượng trong trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) bật gốc khiến 1 học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương khiến dư luận bàng hoàng. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì ngày 28.5, một cây phượng khác cạnh cổng phụ trường ĐH Văn hóa TP.HCM (Q.9, TP.HCM) cũng bất ngờ bật gốc vắt ngang qua đường, đè trúng một xe tải đậu gần đó.
Trưa 30.5, sau cơn mưa kèm giông, một số cây xanh trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị gió quật gãy nhánh, đổ ra đường; một cây xanh trên đường Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM) cũng bị bật gốc trong cơn mưa này,...
Mùa mưa những năm trước, nhiều sự cố cây xanh tương tự cũng liên tục xảy ra, từng gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người đi đường. Năm nay, mùa mưa chỉ mới bắt đầu nhưng nhiều sự cố tương tự tái diễn khiến người dân phập phồng lo lắng.

Vì sao cây dễ bật gốc trong mùa mưa?

Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM là một trong những đơn vị thực hiện duy tu chăm sóc cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh trên địa bàn các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Nhà Bè theo hình thức đấu thầu – chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Hiện, Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM đang chăm sóc khoảng 88.000 cây xanh trên địa bàn TP

Ảnh: Khả Hòa

Trên địa bàn TP hiện nay, ngoài công ty còn nhiều đơn vị duy tu chăm sóc cây xanh như: Công ty Dịch vụ Công ích các quận, các công ty tư nhân.
Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đã thường xuyên cắt, mé cành, nhánh, lấy nhánh khô,… hệ thống cây xanh theo kế hoạch và quy trình kỹ thuật do các chủ đầu tư thông qua.
Công ty thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh mà công ty đang thực hiện duy tu, chăm sóc bảo dưỡng để đề xuất chủ đầu tư thực hiện các công tác như thu gọn tán, cắt thấp, lấy nhánh khô, cắt tỉa cành nhánh nặng tàn trong mùa ra trái, đốn thay thế các cây chết khô, sâu bệnh,…

Nhiều cây xanh có dấu hiệu đều được xin ý kiến để đốn hạ, tỉa cành hoặc mé nhánh trước mùa mưa bão

Ảnh: Khả Hòa

Bên cạnh đó, công ty tăng cường kiểm tra phát hiện kịp thời các cây xanh có nguy cơ mất an toàn; cây bị chết khô; cây bị khiếm khuyết, hư hại (sam, mục, bọng), các hành vi vi phạm xâm hại đến hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh để đề xuất xử lý.
Theo công ty này, các sự cố cây xanh (nhánh gãy, cây ngã…) thường xảy ra trong mùa mưa bão, đặc biệt là khi mưa lớn kèm giông lốc…  
“Việc đô thị hóa, thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa lưới điện và các tuyến ống cấp nước, thoát nước, phát quang đường dây diện, xâm hại cây xanh (cụ thể là hành vi đổ hóa chất vào gốc cây) làm giảm sức chống chịu của hệ rễ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ và ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống cây xanh của TP”, đại diện công ty nhận định.

Công việc của nhân viên Công ty Công viên Cây xanh là tuần tra, duy tu cây mỗi ngày

Ảnh: Khả Hòa

Hiện Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM đang duy tu chăm sóc khoảng 88.000 cây. Khối lượng cây xanh được chủ đầu tư giao hoặc thông qua đấu thầu được công ty duy tu, chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên định kỳ theo quy trình kỹ thuật và được chủ đầu tư nghiệm thu hàng tháng. Công tác cắt tỉa, mé nhánh, kiểm tra, rà soát cây xanh được thực hiện ngay từ đầu năm và trước mùa mưa bão hằng năm nhằm hạn chế sự cố cây xanh.

Cây xanh TP.HCM được chăm sóc thế nào?

Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết, hiện đang chăm sóc khoảng 6.000 cây xanh trong danh mục cây cấm trồng trên đường phố. Hầu hết, các cây xanh này do người dân tự trồng. Trong quá trình duy tu, chăm sóc, công ty thường xuyên rà soát, thống kê đề xuất chủ đầu tư bổ sung vào hồ sơ chăm sóc nhằm hạn chế sự cố cây xanh.

Đối với cây cổ thụ, cây xanh loại 3 ở một số quận trung tâm, công viên Tao Đàn, công viên 23 tháng 9, nhân viên kỹ thuật của công ty cây xanh thường xuyên tuần tra, kiểm tra để ghi nhận tình trạng sinh trưởng

Ảnh: Khả Hòa

Với những cây cổ thụ, cây xanh loại 3 ở một số quận trung tâm, công viên Tao Đàn, công viên 23 tháng 9, nhân viên kỹ thuật của công ty cây xanh thường xuyên tuần tra, kiểm tra để ghi nhận tình trạng sinh trưởng và phát triển của tán lá, tình trạng sâu bệnh, tình trạng cây. Từ đó, công ty đánh giá đề xuất biện pháp xử lý phù hợp như đốn hạ hay cắt thấp để đảm bảo an toàn.
Theo công ty, cây xanh trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng các cơ quan… thuộc quyền quản lý của chính các đơn vị đó và đơn vị sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về những câu xanh trên.
Các cây xanh cần được duy tu chăm sóc, bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật: Cắt mé cành nhánh nặng tàn, nhánh vươn dài, nhánh xụ, rong chồi,… Công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh rất quan trọng, sẽ phát hiện những khiếm khuyết, hư hại cũng như những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn… nhằm đưa ra giải pháp và xử lý kịp thời, hạn chế sự cố cây xanh xảy ra.

Những đơn vị có trồng cây xanh cần liên hệ công ty có chuyên môn để kiểm tra, đánh giá tình trạng cây định kỳ

Ảnh: Khả Hòa

“Việc đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây rất khó vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân, như khi bị ngập do triều cường, biến đổi khí hậu, mưa giông, lốc xoáy…”, đại diện công ty nói.
Do vậy, công ty khuyến cáo các cơ quan, đơn vị có trồng cây xanh cần liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn nên chọn chủng loại cây nào phù hợp, có kiểm tra, đánh giá và xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.