Hình ảnh tiền đạo trẻ Nguyễn Thị Thanh Nhã bứt tốc loại bỏ trung vệ đối thủ trước khi sút tung lưới đội tuyển nữ Đức trong trận giao hữu hôm 24.6 của đội tuyển nữ Việt Nam đã mang tới nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Đây không chỉ là tình huống tiếp thêm sự tự tin cho toàn đội, mà cho thấy lứa "gen Z" của đội tuyển nữ Việt Nam đã sẵn sàng bước ra ánh sáng ở vũ đài World Cup.
Người kiến tạo cho Thanh Nhã ghi bàn lịch sử vào lưới Đức là Ngân Thị Vạn Sự, với đường chọc khe chớp nhoáng vừa vặn với đà bứt lên của đồng đội để phá bẫy việt vị và thoát khỏi đối thủ.
Bàn thắng của Thanh Nhã thắp sáng hy vọng cho đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup
"Ở tình huống đó, chị Loan (hậu vệ Hoàng Thị Loan - PV) phá bóng, khi tôi còn chưa kịp nhận bóng thì Thanh Nhã đã gọi 'Sự ơi' rất to làm tôi cũng hết hồn. Thấy Nhã đang bứt tốc nên có được bóng, tôi cố gắng chuyền thật tốt cho Nhã. Khi Nhã đảo bóng sang chân trái và dứt điểm vào lưới, tôi vô cùng sung sướng và chạy thật nhanh đến rồi nhảy lên ôm Nhã", Vạn Sự kể lại.
Vạn Sự, Thanh Nhã là những tài năng trẻ được HLV Mai Đức Chung ươm mầm từ sau SEA Games 30, khi toàn đội đang chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo vào đầu năm 2020. Thời điểm này, đội tuyển nữ Việt Nam với Huỳnh Như, Nguyễn Thị Tuyết Dung, Thái Thị Thảo, Phạm Hải Yến,... vẫn đang thi đấu ổn định, vừa giành tấm HCV SEA Games thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, ban huấn luyện đội nữ đã tính toán đến thế hệ kế cận, khi đôn trực tiếp lứa U.20 Việt Nam khi ấy được huấn luyện bởi ông Akira Ijiri. Lần lượt Trần Thị Hải Linh, Lương Thị Thu Thương, Nguyễn Thị Trúc Hương, Nguyễn Thị Tuyết Ngân, Vạn Sự, Thanh Nhã được đôn lên đội tuyển và bồi dưỡng theo kiểu "cuốn chiếu", thi đấu xen kẽ với các đàn chị.
Top 5 ngôi sao của đội tuyển nữ Việt Nam được FIFA đánh giá cao nhất
3 năm sau ngày lứa U.20 lên tuyển, những hạt mầm của đội tuyển nữ Việt Nam đã nảy nở rực rỡ. Thanh Nhã chói sáng với 2 bàn thắng vào lưới Myanmar ở chung kết SEA Games 32 và đội tuyển nữ Đức ở trận giao hữu. Vạn Sự, Hải Linh dù dự bị, nhưng thể hiện tốt khi có cơ hội. Hải Linh là trường hợp đặc biệt khi xuất phát điểm là tiền vệ, song được sử dụng ở vị trí trung vệ để hỗ trợ hàng thủ phát triển bóng. Tại đây, thủ quân của CLB nữ Hà Nội I đã chơi tốt, được sử dụng ở nhiều trận đấu.
Thu Thương cùng đàn chị Chương Thị Kiều tạo thành "lá chắn" tin cậy giúp đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup. Ở World Cup 2023, hàng công đội nữ còn có thêm sức trẻ của Vũ Thị Hoa, nữ tiền đạo sinh năm 2003, nhưng ghi dấu ấn với 9 bàn ở giải vô địch quốc gia 2022, giành danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất.
Trong trận giao hữu với Đức, Vũ Thị Hoa đã có cơ hội đối mặt nhưng không tận dụng thành công. Song, đó là vấn đề của kinh nghiệm và độ "lạnh" ở những tình huống quyết định. Để có pha đối mặt ấy, Vũ Thị Hoa đã chạy chỗ khôn ngoan vào khoảng trống hàng thủ mà đội tuyển nữ Đức bỏ lại. Đó là sự trực diện và tự tin điển hình của sức trẻ. Đội tuyển nữ Việt Nam rất cần làn gió trẻ của những cầu thủ giàu nhiệt huyết, luôn tiềm ẩn nguồn năng lượng bùng nổ.
Theo HLV Mai Đức Chung, việc đan xen cầu thủ kinh nghiệm với lứa trẻ là nghệ thuật huấn luyện. Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ cần pha trộn hai yếu tố này với tỷ lệ hợp lý. Kinh nghiệm và bản lĩnh của Huỳnh Như, Tuyết Dung, Trần Thị Thùy Trang, Dương Thị Vân hay Nguyễn Thị Bích Thùy vẫn rất cần thiết. Bởi với bản lĩnh thi đấu dạn dày, đây là những cầu thủ biết đưa ra phương án tốt nhất trong những tình huống xấu nhất, biết phân phối thể lực hợp lý.
HLV Mai Đức Chung: “Ở nước ngoài thì phải thích nghi với thời tiết”
Tuy nhiên, những khoảnh khắc kiểu Thanh Nhã luôn cần sức mạnh của tuổi trẻ. Những cầu thủ "gen Z" ở đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có sân khấu lớn để thể hiện năng lực. Có được giải đấu tầm cỡ như World Cup để làm bàn đạp sự nghiệp là may mắn mà thế hệ trẻ cần tận dụng, trước khi trở thành nòng cốt gánh vác đội tuyển nữ Việt Nam trong những năm tới.
Bình luận (0)