Hai xóm “ốc đảo” Liên Hòa và Liên Châu nằm biệt lập với trung tâm xã Đức Liên bởi con sông Ngàn Sâu. Người dân và học sinh ở các xóm này không còn cách nào khác là phải đi lại bằng đường thủy. Còn hai xóm Tân Lệ và Bình Quang dù nằm sát trung tâm xã Đức Liên, nhưng hầu hết diện tích đất nông nghiệp và đất rừng, lại nằm ở hai xóm “ốc đảo” bên kia sông Ngàn Sâu.
Từ nhiều đời nay, người dân ở cả 4 thôn này phải ngày ngày chèo thuyền qua sông để sản xuất, học hành,
đánh cược mạng sống với hà bá. Cả 4 thôn chỉ có duy nhất một con đò phục vụ chở người, phương tiện, nông cụ, vì nhu cầu đi lại của người dân quá lớn. Vì vậy, vào ngày mùa, người dân phải tự "sáng tạo" ra cách vận chuyển nông sản về nhà.
Phương tiện đi lại của người dân nơi đây chỉ có con thuyền có người chèo Ảnh Phạm Đức
|
Thời điểm này, khi lúa vụ xuân bước vào thời kỳ thu hoạch, người dân thuộc thôn Tân Lệ và Bình Quang lại sửa sang xe trâu để vận chuyển lúa từ bên kia con sông Ngàn Sâu về nhà. Dù biết hiểm nguy luôn rình rập nhưng ai cũng chỉ biết tặc lưỡi: “Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phó mặc mạng sống cho ông trời”.
Chứng kiến cảnh người dân tròng trành trên con thuyền để qua sông, dưới nước hàng trăm người, bao gồm cả đàn ông và đàn bà, điều khiển xe trâu chở lúa, chúng tôi mới hiểu được nỗi cơ cực của người dân nơi đây.
Không có cái khổ nào bằng
Vừa bước xuống thuyền để về nhà sau một ngày gặt lúa, ông Trần Đức Hậu (77 tuổi) thở dài: "Gia đình tôi có 7 sào ruộng và 2 sào đất nằm bên xóm Liên Hòa. Năm nào cũng thế, cứ đến mùa gieo trồng, gia đình lại phải chuyển nông cụ, giống, phân bón… lên thuyền qua sông. Trâu bò, xe kéo thì phải "bơi" dưới nước. Đến vụ thu hoạch thì khổ hơn, lúa và rau màu phải chở bằng xe trâu “bơi” qua sông vì thuyền chỉ đủ để chở người và phương tiện. Người dân chúng tôi mong ước một cây cầu từ lâu lắm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có. Tại đây, đã có hàng chục người chết vì chèo thuyền qua con sông này”.
Thuyền chở người và phương tiện, còn xe trâu chở lúa phải "bơi" qua sông Ảnh Phạm Đức
|
Vừa hoàn thành cú vượt sông ngoạn mục bằng xe trâu, anh Trần Xuân Đồng (43 tuổi) cho hay, mỗi ngày những “tài xế xe trâu” chở ít nhất 2 chuyến lúa vượt sông Ngàn Sâu vào cuối 2 buổi trong ngày. “Thời điểm này nước sông xuống cạn nên việc điều khiển xe trâu qua sông cũng dễ hơn. Nhưng vào những ngày trời mưa, nước dâng cao, nhiều khi cả trâu, xe kéo và người bị nước đẩy trôi cách bến đò rất xa. Người dân phải khó khăn lắm mới điều khiển được xe trâu lên bờ”, anh Đồng nói về một trong những hiểm nguy mà người dân phải đối mặt.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đức Liên, cho biết đây là một xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn nhất của H.Vũ Quang và tỉnh Hà Tĩnh. Xã có tổng diện tích là 2.262 ha, chia thành 6 thôn, nằm ở dọc 2 bên bờ sông Ngàn Sâu. Toàn xã Đức Liên có 662 hộ dân, thì chỉ riêng 2 xóm “ốc đảo” Liên Châu và Liên Hòa đã chiếm gần một nửa dân số, với 250 hộ và hơn 1.300 nhân khẩu. Hơn 200 hộ ở thôn Tân Lệ và Bình Quang có hàng trăm ha diện tích sản xuất nông nghiệp nằm ở 2 xóm "ốc đảo".
“Về mùa mưa, việc đi lại của bà con hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, về mùa thu hoạch nông sản cũng nhiều rủi ro, đã có nhiều vụ người dân bị cuốn cả trâu, lúa và nông sản. Những ngày này, bình quân mỗi gia đình đi gặt 2 buổi, đồng nghĩa phải chở 2 chuyến lúa qua sông. Vì thế mỗi ngày, gần 500 chuyến xe trâu, xe bò chở lúa qua sông về nhà", ông Hùng nói và thiết tha mong muốn các ngành, các cấp xây dựng cho người dân
cây cầu cứng để đi lại thuận tiện hơn.
Những hình ảnh PV Thanh Niên ghi lại:
Người và trâu bì bõm vượt sông Ngàn Sâu Ảnh Phạm Đức
Tròng trành dưới dòng nước chảy xiết Ảnh Phạm Đức
Có cả "tài xế xe trâu" là phụ nữ Ảnh Phạm Đức
Chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ Ảnh Phạm Đức
Cập bến sau 20 phút vượt sông Ảnh Phạm Đức
|
Bình luận (0)