Sau trận gặp New Zealand ngày 10.7, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đấu giao hữu với Tây Ban Nha vào ngày mai (14.7). 2 trận đấu với 2 đối thủ có trường phái chơi bóng khác nhau là cơ hội để đội tuyển nữ Việt Nam tích lũy kinh nghiệm, nhìn thấy những mặt còn hạn chế trong lối chơi.
Ở cuộc so tài với chủ nhà New Zealand, dù đã chơi nỗ lực nhưng đội tuyển nữ Việt Nam đã phô bày nhược điểm lớn ở khâu phòng ngự. Đó là khả năng tranh chấp, chọn vị trí cũng như phối hợp kèm người thua kém đối thủ.
Chỉ nhận 2 bàn thua, nhưng các học trò của HLV Mai Đức Chung để đối thủ dứt điểm tới 27 lần. Nếu thủ thành Kim Thanh không chơi xuất thần với 10 tình huống cứu thua, số lần thủng lưới của đội tuyển nữ Việt Nam đã vượt qua một bàn tay.
Soi thực lực 3 đối thủ Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha của ĐT nữ Việt Nam ở World Cup 2023
Những xộc xệch trong khâu phòng ngự trước tiên xuất phát từ hàng công, khi các tiền vệ, tiền đạo không cầm được bóng tổ chức phản công, dẫn đến để đối thủ thoải mái tràn đội hình lên gây áp lực cho hàng thủ. Tuy nhiên, những hậu vệ của HLV Mai Đức Chung cũng có trận đấu thiếu chắc chắn, chưa ăn ý trong phối hợp. Dễ thấy nhất là khoảng trống giữa trung vệ lệch cánh và hậu vệ cánh không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến để tiền đạo New Zealand dễ dàng khoan thủng.
Nếu bàn thua đầu tiên đến từ lỗi cá nhân của Trần Thị Thu Thảo với pha phá bóng hụt, bàn thua thứ hai là kiểu phối hợp đội tuyển nữ Việt Nam sẽ phải đối mặt thường xuyên ở World Cup 2023. Đó là các tiền vệ, tiền đạo đối thủ tìm được khoảng hở sau lưng hậu vệ Việt Nam, tận dụng sự thiếu quyết đoán trong kèm người để phối hợp ghi bàn.
Trong bối cảnh không thể sánh với đối thủ ở thể hình, thể lực, kỹ thuật lẫn tư duy chiến thuật, đội tuyển nữ Việt Nam cần bù đắp khiếm khuyết bằng lối chơi phòng ngự chặt chẽ và khôn ngoan.
Ở cuộc so tài với đội tuyển nữ New Zealand, HLV Mai Đức Chung đã điều chỉnh hệ thống phòng ngự trong hiệp 2 khi thay thế trung vệ Thu Thương bằng Hải Linh, hay Thu Thảo bằng Vạn Sự. Dù trong hiệp đấu này New Zealand giảm áp lực, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam cũng chơi ổn định và nhịp nhàng hơn.
Điều đó cho thấy dù vẫn có khoảng cách rất lớn giữa đội tuyển nữ Việt Nam và những đối thủ hàng đầu thế giới (mà không thể san lấp trong thời gian ngắn), nhưng nếu đủ kiên trì, các học trò của HLV Mai Đức Chung vẫn có thể nuôi hy vọng.
Nếu hàng tiền vệ và tiền đạo đã định hình xong bộ khung nhân sự, hàng phòng ngự vẫn là nơi ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam đang tìm kiếm những mảnh ghép ưu tú nhất. Sơ đồ 5 hậu vệ, với 3 trung vệ và 2 cầu thủ chạy cánh đã được HLV Mai Đức Chung thử nghiệm ở SEA Games, nhưng đến nay mới cố định được 3 vị trí. Đó là Trần Thị Thu và Diễm My ở trung tâm hàng thủ, cùng Hoàng Thị Loan ở cánh trái. Vị trí còn lại trong bộ ba trung vệ cùng hậu vệ cánh phải vẫn là cuộc chạy đua của nhiều gương mặt.
Đội trưởng Huỳnh Như thổ lộ mong muốn trước ngày đá World Cup
Trong bối cảnh Chương Thị Kiều chưa hoàn toàn bình phục, HLV Mai Đức Chung khẳng định sẽ chỉ dùng cầu thủ sinh năm 1995 ở khoảng thời gian nhất định trong một số trận đấu. Vị trí trung vệ lệch phải đang là cuộc cạnh tranh giữa Hải Linh và Thu Thương. Hải Linh có xuất phát điểm là tiền vệ, nhưng được kéo xuống đá trung vệ nhờ khả năng phân phối bóng và đọc tình huống tốt.
Còn ở cánh phải, HLV Mai Đức Chung có Vạn Sự đang so kè cùng Thu Thảo. Chơi ở vị trí sở trường là tiền vệ cánh, nhưng Vạn Sự cho thấy khả năng đeo bám và che chắn tốt khi được thử nghiệm ở vị trí hậu vệ phải trong trận đấu trước. Đây là những vị trí mà ban huấn luyện đội nữ vẫn đang lưỡng lự, cần những trận đấu như trước Tây Ban Nha vào ngày mai (14.7) để kiểm tra.
Ở vòng bảng World Cup 2023, Huỳnh Như cùng đồng đội sẽ gặp những đội có hàng công cực mạnh như Mỹ, Bồ Đào Nha và Hà Lan. Sớm cố định bộ khung phòng ngự là nhiệm vụ dù khó khăn, nhưng buộc phải hoàn thành.
Bình luận (0)