Sau khi để lại ấn tượng đẹp ở World Cup 2023, bước tiếp theo bóng đá nữ Việt Nam là chuẩn bị cho các giải đấu lớn tiếp theo, trước mắt là ASIAD 19 (tháng 9) và vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024 (tháng 11), đều diễn ra trong phần còn lại của năm 2023. Còn về lâu dài, đội tuyển nữ Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vị thế ở Đông Nam Á, cải thiện thành tích ở Asian Cup 2026, hay xa hơn là hướng tới tiếp tục góp mặt ở World Cup 2027.
Vấn đề trước mắt với đội tuyển nữ Việt Nam là tiếp tục chuyển giao lực lượng và trẻ hóa đội hình. Thế hệ trụ cột gánh vác đội hiện tại chủ yếu sinh trong khoảng từ năm 1991 đến 1994. Lứa cầu thủ này có thể duy trì đỉnh cao khoảng 2 đến 3 năm nữa, đảm bảo khả năng cạnh tranh ở sân chơi Đông Nam Á. Tuy nhiên để hướng ra châu Á hay World Cup, bóng đá nữ Việt Nam cần nguồn lực trẻ.
Về đến quê nhà, thủ môn Kim Thanh thổ lộ: 'Khoảnh khắc Quốc ca vang lên, tất cả vỡ òa'
Ở Asian Cup 2026 hay World Cup 2027 (nếu đội tuyển nữ Việt Nam dự vòng chung kết), vai trò dẫn dắt đội tuyển sẽ thuộc về lứa cầu thủ sinh năm 2000 đến 2005.
Lứa cầu thủ này cũng đang được đầu tư ở các mức độ khác nhau. Thế hệ sinh từ năm 2000 đến 2003 đã được đôn lên đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023, gồm Lương Thị Thu Thương (2000), Ngân Thị Vạn Sự (2001), Trần Thị Hải Linh (2001), Nguyễn Thị Thanh Nhã (2001), Đào Thị Kiều Oanh (2003) và Vũ Thị Hoa (2003). Đây là lứa trẻ được HLV Mai Đức Chung đôn lên đội tuyển, tạo điều kiện tập luyện xen kẽ với các đàn chị và thi đấu giải lớn để tích lũy kinh nghiệm từ năm 2021 đến nay.
Công sức ươm mầm của ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam mang về "quả ngọt" khi Hải Linh, Thanh Nhã và Thu Thương có suất đá chính ở World Cup 2023, Vạn Sự được vào sân 2 trận từ ghế dự bị. Vũ Thị Hoa và Kiều Oanh chưa được thi đấu ở World Cup, nhưng đều là những nhân tố chủ chốt trong tương lai. Vũ Thị Hoa đã thăng tiến từ chỗ không được triệu tập lên đội tuyển ở SEA Games 31 (năm 2022), trở thành một trong những tiền đạo hay nhất và sau đó giành vé dự World Cup. Thủ môn Kiều Oanh cũng cho thấy tiềm năng với chiều cao lý tưởng (1,70 m), sải tay dài cùng phản xạ ấn tượng.
HLV Mai Đức Chung và đội tuyển nữ đáp xuống Nội Bài, Huỳnh Như đội nón lá rạng rỡ
Trong khi đó, lứa U.20 nữ Việt Nam (chủ yếu sinh năm 2004, 2005) cũng được ông Akira Ijiri huấn luyện bài bản trong 2 năm qua. Những nhân tố tiềm năng của lứa này đã xuất hiện, như trung vệ đội trưởng Lê Thị Bảo Trâm, Trần Nhật Lan, Hồ Thị Thanh Thảo hay Ngọc Minh Chuyên. Nhật Lan từng được gọi lên đội tuyển quốc gia để tập luyện với lứa đàn chị. Thời gian tới, có thể HLV Mai Đức Chung sẽ tạo điều kiện cho thêm nhiều tài năng trẻ, để có thêm những nhân tố như Thanh Nhã, Hải Linh hiện tại.
Đội U.20 nữ Việt Nam đã giành vé dự vòng chung kết U.20 nữ châu Á 2024. Trước đó, thầy trò HLV Ijiri được tập huấn ở Nhật Bản và giao hữu với các đội bóng mạnh ở đây. U.17 nữ Việt Nam, thế hệ kế cận trẻ trung nhất cấp độ đội tuyển cũng đang được đầu tư mạnh, tạo điều kiện tập huấn, thi đấu quốc tế.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá: "Để tiếp tục góp mặt ở World Cup, hay xa hơn là cải thiện thành tích ở sân chơi này, điều đầu tiên cần làm là phải phát triển phong trào bóng đá nữ. Thất bại ở World Cup cho thấy cầu thủ nữ Việt Nam thiếu thể hình, thể lực để bắt kịp các đội hàng đầu. Để khắc phục, công tác tuyển chọn, đào tạo cầu thủ ở các lứa trẻ phải thực hiện khoa học và chuyên nghiệp hơn, cần có quy chuẩn đào tạo cầu thủ ở các lứa tuổi sớm hơn nữa".
Đây là nguồn lực đào tạo nhân tài triển vọng cho đội nữ. Khi cánh cửa được mở rộng cho "dòng máu trẻ", đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có tương lai hứa hẹn, dẫu quá trình chuyển giao không dễ dàng bởi những đàn chị như Huỳnh Như, Tuyết Dung đã để lại dấu ấn quá đậm nét.
Việc có chuyển giao suôn sẻ hay không sẽ quyết định tương lai của đội tuyển nữ Việt Nam trong 5 năm tới.
Bình luận (0)