Đội tuyển Việt Nam không toàn diện
Trận chung kết lượt về AFF Cup 2024 trên sân Rajamangala đã chỉ rõ tất cả những gì hay nhất và cả hạn chế của đội tuyển Việt Nam đang mang diện mạo mới dưới thời HLV Kim Sang-sik.
Nếu trong bàn mở tỷ số Tuấn Hải đã có mặt đúng lúc, đúng chỗ để khai thác khoảng trống sau lưng hàng thủ Thái Lan thì tình huống để đối thủ gỡ hòa 1-1 cho thấy hạn chế kinh nghiệm của Ngọc Tân.
Hội bạn thân U.80 rủ nhau ra sân bay đón đội tuyển Việt Nam: 'Vô địch sướng lắm'
Tiền vệ đội trưởng CLB Thanh Hóa thiếu kinh nghiệm đỉnh cao trong giải đấu lớn đầu tiên cùng đội tuyển Việt Nam ở tuổi 30, nhưng bù đắp xuất sắc bằng ngọn lửa chiến đấu cháy rực, lăn xả trong từng pha bóng, bất kể những vết bầm sinh ra không ngớt sau mỗi trận.
Chính kiểu chạy hừng hực "không tiếc sức", áp sát mạnh mẽ nhưng không đá xấu đó của Ngọc Tân đã gây ra rất nhiều khó khăn cho hàng tiền vệ Thái Lan.
Kết quả, những cầu thủ Thái Lan trên sân nhà bỗng dưng sa đà vào những tình huống trả đũa, giúp tuyến giữa đội tuyển Việt Nam có một vài nhịp trì hoãn để "thở" và ổn định lại đội hình.
Đội tuyển Việt Nam không sở hữu hàng công mạnh nhất, có 21 lần lập công vẫn kém hơn Thái Lan có tổng cộng 23 bàn thắng sau 8 trận tại AFF Cup 2024.
Thực tế, chỉ số kiểm soát bóng 39% so với 61% của Thái Lan trong trận chung kết cho thấy chúng ta vẫn còn xa mới đạt tới "cảnh giới" chơi tấn công áp đặt bằng kiểm soát bóng như xu hướng của thế giới.
Thậm chí màn ra mắt ấn tượng của Xuân Son với 7 bàn thắng, 3 kiến tạo trong 5 trận cũng khiến nhiều người cho rằng đội tuyển Việt Nam quá phụ thuộc vào chân sút gốc Brazil.
Lời khẳng định của bản lĩnh
Tuy nhiên, báo chí khu vực Đông Nam Á khẳng định chiến thắng xứng đáng của đội tuyển Việt Nam, khi đánh bại Thái Lan ngay tại thánh địa Rajamangala với gần 5 vạn CĐV cuồng nhiệt.
Đội tuyển Việt Nam sở hữu hàng thủ tốt nhất AFF Cup 2024, với tổng cộng 6 bàn thua sau 8 trận. Nhưng thành tích đó vẫn kém xa kỷ lục 588 phút liên tiếp giữ sạch mành lưới, chỉ thủng lưới 3 lần dưới thời HLV Park Hang-seo tại AFF Cup 2022.
Nhưng rõ ràng chính những sự không hoàn hảo đó càng làm nổi bật bản lĩnh của tập thể đã được làm mới gần như toàn bộ, phần lớn đội hình đá chính thay đổi so với trận chung kết 2 năm trước, nhưng chơi kiên cường và tỉnh táo tại Rajamangala.
Đêm 5.1, có đến 9 gương mặt mới trong đội hình xuất phát như Đình Triệu, Xuân Mạnh, Tiến Dũng, Thành Chung, Ngọc Tân, Văn Vĩ, Ngọc Quang, Tuấn Hải và Xuân Son. So với trận chung kết lượt về tại AFF Cup 2022 chỉ còn Hoàng Đức và Văn Thanh trụ lại.
Rõ ràng tập thể mới mẻ này kém hơn rất nhiều cả về danh tiếng, kinh nghiệm. Nhưng họ vừa vặn phù hợp nhau trong tiêu chí xây dựng đội hình mới của HLV Kim Sang-sik: tinh thần đồng đội, khát khao cống hiến, cường độ thi đấu.
Trên hết, cách đội tuyển Việt Nam kiên cường đứng vững trong nửa sau hiệp 1 khi Xuân Son bị chấn thương phải được đưa đi cấp cứu và Thái Lan gây sức ép dữ dội, hay vượt qua ức chế sau bàn thắng thiếu fair-play của đối thủ chính là bằng chứng của bản lĩnh.
Chính bản lĩnh lì lợm, tỉnh táo đó đã gây ức chế cho đối thủ, khiến "Voi chiến" sợ hãi, từ bỏ lối chơi kiểm soát bóng, sa đà vào đá rát và sử dụng tiểu xảo khiêu khích, dẫn đến mất người và nhận 2 bàn thua trong hiệp 2.
HLV Kim Sang-sik đã có chức vô địch AFF Cup đầu tiên sau 6 tháng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, với diện mạo và phong cách chơi giống mà khác người tiền nhiệm Park Hang-seo.
Chúng ta đã vô địch Đông Nam Á lần thứ 3 trong lịch sử, với đội hình mang tính "bình dân" nhất so với 2 chiến thắng trước đó, nhưng có một điểm không đổi chính là tinh thần tập thể gắn kết và bản lĩnh tuyệt vời của các chàng trai áo đỏ!
Bình luận (0)